Điểm nóng khủng bố

(ANTĐ) - Khủng bố không còn là vấn đề xa lạ ở Pakistan song vụ tấn công thảm sát ngày 28-10 vẫn làm người ta không khỏi kinh hoàng bởi tính chất man rợ đẫm máu.

Điểm nóng khủng bố

(ANTĐ) - Khủng bố không còn là vấn đề xa lạ ở Pakistan song vụ tấn công thảm sát ngày 28-10 vẫn làm người ta không khỏi kinh hoàng bởi tính chất man rợ đẫm máu.

Trong số các nạn nhân có rất nhiều trẻ em và phụ nữ
Trong số các nạn nhân có rất nhiều trẻ em và phụ nữ

Với ít nhất 108 người đã thiệt mạng cùng hơn 200 người bị thương, vụ đánh bom vào khu chợ ở Peshawar ngày 28-10 được xem là cuộc tấn công khủng bố gây thương vong lớn nhất ở Pakistan từ trước tới nay. Đáng lên án hơn nữa là trong số người thiệt mạng có ít nhất 60 phụ nữ và trẻ em.

Rõ ràng những kẻ tổ chức cuộc tấn công khủng bố ngày 28-10 ở thành phố Peshawar của Pakistan có chủ đích rõ ràng khi đánh bom vào một khu chợ đúng lúc đông đúc nhất. Chúng muốn gây chấn động bằng con số thương vong nặng nề nhất.

Cũng chính vì thế mà không có gì để biện minh cho cuộc tấn công khủng bố vào thường dân này. Để đạt được mục đích reo rắc nỗi hoang mang, hoảng sợ và áp lực xã hội, khủng bố tại Pakistan đã bất chấp tất cả, dù đó là hành động vô nhân tính tàn bạo nhất.

Vụ khủng bố Peshawar cùng hàng loạt vụ tấn công đẫm máu thời gian qua cho thấy Pakistan đã thực sự trở thành một trong những điểm nóng khủng bố nhất trên thế giới. Điểm nóng này chẳng kém Afghanistan hay Iraq thời kỳ bạo lực bùng phát dữ dội nhất.

Nếu nhìn lại có thể thấy khủng bố ở Pakistan gia tăng tỷ lệ thuận với mức độ mạnh tay và cứng rắn của chính quyền nước này với các tay súng Hồi giáo cực đoan chống đối. Sự mạnh tay và cứng rắn này, nhìn ở góc độ nào đó, là nhằm đáp ứng yêu cầu của chính quyền Mỹ.

Theo sự nhìn nhận từ Washington, lực lượng Hồi giáo cực đoan tại Pakistan ngày càng là trở lực lớn cho cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ trong khu vực. Thậm chí có nguy cơ chính quyền Pakistan rơi vào tay những kẻ có tư tưởng Hồi giáo cực đoan.

Do vậy Mỹ đã gây áp lực mạnh, buộc chính quyền Pakistan phải hành động cứng rắn với lực lượng Hồi giáo cực đoan trước khi trở nên quá muộn. Trong khoản viện trợ 7,5 tỷ USD thông qua cho Pakistan mới đây Mỹ cũng kèm theo điều kiện phải mạnh tay hơn với khủng bố.

Thế nhưng, chính quyền Pakistan càng mạnh tay thì sự đáp trả của lực lượng Hồi giáo cực đoan cũng lại ngày càng quyết liệt. Sự đáp trả này không có gì khác là các cuộc tấn công khủng bố vào các mục tiêu mang tính biểu tượng cao như tổng hành dinh quân đội, cơ quan cảnh sát, khu dân cư đông đúc... thậm chí cả trụ sở tổ chức quốc tế.

Trong bối cảnh đó, vụ khủng bố đẫm máu nhất tại Pakistan diễn ra đúng vào thời điểm Ngoại trưởng Mỹ Hillary đặt chân tới Islamabad như một bức thông điệp bạo lực đầy thách thức.

Hoàng Hà