Dịch vụ cho thế giới bên kia lên ngôi

ANTĐ - Để mua một vị trí đặt tro cốt, số tiền mà mỗi gia đình Hồng Kông phải trả không hề rẻ, khoảng 200.000 đôla Hồng Kông (25.704 USD). Trong khi những hốc rộng, có vị trí đẹp sẽ đắt giá hơn rất nhiều so với mặt bằng chung.

Một nhà đựng tro cốt người hỏa táng ở Hồng Kông


Quá tải

Cửa hàng dịch vụ tang lễ của Yu Ying Ho có tất cả những vật dụng mà người ta cần: Từ quan tài đến những loại hàng mã như điện thoại di động, biệt thự hay thậm chí là những chiếc iPad hiện đại nhất. Người phương Đông tin rằng khi chết, con người sẽ bước sang một thế giới khác, và những vật dụng như vậy sẽ rất cần thiết cho cuộc sống mới của họ. Mua đồ thì dễ như vậy nhưng không phải ai cũng may mắn tìm được phần đất để những người quá cố an nghỉ tại Hồng Kông.

Ủy ban điều tra và thống kê dân số Hồng Kông cho biết, có 42.200 người Hồng Kông qua đời trong năm 2010, và dự báo con số này sẽ tăng từng năm. Tuy nhiên, tình trạng đất chật người đông, trong khi giá bất động sản leo thang thực sự khiến việc chôn cất là không thể. Theo thống kê của cơ quan nhà đất Hồng Kông, chỉ có 8% diện tích được sử dụng cho việc an táng, trong khi dân số tại thành phố này lên tới 7 triệu người. Bởi vậy, nhiều gia đình đã lựa chọn hình thức hỏa táng. Thế nhưng họ không thể mang tro cốt thân nhân về nhà, mà phải gửi vào nghĩa trang, nhà chùa hoặc nhà thờ. Dù vậy, những nơi này cũng nhanh chóng quá tải.

Kiếm tỷ đô dễ như chơi

Tận dụng cơ hội này, các nhà đầu tư tư nhân ngay lập tức lao vào đấu thầu để giành quyền mở những nhà đựng tro cốt. Để mua một vị trí đặt tro cốt, số tiền mà mỗi gia đình phải trả không hề rẻ, khoảng 200.000 đôla Hồng Kông (25.704 USD). Trong khi những hốc rộng, có vị trí đẹp sẽ đắt giá hơn rất nhiều so với mặt bằng chung. “Nếu đầu tư hàng chục triệu USD để xây dựng nhà đựng tro cốt, bạn có thể nhanh chóng thu về 1 tỷ USD”, ông Henry Hui, quản lý một cửa hàng dịch vụ tang lễ nói.

Trong tháng 9-2011, nhà chức trách Hồng Kông đã cấp phép xây dựng nhà chứa tro cốt cho 57 đơn vị, nhưng không ít trong số chúng nằm đan xen với các khu dân cư. Theo tính toán của nhà chức trách Hồng Kông, số tiền dành cho hỏa táng chiếm 5% tổng chi phí mai táng mỗi năm. Tuy nhiên, việc hỏa táng thường mất từ 2 - 3 tiếng đồng hồ và cần nhiều nguồn nhiệt, không thân thiện môi trường. Không chỉ vậy, việc xây dựng những ngôi nhà đựng tro cốt nằm đan xen giữa khu dân cư đã gặp phải sự phản ứng của nhiều người dân vì họ không muốn gần nhà mình là nơi yên nghỉ của hàng nghìn người chết, chưa kể đến vấn đề vệ sinh, việc đốt vàng mã hay tiếng ồn…

Nói về tình trạng trên, ông York Chow - người đứng đầu cơ quan y tế Hồng Kông cho biết: “Chúng tôi đã khuyến cáo các gia đình nên tìm hiểu kỹ về nơi định đặt tro cốt người thân. Chính quyền cũng đang làm hết sức để quản lý hoạt động của những cơ sở này. Việc xây dựng nhà đựng tro cốt giữa khu dân cư là không thể chấp nhận được”. Giới chức y tế đặc khu kinh tế này đã công bố danh sách những nhà đặt tro cốt không đạt tiêu chuẩn có thể bị đóng cửa và một loạt công trình tương tự cần phải sửa chữa để phù hợp với quy định.

Cùng với đó, chính quyền Hồng Kông cũng đang cân nhắc việc xây dựng những khu nhà đặt tro cốt cách xa thành phố, như trên một hòn đảo nào đó, hay thậm chí nhập khẩu công nghệ từ nước ngoài để đổi mới ngành công nghiệp tang lễ.


Phục vụ thế giới bên kia bằng công nghệ cao

Tại Triển lãm Tang lễ châu Á diễn ra ở Hồng Kông trong tháng 5 vừa qua, những xu hướng hoặc phát minh mới lạ đã được đưa ra giới thiệu, từ quan tài bọc vải lụa mềm mịn hoặc lông cừu, quan tài làm bằng giấy cho đến bia mộ có hình mô tô, hay trang sức có chứa ADN của người đã khuất. Trong đó, Công ty Điện tử SIMTECH (Đức) đã hợp tác với 2 nhà tưởng niệm ở Thượng Hải (Trung Quốc) để cung cấp cơ sở dữ liệu về những người đã khuất có tro rải ngoài biển. Khách đến thăm chỉ cần nhập tên người muốn tìm trên màn hình cảm ứng để xem hình ảnh, đọc tiểu sử hoặc bất kỳ nội dung gì họ muốn. Hay như công nghệ được áp dụng tại Nhật Bản cho phép các gia đình quan sát tro cốt của người thân, bằng cách quẹt thẻ, chiếc hộp đựng tro cốt tự động được đưa lên từ một hầm mộ dưới lòng đất. 

Đối với những người không muốn rời xa người thân đã mất, nhà sản xuất đá quý Thụy Sĩ Algordanza đã giúp biến tro bụi người qua đời thành kim cương, để người thân hoặc bạn bè luôn mang họ bên mình.

Cũng tại triển lãm này, người xem được biết đến một hình thức mai táng khá lạ. Đó là đặt thi thể người chết vào một thùng chứa đặc biệt, làm khô lạnh, cho chịu sức rung và biến thi thể thành các phân tử bụi. Sau khoảng 6-18 tháng, các phân tử bụi sẽ được đất hấp thụ mà không hề gây bất cứ ô nhiễm nào. Giá của hình thức này vào khoảng 290 euro. Nhà sinh học Susanne Wiigh-Masak, Tổng giám đốc Công ty Promessa Organic AC của Thụy Điển, cho biết, bà hi vọng hình thức này sẽ được chấp nhận rộng rãi tại Hồng Kông vì nó phù hợp với văn hóa nơi đây. “Chúng ta sẽ không thấy thi thể người chết mất đi, mà họ vẫn có ích cho đời, bằng một cuộc sống mới”, bà Susanne nói.