Điểm 10 trên giấy

ANTĐ - Sắp đến mùa thi, nhìn mấy đứa em đi học cả ngày, tối mịt mới về, nhiều lúc ăn cơm còn ngủ gật, anh Lương Xuân Dũng (36 tuổi, Yên Viên, Gia Lâm, Hà Nội) thở dài, xót xa.

- Tại học thêm nhiều quá?

- Lịch kín cả ngày. Sáng học, chiều học, tối thêm 2 ca nữa. Học kiểu này con người biến thành cái máy, không đảm bảo sức khoẻ, cũng không hiệu quả.

- Sao học sinh phải học thêm?

- Thứ nhất là do thói quen, từ lớp 1 đã học thêm nói gì đến cuối cấp. Thứ hai, nhiều bậc phụ huynh cho con đi học với tâm lý để tránh cạm bẫy từ game online, internet… Thực ra chỉ cần chịu khó, có phương pháp học sẽ có kết quả cao. Như năm ngoái, ở một xã thuộc huyện Quốc Oai, có 2 em gia đình rất khó khăn, chỉ cơm rau, không học thêm học nếm gì cả mà vẫn đỗ thủ khoa 2 trường đại học.

- Có nên cấm dạy thêm?

- Thế thì lại hơi quá. Ai cũng có quyền làm việc ngoài giờ để kiếm thêm thu nhập. Thực tế có nhiều học sinh cũng cần học thêm vì thiếu kiến thức. Quan trọng là dạy thêm phải theo nhu cầu, không nên theo phong trào. 

- Có người nói dạy thêm là do giáo viên chưa hết lòng, hết sức trên lớp, đi học thêm là cách “điểm danh” để có điểm cao, hiện tượng này nhiều hay ít?

- Có, nhưng không phổ biến. Một nguyên nhân quan trọng là chương trình học quá nặng nề về thi cử, ai cũng muốn chen vào đại học, không ai muốn học nghề nên hệ luỵ đương nhiên là dạy thêm, học thêm tràn lan. Mà học sinh đi du học lại phải học lại từ đầu, nghĩa là chương trình thì nặng mà chưa tiệm cận với thế giới.

- Làm thế nào để cải thiện tình trạng này?

- Ngay từ đầu vào các trường sư phạm phải tuyển chọn thật kỹ, chỉ lấy người tài, học bổng cao. Đi làm phải có mức lương đảm bảo cuộc sống vì ở khía cạnh kinh tế, dạy thêm cũng là cách xoay xở kiếm thêm đồng ra, đồng vào thôi. Và quan trọng là cần nghiêm túc xây dựng lại chương trình học, xã hội cần những con người có kiến thức chứ không phải cần những con số đẹp, những điểm 10 trên giấy…