Điểm sáng kinh tế

ANTĐ - Cũng giống “bức tranh” kinh tế toàn cảnh của thế giới và khu vực với gam màu chủ đạo là màu xám, nền kinh tế nước ta năm 2012 là một mảng không thể tách rời. Nếu nhìn xa hơn và nhìn kỹ hơn vào những yếu tố vĩ mô thì trên nền đó đã thấy lấp ló ánh phớt hồng như hừng đông phía chân trời. Đó là dự cảm của Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội và một số chuyên gia kinh tế trong hội thảo “Dự báo và chính sách kinh tế Việt Nam 2013”.

Nền kinh tế nước ta năm nay được dự báo ra sao? Liệu những khó khăn của năm 2012 có kéo dài, tiếp tục tác động và cản trở sự phát triển của kinh tế trong năm bản lề kế hoạch 5 năm? Vậy ánh sáng màu hồng hiếm hoi trên “bức tranh” kinh tế là gì? Trước hết, năm 2012 với lượng tiền bơm ra khoảng 10 tỷ USD nhưng vẫn đảm bảo được lượng tiền hút vào mà không tác động lớn đến tăng giá hàng tiêu dùng và các yếu tố vĩ mô.

Trong khi đó, năm 2007 phải bơm cả một lượng tiền rất lớn ra thị trường và tạo ra áp lực lạm phát cho hai năm 2008-2009.

Như vậy, trong 5 năm qua, công tác điều hành kinh tế vĩ mô đã rút được kinh nghiệm, bài học và tạo được tiền đề cho năm 2012. Đây là một điểm sáng nhất rất đáng ghi nhận. Một điểm khác được đánh giá là yếu tố thành công sẽ có sức lan tỏa và là điểm tựa quan trọng cho năm 2013, đó là vẫn giữ ổn định được giá trị của đồng nội tệ. Tỷ giá phản ánh rất chân thật tốc độ tăng giá tiêu dùng, chỉ số CPI đã giữ được và giảm dần. Mặc dù số thu ngân sách nhà nước ở các địa phương năm 2012 bị hụt thu chưa từng thấy, song nước ta vẫn giữ được tỷ lệ bội chi cân bằng. Khẳng định những điểm sáng đáng mừng, nhưng các chuyên gia kinh tế đều có chung dự báo tình hình kinh tế năm 2013 sẽ tiếp tục phải đối mặt với những khó khăn, thách thức lớn. Ba “điểm tối” tồn tại của năm 2012 sẽ tiếp tục kéo dài sang năm 2013. Đó là: nợ xấu, tồn kho cao, số lượng doanh nghiệp phá sản lớn và lãi suất ngân hàng cho vay doanh nghiệp vẫn còn cao.

Đây chính là 3 “điểm nghẽn” mới xuất hiện cùng với 3 “điểm nghẽn” vẫn tồn tại của nền kinh tế, trở thành những rào cản rất lớn cho phát triển và tăng trưởng. Tuy lãi suất đến cuối năm 2012 đã giảm nhưng với các lĩnh vực sản xuất, sau khi trừ chi phí để còn lãi 14-15% trả nợ lãi vay ngân hàng đối với các doanh nghiệp là cực kỳ khó khăn. Điều đáng lo ngại là, lần đầu tiên trong tháng 12-2012, số lượng doanh nghiệp đóng cửa và phá sản lớn hơn số lượng doanh nghiệp đăng ký mới. Đây là tín hiệu cảnh báo rằng, nếu năm nay những chính sách kinh tế vĩ mô không được điều hành hiệu quả thì số lượng người lao động thất nghiệp không chỉ là 1 triệu và số lượng lao động mất việc không chỉ dừng ở con số 1,4 triệu người. Hệ lụy dây chuyền là: doanh nghiệp đóng cửa sẽ không có nguồn thu ngân sách và dẫn đến sẽ phải bội chi. Khi bội chi thì phải đi vay hoặc phải làm cách nào đó để chi, sẽ gây áp lực lớn lên ổn định kinh tế vĩ mô năm 2013.

Nền kinh tế năm 2013 sẽ ấm lên, những điểm sáng kinh tế sẽ lan tỏa, nếu Chính phủ điều hành tập trung hơn, đặc biệt là không bị “phân tâm”, không bị áp lực trong điều hành đồng bộ các giải pháp. Bởi vì giải pháp đã có và đúng hướng, quyết tâm cũng đã có. Đó là ý kiến của hầu hết chuyên gia và một số ủy viên Ủy ban của Quốc hội.