Chuyển cơ sở sản xuất gây ô nhiễm khỏi khu dân cư:

Di dời thành “đi đời”

ANTĐ - Tự nguyện tham gia thí điểm di dời cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu dân cư cách đây hơn 4 năm, hộ sản xuất tiểu thủ công nghiệp Canh Thanh (Tam Hiệp, Phúc Thọ) không thể ngờ mình sẽ có ngày bị phá sản vì dự án bị “treo” và chính quyền không thể bàn giao được đất sạch cho họ.

Dây chuyền sản xuất bị cắt rời vứt chỏng chơ ở sân UBND xã Tam Hiệp


Dự án “treo”, máy móc đi “ở đợ”

Bức tranh môi trường làng nghề cho thấy, việc di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm khỏi khu dân cư là yêu cầu hết sức cấp bách. Từ nhiều năm trước, chính quyền các cấp đã lưu ý triển khai thực hiện vấn đề này theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, một số dự án thí điểm ban đầu đang có dấu hiệu thất bại. Thực trạng dự án di dời cơ sở sản xuất Canh Thanh ở xã Tam Hiệp, huyện Phúc Thọ là một ví dụ.

Thông tin từ UBND xã Tam Hiệp cho biết, từ năm 2008, xã này đã triển khai dự án điểm công nghiệp làng nghề, chỉ rộng có 9.000 m2, do chính hộ sản xuất gây ô nhiễm trong làng bỏ vốn đầu tư. Thế nhưng, thay vì nhanh chóng đi vào hoạt động để sớm nhân rộng mô hình, dự án điểm nói trên lại “treo cứng” suốt từ năm 2008 tới nay vì ách tắc GPMB. Hiện nay, cơ sở Canh Thanh - nhà đầu tư dự án di dời đầu tiên của Phúc Thọ tại xã Tam Hiệp - đang đứng trên bờ vực phá sản. Bởi, một mặt cơ sở trong làng đã dừng sản xuất nhiều năm để làm dự án di dời trong khi mặt bằng “dự án điểm” mãi không được bàn giao. Đã vậy, do phải trả lãi cho khoản vốn đã trót vay ngân hàng đầu tư vào dự án, hộ Canh Thanh đã phải bán nhà. Khi người chủ mới tới đòi nhà đã cho tháo dỡ các thiết bị vứt ra khỏi xưởng.

Không còn chỗ để đặt máy móc, toàn bộ dây chuyền sản xuất của cơ sở Canh Thanh bị cắt rời ra thành từng mảnh nhỏ, đem gửi nhờ mỗi nơi một ít. Khi tới sân trụ sở UBND xã Tam Hiệp, chúng tôi chứng kiến một đống máy móc đã gỉ sét do phơi mưa, phơi nắng của cơ sở Canh Thanh vẫn nằm “ăn vạ” ở đó. Bà Nguyễn Thị Thanh, chủ hộ sản xuất Canh Thanh chua xót: “Với chúng tôi, “di dời” hóa ra là “đi đời”. Các anh bảo tôi biết để những máy móc cồng kềnh trị giá mấy tỷ đồng này vào đâu khi khu đất dự án chưa được GPMB. Giờ thì chúng đã thành sắt vụn hết rồi...”.

Ông Đặng Văn Nghĩa, Trưởng phòng TN-MT huyện Phúc Thọ thừa nhận có biết thảm cảnh này của cơ sở Canh Thanh. Ông này kể: “Máy móc bị cắt rời hết ra, vứt mỗi nơi một ít. Một số để ở sân UBND xã Tam Hiệp, đã han gỉ hết vì mưa gió... Ai đi qua nhìn thấy chẳng xót...”. Chuyện phải bán nhà trả lãi ngân hàng, ông Đặng Văn Nghĩa cũng biết: “Số ông Canh này quá khổ, quá đen đủi. Phải bán nhà trong làng trả tiền vay ngân hàng vào năm 2009. Giờ, giá đất đã tăng gấp 10 lần trong khi mặt bằng sản xuất vẫn chưa được nhận. Giá hồi bán nhà có ngay đất sạch để sản xuất thì còn đỡ lại chút ít, đằng này...”.

Hộ dân phá sản, chính quyền làm ngơ?

Phân tích tình hình địa phương, ông Đặng Văn Nghĩa phân bua: “Cũng chỉ còn vài hộ chưa ưng thôi. Người dân nào có mặn mà với sản xuất nông nghiệp đâu. Tam Hiệp là làng nghề, thu nhập từ việc đồng áng chẳng so được với tiểu thủ công nghiệp nên họ không muốn làm. Thế nhưng, động nói tới việc thu hồi là họ không đồng thuận...”. Về giải pháp xử lý sắp tới, ông Trưởng phòng TN-MT huyện Phúc Thọ nói, vẫn tiếp tục vận động, tuyên truyền để người dân đổi đất lại cho UBND xã Tam Hiệp, tất nhiên với loại đất tốt hơn trong phạm vi dự án. Nếu số ít hộ còn lại vẫn cố tình ngăn cản, bước cuối cùng cũng phải cưỡng chế thu hồi.

Gặp phóng viên chớp nhoáng giữa 2 cuộc họp của huyện, Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ, ông Hoàng Mạnh Phú vắn tắt: “Dự án của ông Canh chứ gì, tôi biết chỗ ấy rồi. Nếu cuối cùng không vận động được thì cũng phải cưỡng chế thu hồi nhưng cần làm chặt chẽ, cứ phải thong thả, không vội được đâu...”. Không rõ, chính quyền huyện Phúc Thọ còn “thong thả” tới bao giờ, 1 tháng, 2 tháng hay 1 năm nữa? Cứ với cung cách làm việc “đem con bỏ chợ” như vậy, người dân sao có thể tin vào những cam kết của chính quyền khi kêu gọi họ di dời cơ sở sản xuất gây ô nhiễm khỏi khu dân cư. Nếu ở đâu cũng như Phúc Thọ, không chỉ có một hộ dân phá sản mà cả chính sách, chủ trương đúng đắn về di dời các cơ sở gây ô nhiễm ra khỏi khu dân cư của thành phố Hà Nội chắc cũng sẽ phá sản.