Diễn viên, biên đạo múa Vũ Ngọc Khải: Đưa múa Việt Nam ra thế giới

ANTĐ - Ngày 21-7 tới, “Nón” vở múa có sự kết hợp giữa nhạc cụ dân tộc Việt Nam và nghệ thuật múa hiện đại, sẽ công diễn tại Hà Nội sau một thời gian dài biểu diễn ở nhiều nước châu Âu. PV Báo An ninh Thủ đô đã có cuộc trò chuyện cùng biên đạo múa, diễn viên Vũ Ngọc Khải . 

“Nón”, tác phẩm múa đương đại có sự kết hợp giữa âm nhạc dân tộc Việt Nam và múa hiện đại

Sự trở về của “Nón”

- PV: Nghe nói, khán giả đã phàn nàn rất nhiều về “Nón”, điều đó có đúng không, thưa anh?

- Biên đạo múa Vũ Ngọc Khải: Sau khi ê kíp thực hiện gồm 3 thành viên đưa “Nón” biểu diễn tại TP.HCM và châu Âu, đúng là chúng tôi đã nhận được nhiều lời “phàn nàn” của khán giả Thủ đô (Cười), rằng sao không biểu diễn ở Hà Nội, và việc đưa “Nón” tới Hà Nội vào trung tuần tháng 7 tới là nỗ lực của ê kíp nhằm đáp lại tình cảm mà những người yêu nghệ thuật dành cho múa đương đại và âm nhạc truyền thống Việt Nam. Hơn thế, Hà Nội là nơi tôi lớn lên và tới với nghề, “Nón” được biểu diễn tại nơi mình đã gắn bó thì còn gì tuyệt vời bằng. 

- Ở xa đất nước, điều gì thôi thúc anh viết kịch bản và tạo nên vở múa có sự kết hợp giữa âm nhạc dân tộc và nghệ thuật múa hiện đại?

- Càng làm việc xa nhà, tiếp xúc lâu với phong cách múa châu Âu, tôi lại càng muốn làm các tác phẩm nghệ thuật đóng mác “Made in Vietnam”. Tôi đã nghĩ ra ý tưởng từ lâu nhưng chưa gặp được người có thể phối hợp phần âm nhạc cho tác phẩm. Đặc biệt, việc dùng nhạc cụ dân tộc nhưng chơi theo lối đương đại thì lại càng khó tìm. Hành trình tưởng chừng “mò kim đáy bể” ấy kéo dài mãi cho đến khi tôi gặp nhạc sĩ Ngô Hồng Quang tháng 7-2014.

May mắn cho tôi bởi anh Hồng Quang cũng tha thiết và mong muốn làm nên những tác phẩm giới thiệu tinh hoa của văn hóa Việt. Vì thế, tôi và anh cùng viết kịch bản của “Nón” dựa trên nền tảng tạo sự hòa hợp giữa múa đương đại với âm nhạc Việt Nam được trình diễn trực tiếp bằng nhạc cụ dân tộc. 

- Xin anh cho biết những khó khăn để đưa sản phẩm đóng mác “Made in Vietnam” như “Nón” về Việt Nam?

- Làm một chương trình nghệ thuật biểu diễn trực tiếp thật không dễ chút nào. Tôi làm diễn viên, dàn dựng, thiết kế sân khấu, thiết kế ánh sáng cho “Nón”. Tác phẩm nhận được sự chia sẻ, hỗ trợ của những người yêu sản phẩm Việt. Tuy nhiên, “Nón” vẫn thiếu nhà đầu tư có tâm. Các bạn biết đấy, người làm nghệ thuật sẽ chỉ giỏi làm nghệ thuật thôi, còn đưa sản phẩm tới khán giả thì phải có nhà đầu tư, nhà tổ chức. “Nón” đang là sản phẩm của nhóm 3 người độc lập, trong đó chỉ có 1 người phụ trách phần tổ chức sản xuất toàn bộ các khâu.

Đề ra luật chơi riêng

- “Nón” biểu diễn tại Hà Nội sẽ giảm từ 70% sắp đặt xuống còn 50% và tôn trọng sự ngẫu hứng, tự do. Anh có thể giải thích cho sự tiết chế yếu tố sắp đặt trong vở diễn? 

- Một năm qua, “Nón” có dịp trình diễn tại các sân khấu khác nhau ở châu Âu. Nhờ đó, tôi và bạn diễn đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm, chúng tôi cũng hiểu nhau nhiều hơn, tìm được cách phối hợp ăn ý mà không cần phải dùng đến lời nói. Nhìn lại hành trình đó và tự tin với những gì đang có, tôi quyết định giảm yếu tố sắp đặt và thay vào đó, nâng yếu tố ngẫu hứng lên. Tuy nhiên, ngẫu hứng không phải hứng thì làm, mà sự ứng tác trên sân khấu này được dựa trên sự ăn ý của ê kíp. Phần trăm ngẫu hứng càng cao thì càng khó và thử thách này làm tôi thích thú. 

- Để kiểm soát sự ngẫu hứng trên sân khấu, anh có đề ra “luật chơi” của riêng mình?

- Trong múa đương đại có rất nhiều luật lệ và biên đạo múa sẽ là người thiết kế nên luật chơi ấy. Với “Nón” có sự kết hợp giữa ngẫu hứng và sắp đặt, luật chơi sẽ càng thắt chặt. Dù là ngẫu hứng thì trong quá trình tập luyện, chúng tôi buộc phải dự đoán được các tình huống sẽ diễn ra và trạng thái của khán giả cũng như diễn viên trên sân khấu. Đặc biệt, trước khi biểu diễn, tôi và anh Hồng Quang sẽ thiền khoảng 30 phút để giũ bỏ con người đời thực và hóa thân trọn vẹn trong vở múa.  

- Mở các khóa học nhỏ (workshop) tại Hà Nội, bên cạnh việc biểu diễn, anh có ý định sẽ quảng bá cho nghệ thuật múa?

- Ngoài việc mang đến tác phẩm cho khán giả thưởng thức, tôi muốn nhiều người biết đến múa đương đại, bởi bộ môn này có thể giúp cho họ trong cuộc sống. Và để biết tại sao múa giúp ích cho cuộc sống và cách vận dụng, mọi người chỉ cần mở lòng ra đến với múa. Lần này, lớp học sẽ hướng tới sự tập trung tinh thần qua ngôn ngữ cơ thể và sự cảm biến của cơ thể trong không gian hiện tại. Đặc biệt, các bạn sẽ được múa cùng diễn viên của “Nón’’ và âm nhạc sẽ do nhạc sĩ Ngô Hồng Quang chơi trực tiếp. Tôi nghĩ đây sẽ là trải nghiệm thú vị cho mọi người.  

- Theo anh, cách làm nào hiệu quả nhất để đưa các tác phẩm múa “Made in Vietnam” đến với khán giả trong và ngoài nước?

- Dù là tác phẩm do nước ngoài sản xuất hay các tác phẩm “Made in Vietnam” thì chất lượng luôn là số 1. Cách làm nào thì cuối cùng vẫn trở về với yếu tố con người và cuộc sống. Tôi cho rằng, các nghệ sỹ cùng nỗ lực làm việc bằng tấm lòng hướng tới khán giả sẽ luôn là cách làm hiệu quả nhất, đưa tác phẩm sống trong lòng khán giả. 

- Xin cảm ơn biên đạo múa Vũ Ngọc Khải!

Vở múa “Nón” sẽ ra mắt khán giả Thủ đô tại Trung tâm Văn hóa Pháp, số 24 Tràng Tiền vào 20h ngày 21-7. Trước ngày biểu diễn, ê kíp thực hiện sẽ tổ chức lớp học ngắn (workshop) vào ngày 9 và 10-7 để giới thiệu nghệ thuật múa đương đại.