Điều kiện để đang thi hành án mắc bệnh hiểm nghèo được tạm đình chỉ để chữa bệnh

ANTD.VN - Bạn đọc hỏi: Bố tôi bị tuyên án 8 năm tù và đang chấp hành hình phạt được 2 năm thì phát hiện bị suy tim độ III. Gia đình tôi muốn xin tạm đình chỉ thi hành án để đưa bố tôi về nhà chữa bệnh, sau khi điều trị xong lại tiếp tục thi hành án thì có được không? Nguyễn Đức Đạt (Đống Đa, Hà Nội)

Điều kiện để đang thi hành án mắc bệnh hiểm nghèo được tạm đình chỉ để chữa bệnh ảnh 1

Lao động trong thời gian thi hành án (Ảnh minh họa)

Luật sư Đặng Thành Chung trả lời: 

Theo quy định tại Điều 67 và Điều 68, Bộ luật Hình sự năm 2015 thì người đang chấp hành hình phạt tù mà thuộc một trong các trường hợp có thể được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù là bị bệnh nặng thì được hoãn cho đến khi sức khỏe được hồi phục.

Tại điểm a, khoản 1, Điều 4, Thông tư liên tịch số 03/2013/TTLT-BCA-TANDTC-VKSNDTC-BQP-BYT thì:

“1. Phạm nhân đang chấp hành án phạt tù tại các trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện có thể được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù khi thuộc một trong các trường hợp dưới đây:

a) Phạm nhân bị bệnh nặng đến mức không thể tiếp tục chấp hành án phạt tù và nếu phải chấp hành án phạt tù sẽ nguy hiểm đến tính mạng của họ, do đó, cần thiết phải cho họ tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù để có điều kiện chữa bệnh, trừ người không có thân nhân hoặc không có nơi cư trú rõ ràng.

Người bị bệnh nặng quy định tại khoản này là người mắc một trong các bệnh hiểm nghèo như: Ung thư giai đoạn cuối, liệt, lao nặng kháng thuốc, xơ gan cổ chướng, suy tim độ III trở lên, suy thận độ IV trở lên, nhiễm HIV đã chuyển giai đoạn AIDS đang có nhiễm trùng cơ hội, không có khả năng tự phục vụ bản thân và có tiên lượng xấu, nguy cơ tử vong cao hoặc mắc một trong các bệnh khác được Hội đồng giám định y khoa, bệnh viện cấp tỉnh hoặc cấp quân khu trở lên kết luận bằng văn bản là bệnh hiểm nghèo, nguy hiểm đến tính mạng”.

Bên cạnh đó, khoản 8, Điều 9, Thông tư liên tịch này cũng quy định: “Đối với phạm nhân bị bệnh nặng phải có kết luận của Hội đồng giám định y khoa hoặc bản sao bệnh án, kết luận của bệnh viện cấp tỉnh hoặc cấp quân khu trở lên về tình trạng sức khỏe của người đó. Riêng phạm nhân bị nhiễm HIV đã chuyển giai đoạn AIDS phải có kết quả xét nghiệm HIV theo quy định của Bộ Y tế và bản sao bệnh án hoặc kết luận của cơ quan y tế có thẩm quyền khẳng định đã chuyển giai đoạn AIDS, đang có nhiễm trùng cơ hội, không có khả năng tự phục vụ bản thân và có tiên lượng xấu, nguy cơ tử vong cao. Cơ quan y tế và bệnh viện các cấp có trách nhiệm cung cấp đầy đủ các tài liệu liên quan đến tình trạng sức khỏe của phạm nhân khi có đề nghị của cơ quan có thẩm quyền”.

Căn cứ vào các quy định trên, bố của bạn phải mắc suy tim độ III, không có khả năng tự phục vụ bản thân và có tiên lượng xấu, nguy cơ tử vong cao đã được Hội đồng giám định y khoa kết luận hoặc có bệnh án, kết luận của bệnh viện cấp tỉnh hoặc cấp quân khu trở lên và có nơi cư trú rõ ràng, có thân nhân chăm sóc thì mới được xem xét tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù.

Luật sư Đặng Thành Chung (Giám đốc Công ty luật TNHH An Ninh) Phòng 305, tòa nhà số 8 Láng Hạ, phường Thành Công, quận Ba Đình, Hà Nội

Thời hạn tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù đối với phạm nhân bị bệnh nặng có thể một lần hoặc nhiều lần cho đến khi sức khỏe hồi phục. Đối với người đang được tạm đình chỉ do bị bệnh nặng mà có bệnh án hoặc kết luận giám định y khoa cấp tỉnh, cấp quân khu xác định sức khỏe của họ chưa phục hồi, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh nơi họ về cư trú, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu nơi đơn vị được giao quản lý người đó thông báo bằng văn bản cho Chánh án Tòa án đã ra quyết định tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù xem xét, quyết định việc có tiếp tục cho họ được tạm đình chỉ hay không (Điều 32, Luật Thi hành án hình sự; Điều 6, 12 Thông tư liên tịch 03/2013/ TTLT-BCA-TANDTC-VKSNDTC-BQP-BYT).