Diễn viên Hoàng Công - Đoàn kịch nói Công an nhân dân: Tôi là người quen mặt mà không ai biết tên

ANTD.VN - Hoàng Công - nam diễn viên của Đoàn kịch nói Công an nhân dân tâm sự, anh chưa bao giờ nghĩ mình là người nổi tiếng mà đơn giản chỉ là “người quen mặt mà mọi người không biết tên”. 

Màu áo chiến sĩ giúp tôi có thêm ý thức với nghề nhiều hơn

- PV: Hoàng Công từng được xem là một trong những “soái ca” thường được chọn vài các vai “công tử bột” trên màn ảnh nhỏ vào những năm 2000. Nhưng hình như lâu rồi không thấy anh đóng phim?

- Diễn viên Hoàng Công: Tôi vẫn làm và vẫn yêu nghề nhưng không còn đóng truyền hình, đó chính là vấn đề thời gian. Phim truyền hình hiện nay khá dài tập, mỗi lần tham gia đều phải theo đoàn ít nhất 3 tháng. Trong khi đó, tôi còn công việc ở Đoàn kịch nói Công an nhân dân.

Thời gian qua, tôi nhận được khá nhiều lời mời nhưng đều phải từ chối. Khi đạo diễn mời bạn, bạn từ chối một lần, hai lần nhưng đến lần thứ ba thì chắc chắn họ phải tìm diễn viên khác. Với diễn viên theo đoàn phim truyền hình cũng vậy, mình có thể đóng phim hôm nay, nhưng mai bạn xin nghỉ thì sẽ đảo lộn kịch quay của cả đoàn. Từ bối cảnh quay, đến họa sĩ… đều phải thay đổi lịch để khớp với toàn bộ ê-kíp. Điều này không ai thích. Khi mình luôn tạo ra sự bị động với người khác thì họ sẽ không yêu quý mình, nếu không muốn nói là ghét (cười). 

- Anh có sợ từ chối nhiều lần sẽ bị hiểu lầm là “chảnh” không?

- Với những người khác tôi không rõ. Nhưng tính cách của tôi có gì thì mình nói vậy. Đúng là khi mình báo bận, đã có một số người từng nghĩ tôi “kiêu” nên không nhận kịch bản. Thật ra là không đúng, hiện tại, ngoài vai trò làm diễn viên, tôi còn kiêm nhiệm thêm công việc hành chính ở đoàn, vậy nên cũng khá bận rộn. Thêm nữa, cũng có những vai diễn tôi không nhận vì cảm thấy không thích. Từ xưa đến giờ, tôi không bao giờ từ chối bất kỳ một vai diễn nào, dù là nhỏ. Nhưng khi đã nhận, tôi sẽ phải làm đoàng hoàng và tử tế, làm hết mình.

Tôi hay các thế hệ sinh viên của trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh đều được học khi còn ngồi trên ghế giảng đường, đó là: “Không có vai diễn nhỏ, chỉ có người diễn viên nhỏ”. Tuy nhiên, không đóng phim, tôi vẫn tham gia các tiểu phẩm nhỏ trên truyền hình.

- Theo anh, là nghệ sĩ công tác tại một đoàn nghệ thuật Công an, khoác trên mình bộ sắc phục của người chiến sĩ có khác gì so với những nghệ sĩ ở các nhà hát khác?

- Nghệ sĩ ở các nhà hát khác chỉ đơn thuần là nghệ sĩ. Còn tôi hay các nghệ sĩ ở Nhà hát Quân đội, ngoài vai trò nghệ sĩ còn mang màu áo người chiến sĩ.  Một nghệ sĩ đơn thuần thì giờ giấc đã là tối thượng. Còn công an nói riêng, lực lượng vũ trang nói chung thì còn thêm điều lệnh. Ngoài nội quy của cơ quan, mình phải chấp hành những điều lệnh của ngành. Có những thứ sẽ khác hơn so với dân sự. Vả lại nếu mình là nghệ sĩ đơn thuần như Nhà hát Tuổi trẻ, Nhà hát kịch Hà Nội… thì mình có thể thoải mái để tóc, để râu, hình xăm… theo cá tính chứ nghệ sĩ - công an như chúng tôi thì tuyệt đối không.

- Ra trường thực tập tại Nhà hát kịch Hà Nội nhưng sao anh lại rẽ lối sang Đoàn kịch nói Công an nhân dân?

- Mọi thứ đều là cái duyên. Khi mới ra trường, tôi được NSND Hoàng Dũng gợi ý để tôi về Nhà hát kịch Hà Nội. Nhưng chính sách thời đó, phải có hộ khẩu ở Hà Nội mới được về. Hơn nữa, tôi đã ở đó hơn một năm nhưng vẫn chưa có cơ hội được lên sân khấu. Được một thời gian, tôi nghỉ để làm phim truyền hình và cơ duyên đưa tôi đến với Đoàn kịch nói Công an nhân dân. Tại đây, tôi có cơ hội được làm nghề nhiều hơn, được giao những vai diễn để chứng tỏ năng lực của mình, sẽ có được hộ khẩu… Trên hết, tôi được khoác trên mình màu áo người chiến sĩ Công an nhân dân - điều này chính là sự mong mỏi và tự hào của không chỉ riêng cá nhân tôi, còn là gia đình.

- Kịch luôn bị đánh giá là khó hấp dẫn, trong khi nói đến tên đoàn kịch nói Công an nhân dân dễ khiến khán giả nghĩ rất cứng nhắc và khô khan, anh nói gì về nhận xét này?

- Các bạn chưa xem nhiều nên sẽ không hiểu rõ. Chúng tôi vẫn có những vở kịch hài, các chùm hài khi biểu diễn được khán giả rất đón nhận. Hiện tại, Đoàn kịch nói Công an nhân dân diễn khá đa dạng đề tài. Ngoài những vở chính kịch, chúng tôi diễn hài về đề tài xã hội.

Diễn viên Hoàng Công - Đoàn kịch nói Công an nhân dân: Tôi là người quen mặt mà không ai biết tên ảnh 2Hoàng Công từng được xem là một trong những “soái ca” trên màn ảnh nhỏ vào những năm 2000

Luôn nói nghệ sĩ ăn chơi, trăng hoa là sai

- Anh đánh giá thế nào về phim truyền hình ngày nay?

- Tôi thấy phim truyền hình của chúng ta hiện nay rất tốt, phát triển mạnh mẽ. Đã có nhiều thay đổi, từ nội dung, kỹ xảo hình ảnh… đến công việc truyền thông. Khán giả cũng đón nhận rất nồng nhiệt. Bên cạnh đó, các diễn viên có cơ hội được tạo hình tốt hơn, bởi có nhiều nhà tài trợ cho trang phục. Thời xưa, khi đóng phim, chúng tôi có được hai cái áo sáng màu sẽ được xem là rất đẹp. Giờ nhìn lại thấy mình như đang bơi trong cái bao tải.

- Không còn là gương mặt đình đám, thế nhưng trên mạng vẫn có một trang “Hội những người yêu thích diễn viên Hoàng Công”, cảm xúc của anh thế nào?

- Trang “Hội những người yêu thích diễn viên Hoàng Công” là do một người bạn thân thiết, cũng như yêu mến tôi tự lập ra. Thời điểm khi bạn ấy lập ra, tôi cũng có ngăn cản. Và có nói, nên xét nhiều khía cạnh, từ tầm ảnh hưởng, sự yêu mến, uy tín… để xem có nên lập ra hay không. Bản thân mình, tôi chưa bao giờ nghĩ mình là người nổi tiếng. Đơn giản, tôi chỉ là người quen mặt mà mọi người không biết tên. Người nổi tiếng phải là người nhìn mặt biết tên, nhắc đến tên phải biết mặt. Nhưng đây là ý tốt của người bạn yêu mến mình nên tôi không thể trách mắng. Hầu hết, số lượng người tham gia đều là bạn bè tôi (cười).

- Người ta thường nói nghệ sĩ trăng hoa nên hôn nhân dễ đổ vỡ, anh nghĩ sao về điều này?

- Tôi thấy nhận định mọi người là sai. Người nghệ sĩ chỉ là nhân vật điển hình trong một vở kịch điển hình. Xã hội đầy rẫy người ly hôn nhưng không được quan tâm. Nghệ sĩ họ cũng như những người bình thường khác, có chăng, họ chỉ khác là được truyền thông, khán giả biết đến nhiều hơn. Đúng là nghệ sĩ có tâm hồn bay bổng và họ dễ đồng điệu nhau ở khoảng không nào đó. Có nhiều người không làm nghệ thuật nhưng họ vẫn lãng mạng, tâm hồn bay bổng. Điều này còn do tính cách.

Người ta hay nói, nghệ sĩ ăn chơi trác táng là không đúng. Nghệ sĩ nghèo lắm, lấy tiền đâu mà ăn chơi. Có người nhiều tiền nhưng ăn chơi  ở chỗ kín, không ai quan tâm và báo chí không soi mói. Nhưng nghệ sĩ thì có chút ảnh hưởng, bởi họ làm ra món ăn tinh thần cho người dân. Vậy nên, đôi khi nghệ sĩ hay bị lôi ra bàn tán, so sánh. Tôi đã từng đặt ra câu hỏi với một số người nói vậy, hãy làm thử một cuộc rà soát, 10 cặp ly hôn thì sẽ có bao nhiêu cặp là nghệ sĩ. Cho nên chúng ta không nên vội vàng áp đặt.

- Anh từng một lần đổ vỡ, đã nhiều năm qua luôn là người độc thân, vậy anh đã sẵn sàng bước vào cuộc sống gia đình mới?

- Cuộc hôn nhân đổ vỡ là không ai mong muốn. Cuộc sống đã thay đổi và nhiều biến cố. Thời điểm đổ vỡ, tôi đã rất đau lòng và cố gắng nhưng không thể. Tôi đã ly hôn được 8 năm, sau khi ly hôn trong tư tưởng và suy nghĩ của mình, tôi sẽ không đi thêm bước nữa. Tuy nhiên, thời gian gần đây, mọi người tác động và bố mẹ cũng muốn tôi xây dựng gia đình nên phải nghĩ lại. Hiện tại, tôi đã 41 tuổi, ở cái tuổi không còn trẻ trung, tôi cũng cần một người bên cạnh mình lúc ốm, lúc đau và lúc buồn. Bố mẹ cũng không ở bên cạnh mình mãi. Tuy nhiên, mọi thứ đều do duyên.

- Cảm ơn và chúc anh có một cuộc sống hạnh phúc!