Điểm sáng kinh tế Việt Nam năm 2022

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Việc kinh tế Việt Nam năm 2022 tăng trưởng với tốc độ cao hàng đầu khu vực và thế giới trong bối cảnh diễn ra nhiều cuộc khủng hoảng chồng chéo trên toàn cầu được giới chức và chuyên gia kinh tế quốc tế đánh giá cao, cho rằng điều này phản ánh sự tăng trưởng ổn định của nền kinh tế được coi là một điểm sáng trong bức tranh kinh tế thế giới.
Các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá cao triển vọng tăng trưởng của Việt Nam nên mong muốn mở rộng hoạt động đầu tư kinh doanh

Các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá cao triển vọng tăng trưởng của Việt Nam nên mong muốn mở rộng hoạt động đầu tư kinh doanh

Đánh giá tích cực về kinh tế Việt Nam

Đài Sputnik mới đây dẫn ý kiến phân tích từ Giáo sư, Tiến sĩ kinh tế Vladimir Mazyrin, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Việt Nam và ASEAN thuộc Viện nghiên cứu Trung Quốc và châu Á hiện đại, đánh giá nền kinh tế Việt Nam trong năm 2022 đã ghi nhận những chỉ số tích cực, phản ánh khả năng ổn định và phát triển trong bối cảnh diễn ra các cuộc khủng hoảng chồng chéo. Theo vị chuyên gia này, tăng trưởng Tổng sản phẩm nội địa (GDP) là thành công rõ nét nhất của Việt Nam trong năm có nhiều khó khăn này trên toàn cầu.

Theo Giáo sư Vladimir Mazyrin, tăng trưởng sản xuất ngành công nghiệp trong 11 tháng là khoảng 9%, trong đó sản xuất điện tăng trưởng 7,7%, đã cho thấy công nghiệp vẫn là ngành chủ đạo của nền kinh tế Việt Nam. Đây là dấu hiệu cho thấy Việt Nam đang đạt được tiến bộ trong mục tiêu trở thành “xưởng sản xuất thế giới”. Tăng trưởng trong lĩnh vực xuất nhập khẩu của Việt Nam là điều mà Giáo sư Vladimir Mazyrin rất ấn tượng, cho rằng, đó là một ví dụ về thành công nổi bật nhất của nền kinh tế Việt Nam năm 2022. Trong suốt thời gian đại dịch Covid-19 cũng như trong năm 2022, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng ổn định. Theo đó, cả xuất khẩu lẫn nhập khẩu đều tăng trưởng, trong đó xuất khẩu có phần tăng nhanh hơn. Vị chuyên gia kinh tế này dự báo, đến cuối năm 2022, cả xuất khẩu và nhập khẩu của Việt Nam cùng đạt kim ngạch khoảng 400 tỷ USD và tổng kim ngạch thương mại có thể lên 800 tỷ USD. Ông nhìn nhận, các cơ quan đánh giá xếp hạng có cơ sở báo cáo rằng, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam sẽ đạt mốc nghìn tỷ USD trong thời gian tới.

Trang seekingalpha.com (Mỹ) vừa qua đã đăng bài viết cho rằng, Việt Nam có triển vọng kinh tế vĩ mô tươi sáng với nhu cầu tiêu dùng nội địa mạnh, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và duy trì thặng dư trong cán cân thương mại với các nước khác. Theo trang mạng này, tăng trưởng GDP thực tế của Việt Nam được dự báo vượt 8% trong năm 2022. Theo bài viết, trong khi các nền kinh tế lớn trên thế giới đang cắt giảm hỗ trợ chính sách tài khóa và tiền tệ nhằm kiềm chế lạm phát, Việt Nam lại có nguồn để hỗ trợ tăng trưởng. Ngay tháng 1-2022, Việt Nam đã thông qua gói kích thích tài chính trị giá khoảng 15,4 tỷ USD, tương đương gần 4% GDP, để hỗ trợ mục tiêu tăng trưởng 8% trong năm 2022. Gói kích thích này được coi là tích cực giúp tăng trưởng GDP của Việt Nam bứt phá mạnh trong năm 2022.

Bài trên trang seekingalpha.com nhận định, đồng nội tệ và lãi suất của Việt Nam tương đối ổn định so với các nước khác. Tiêu dùng cá nhân phục hồi mạnh cùng mức tăng trưởng xuất khẩu mạnh đã giúp Việt Nam tăng trưởng GDP quý III-2022 rất ấn tượng ở mức 13,67%. Theo bài viết, vị thế kinh tế vĩ mô tích cực của Việt Nam sẽ giúp người dân thoát khỏi nghèo đói khi dự báo hơn 50% dân số Việt Nam sẽ gia nhập tầng lớp trung lưu toàn cầu vào năm 2035.

Cùng chung đánh giá tích cực về kinh tế Việt Nam, Chủ tịch Điều hành Quỹ đầu tư Dragon Capital, ông Dominic Scriven nhận định, với sức mua và nhu cầu mạnh, tạo ra một đầu tàu nhanh và mạnh cho tăng trưởng kinh tế, Việt Nam được dự báo sẽ đạt tăng trưởng GDP hơn 8% trong năm nay. Đây là mức cao hiếm thấy trong bối cảnh 2022 là năm đặc biệt khó khăn không chỉ với Việt Nam mà trên toàn cầu.

Tươi sáng triển vọng trung và dài hạn của Việt Nam

Nhìn nhận về triển vọng kinh tế Việt Nam, bài viết trên trang seekingalpha.com khẳng định, Việt Nam có thể duy trì sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài và tiếp nhận dòng vốn đầu tư ròng từ nước ngoài với tổng trị giá 15,3 tỷ USD vào năm 2021, tương đương 4,2% GDP, tăng so với mức 3,2% GDP của năm 2013. Nguồn vốn FDI mạnh sẽ tiếp tục củng cố triển vọng vĩ mô của Việt Nam trong thời gian tới.

Chung quan điểm, bà Michele Wee, Tổng Giám đốc Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam, nhận định, ngân hàng này tin rằng triển vọng trung và dài hạn của Việt Nam vẫn rất tươi sáng nhờ nhân khẩu học thuận lợi, các yếu tố cơ bản trong nước được cải thiện. Theo bà, vai trò là trung tâm sản xuất thay thế cũng sẽ mang lại cho Việt Nam nhiều cơ hội kinh doanh, hấp dẫn các nhà đầu tư. Việt Nam cũng đang trở thành điểm đến quan trọng trong lĩnh vực công nghệ. Cho rằng thu hút vốn đầu tư nước ngoài FDI là một trong các động lực quan trọng cho tăng trưởng, trang Investment Monitor cho biết, Việt Nam đã lập kỷ lục về thu hút vốn FDI năm 2022. Từ tháng 1 đến tháng 10 năm nay, vốn FDI vào Việt Nam đã tăng 82%, cao thứ 2 ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Ấn tượng với thu hút vốn FDI của Việt Nam, trang EIN NEWS đánh giá, bất chấp những bất ổn kinh tế toàn cầu, Việt Nam vẫn hấp dẫn đầu tư nước ngoài. Nguồn vốn FDI vào Việt Nam 9 tháng năm 2022 ước tính đạt 15,43 tỷ USD, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Phân tích nguyên nhân, trang EIN NEWS cho rằng, Việt Nam có chính sách đầu tư và Luật Đầu tư khá là thoáng đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Điều này là hết sức ấn tượng và rất quan trọng để tiếp tục thu hút đầu tư FDI.

Các nhà đầu tư nước ngoài cũng đánh giá rất cao về sự kiểm soát tốt của Chính phủ Việt Nam về kinh tế vĩ mô dẫn đến sự ổn định của giá cả cũng như tỷ giá của đồng Việt Nam so với các đồng tiền của một số nước khác như Nhật Bản, Hàn Quốc. Từ những động lực này, trang Asia News cho rằng, Việt Nam cùng với Phillippines là 2 quốc gia tăng trưởng nhanh nhất trong số các nền kinh tế ASEAN vào năm tới, ngay cả khi tốc độ tăng trưởng của khối được dự báo chậm lại.

Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại Việt Nam ngày 19-12 công bố kết quả cuộc “Khảo sát thực trạng hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp Nhật Bản tại nước ngoài năm 2022” được thực hiện đối với 20 quốc gia, vùng lãnh thổ tại châu Á và châu Đại Dương cho thấy, có 59,5% doanh nghiệp Nhật Bản dự báo có lãi trong hoạt động kinh doanh tại Việt Nam, tăng 5,2 điểm phần trăm so với năm trước; tỷ lệ doanh nghiệp bị lỗ là 20,8%, giảm 7,8 điểm phần trăm so với năm 2021. Các doanh nghiệp Nhật Bản đánh giá, triển vọng lợi nhuận kinh doanh tại Việt Nam năm 2022 hồi phục mạnh sau dịch Covid-19, đặc biệt là ngành sản xuất tiêu dùng và ngành dịch vụ trực tiếp tăng đáng kể. Đặc biệt, kết quả khảo sát về phương hướng triển khai kinh doanh trong một, hai năm tới tại Việt Nam, có 60% doanh nghiệp Nhật Bản trả lời sẽ “mở rộng”, tăng 4,7 điểm phần trăm so với năm trước. Trong khi đó, chỉ có 1,1% doanh nghiệp trả lời sẽ “thu hẹp” hoặc chuyển sang nước/khu vực thứ ba, giảm 1,1 điểm phần trăm so với năm trước. Bên cạnh đó, kết quả khảo sát cho thấy có 54,4% doanh nghiệp ngành chế tạo trả lời “mở rộng”, tăng 2,7 điểm phần trăm so với năm trước, ngành phi chế tạo là 65,9% tăng 7,2 điểm phần trăm. Đáng chú ý, ngành phi chế tạo doanh nghiệp vừa và nhỏ có mong muốn mở rộng tăng mạnh.