Đi với Tây bao giờ cũng bị đắt

ANTĐ - Trả tiền đĩa miến xào “không người lái” với giá cắt cổ 80.000 đồng, Lan Phương - nhân viên truyền thông một công ty xây dựng đi cùng bạn trai người Mỹ hỏi lại chủ quán: “Sao đắt thế ạ…”. Đưa mắt nhìn Phương, người chủ quán tỉnh bơ: “Đi với Tây thiếu gì tiền, đắt thì lần sau đừng đến”…

Đi với Tây bao giờ cũng bị đắt ảnh 1
Không ít khách người Việt bị “chặt chém” vì đi với khách Tây
(Ảnh minh họa)


Ngang nhiên “móc túi”

Trả tiền xong, Phương vẫn ấm ức, bởi lẽ đây không phải lần đầu tiên cô rơi vào tình cảnh như vậy. Phương cho hay, bạn trai cô mới đến Việt Nam làm việc, mọi thứ đối với anh đều khá mới mẻ. Chính vì vậy, mỗi lần muốn đi mua sắm, hay đơn giản là tìm đến những quán ăn Việt dân dã anh đều mời cô đi cùng. Nhưng cũng chính vì đi cùng bạn trai Tây mà nhiều lần Phương bị những người bán hàng “hét” giá đắt gấp đôi, thậm chí gấp 3. Vì không muốn đôi co và cũng không biết giải thích với bạn trai thế nào nên Phương phải giữ thái độ im lặng và tự nhủ sẽ không bao giờ quay lại những cửa hàng đó. Phương tâm sự: “Cũng may là bạn trai tôi không biết nói tiếng Việt nên anh ấy không hiểu những lời của chủ quán, bằng không tôi chỉ còn nước chui xuống đất. Nhiều người bán hàng cho rằng, khách nước ngoài tiêu ngoại tệ chứ không tiêu tiền Việt, nên họ có hét giá đắt một chút cũng không sao. Tôi cảm thấy buồn vì cách hành xử của họ…”. Và sau những lần đó, rút kinh nghiệm mỗi khi đi chợ, hay đi mua sắm, Phương đều bảo bạn trai đứng chờ mình từ xa để đỡ bị rơi vào cảnh phải trả giá như Tây.

Cũng giống như Phương, Tuấn Anh- hướng dẫn viên du lịch một công ty nổi tiếng ở Hà Nội không ít lần phải muối mặt giải thích với khách nước ngoài là tại sao cùng mua một loại sản phẩm trong một cửa hàng nhưng họ luôn phải trả giá đắt hơn khách Việt. Anh Tuấn Anh chép miệng: “Mỗi dịp dẫn khách đi đến các điểm du lịch, trong quá trình họ nghỉ dưỡng hay vào những ngày cuối cùng của chuyến đi tôi luôn hỏi khách xem họ cần mua những món đồ gì. Nếu cần họ có thể ghi ra giấy để tôi mua giúp. Bởi, tôi biết chắc rằng kể cả có mình đi cùng, khách vẫn phải trả giá gấp đôi…”. Anh Tuấn Anh cũng thừa nhận, mỗi lần dẫn khách Tây đi mua sắm, ăn uống hay thăm thú các nơi, anh luôn nhận được những lời chào mời lịch thiệp, thậm chí nhiều chủ cửa hàng còn tỏ ra săn đón một cách thái quá. Dường như họ nghĩ  Tây là nhiều tiền nên thả sức hét giá. Song thực tế không phải vậy, có rất nhiều khách nước ngoài không phải dư dả gì. Để có một chuyến du lịch đến Việt Nam, họ cũng phải tiết kiệm tiền khá lâu. 

Thậm chí những người nước ngoài sống ở Việt Nam lâu năm vẫn trở thành “đích ngắm” của nhiều người bán hàng. Anh Christian - người Pháp, sống và làm việc ở Việt Nam gần 10 năm, mặc dù, vốn tiếng Việt của anh đủ để giao tiếp nhưng mỗi lần đi chợ gần nhà, anh vẫn phải trả giá cao hơn so với người Việt. “Mấy lần bạn gái tôi cũng phàn nàn chỉ vì đi với anh mà em phải trả giá như khách Tây khiến tôi rất khó nghĩ. Tuy nhiên, do ở đây lâu nên tôi đã chấp nhận sống chung với nó”, anh Christian cười buồn. 

Vẫn cơ hội và chụp giật

Không chỉ ở Hà Nội mà tại một số thành phố du lịch khác ở Việt Nam như Huế, Đà Nẵng, Nha Trang… tình trạng người Việt Nam bị “chặt chém” khi đi với người nước ngoài cũng diễn ra khá phổ biến. Chị Nguyễn Lan Hương –  một Việt kiều đang sinh sống tại Australia chia sẻ, trong lần về nước gần đây chị dẫn theo 2 người bạn Australia đến Việt Nam du lịch. Tuy vậy, khi đi cùng bạn đến bất kỳ điểm vui chơi, ăn uống nào, chị Hương đều bị “móc túi” không thương tiếc. “Từ giá tàu xe đến thực phẩm, đồ dùng sinh hoạt… tôi đều phải trả giá cao gấp nhiều lần. Có lần, khi mua chai dầu gội có giá ghi ngoài vỏ hộp chỉ là 20.000 đồng nhưng người bán hàng tính 60.000 đồng, tôi thắc mắc thì họ bĩu môi: “Đi với Tây lại còn đòi tính… giá Việt” – chị Hương than thở.

Về hiện tượng trên, theo PGS.TS tâm lý Trịnh Hòa Bình, có thể nói việc cứ thấy Tây hét giá trên trời chính là một trong những tính xấu của người Việt. Tuy vậy, đó chỉ là cách làm ăn xưa cũ theo kiểu cơ hội và mang tính chộp giật. Điều này không chỉ thể hiện sự thiếu tôn trọng đối với khách hàng mà còn là sự hổ thẹn của chính những người bán hàng. Bởi khi làm điều này họ chỉ nhăm nhăm kiếm thêm được chút tiền mà không thèm quan tâm khách hàng – những vị khách nước ngoài sẽ nghĩ về mình thế nào, đánh giá mình ra sao. Sự việc tuy nhỏ, lợi nhuận không lớn nhưng nếu diễn ra thường xuyên sẽ khiến du khách có cái nhìn lệch lạc, thiếu thiện chí về người Việt nói chung. Khi đó, “con sâu đã làm rầu cả nồi canh”.

Để văn hóa Việt không bị mai một dần, để Việt Nam ngày càng trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách quốc tế, PGS.TS Trịnh Hòa Bình cho rằng, bên cạnh việc mỗi người dân cần nâng cao ý thức khi tham gia cung cấp bất cứ loại hình dịch vụ nào thì công tác xây dựng quy tắc ứng xử chung là vô cùng cần thiết, nhất là trong bối cảnh chúng ta đang tiếp thu đồng thời nhiều hình thái văn hóa như hiện nay.