Điêu khắc trẻ: Cần nhiệt huyết để sắc sảo hơn

ANTĐ - Triển lãm “Điêu khắc trẻ 2014” vừa khép lại - cơ hội hiếm hoi để các nghệ sỹ trẻ hoạt động trong lĩnh vực này được đưa những tác phẩm của mình đến với công chúng. Bên cạnh những tín hiệu khả quan từ chất lượng chuyên môn, vẫn còn điều đáng băn khoăn ở những người tổ chức khi triển lãm vẫn chưa thực sự thoát ra khỏi “tính phong trào”.

Tác phẩm Hạc giấy của tác giả Nguyễn Mạnh Hùng

Có một điều nhận thấy từ triển lãm “Điêu khắc trẻ 2014” của CLB Nghệ sỹ trẻ, Hội Mỹ thuật Việt Nam là sự trỗi dậy của những gương mặt lần đầu tiên đưa tác phẩm đến sân chơi này. Bên cạnh những nghệ sỹ trẻ đã khẳng định được vị trí trong làng điêu khắc, có khá đông những nghệ sỹ thuộc thế hệ 9X, đang học tập trên ghế nhà trường cũng có cơ hội thử sức mình. Sự xuất hiện của nhiều gương mặt mới là một tín hiệu đáng mừng, nhưng cùng với đó cũng là nỗi niềm của muôn năm cũ khi những người đã từng khẳng định tên tuổi qua các kỳ triển lãm trước thì đều đã… bỏ cuộc chơi. 

Năm 2012, năm đầu tiên tổ chức triển lãm chứng kiến sự tham gia đông đảo của tác giả đến từ những lò đào tạo tiếng tăm như trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, Mỹ thuật Công nghiệp, Đại học Kiến trúc… tuy chất lượng chưa thực sự đồng đều nhưng đã tạo phong trào sôi nổi cho những nghệ sỹ trẻ thì cho đến năm nay, có thể thấy rõ sự thiếu vắng của các cá nhân có trình độ chuyên môn tốt ở những năm trước. Họa sỹ Thành Chương còn cho rằng “hình như những người thành tài, họ thích đi làm ăn bên ngoài hơn là tham gia vào những kỳ cuộc như thế này”. Cần phải nhớ, thông qua các kỳ triển lãm 2012 - 2013, rất nhiều tác giả trẻ như Thái Nhật Minh, Trần An, Kù Kao Khải, Hà Mạnh Chiến, Phạm Thái Bình, Hoàng Mai Thiệp, Lương Đức Hùng… đã vượt lên và khẳng định tiếng tài năng của mình tại “Triển lãm 10 năm điêu khắc toàn quốc” (2003-2013). 

Qua các năm, “Điêu khắc trẻ” thể hiện được rõ ràng hơn xu thế phát triển của điêu khắc đương đại với sự không giới hạn về chất liệu và sự mở rộng đề tài, kích cỡ… khai thác tối đa sức sáng tạo của các nghệ sỹ trẻ. Tuy nhiên, theo họa sỹ Lương Xuân Đoàn, ở “Điêu khắc trẻ 2014”, mặc dù đã cố gắng để tạo sự “xoay chuyển” cho điêu khắc nhưng nhìn chung, các nghệ sỹ trẻ vẫn thiếu sự “đáo để”, sắc sảo trong ngôn ngữ thể hiện. Ông cũng cho rằng, có thể tổ chức những cuộc triển lãm chỉ 3-5 tác giả, còn hơn là làm lớn, nhưng “loãng”.  

Đồng ý với quan điểm này, họa sỹ Thành Chương nhận định, khi nghệ thuật hiện đại phát triển, ranh giới về thể loại không còn khắt khe như trước. Việc quan niệm điêu khắc chỉ để phục vụ cho việc “trang trí” cũng đã hết sức xưa cũ. Điêu khắc có tư tưởng, sức nặng, tạo hình, có triết lý và có sức sống lâu bền với thời gian. Bởi vậy, những nghệ sỹ điêu khắc trẻ cần vượt qua những rào cản, những quan niệm đã cũ để sáng tạo những tác phẩm của mình phục vụ cuộc sống, đến gần hơn với công chúng. Quan trọng, sự dụng công ở mỗi tác phẩm phụ thuộc rất nhiều vào nhiệt huyết và năng lượng của mỗi tác giả, nhất là trong những sân chơi như thế này.