"Di chứng" lâu dài của Brexit

ANTD.VN - Việc rời bỏ Liên minh châu Âu (EU) để lại nhiều di chứng lâu dài cho nước Anh, một trong số các di chứng đó là ảnh hưởng tới cuộc sống của hàng triệu người về hưu tại Xứ sở sương mù.

Nguoi dân Anh cảm thấy cuộc sống khó khăn hơn trong giai đoạn hậu Brexit

Trong lời cảnh báo được đưa ra ngày 28-8, các chuyên gia khu tài chính London cho rằng, việc Anh rời khỏi EU (gọi là Brexit) sẽ ảnh hưởng lớn đến các quỹ lương hưu ở Anh, qua đó ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống của người dân nước này khi về hưu. Theo ước tính, có tới 75% số người lao động sẽ bị nhận mức lương hưu thấp hơn so với mức dự kiến ban đầu.

Anh dựa vào các quỹ hưu trí tư nhân để bổ trợ cho quỹ lương hưu của Chính phủ nhằm giúp người lao động nước này có mức thu nhập đủ cho cuộc sống về hưu của mình theo những tiêu chí về mức sống mà Chính phủ đưa ra.

Theo các chuyên gia tài chính, do mức lãi suất thấp và tốc độ tăng trưởng kinh tế thời hậu Brexit chậm lại nên người lao động phải đóng góp vào quỹ lương hưu của mình nhiều hơn nữa thì mới có thể nhận được mức lương hưu của mình đúng như mức dự kiến trước Brexit. 

Các chuyên gia tính toán rằng, đa phần người lao động Anh sẽ về hưu trong vòng 20-30 năm tới, nhận mức lương hưu thấp hơn mức lương đủ sống mà Chính phủ Anh đưa ra. Theo kết quả một cuộc điều tra gần đây, chỉ có 25% số người lao động sẽ nhận được mức lương khi về hưu đúng như tính toán trước Brexit. Cụ thể, nếu một người đi làm với mức lương 70.000 bảng/năm khi về hưu sẽ được nhận mức lương hưu là 35.000 bảng/năm. 

Đứng trước thực trạng các quỹ hưu trí tư nhân hoạt động kém hiệu quả do tỷ lệ lãi suất thấp, kinh tế vĩ mô bất ổn định do Brexit, nhà kinh tế hàng đầu của Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) Andy Haldane cho rằng người Anh nên đầu tư vào bất động sản hơn là trông đợi vào các hoạt động đầu tư của các quỹ hưu trí tư nhân, hay nói một cách khác là mọi người dân Anh nên mua cho mình nhiều hơn một căn nhà.

Cuộc sống của người về hưu tại Anh có thể bị ảnh hưởng xấu chỉ là một trong nhiều “di chứng” mà Brexit gây ra cho người dân nước này. Các chuyên gia về lao động cho rằng, thị trường việc làm Anh đang phải đối mặt với nguy cơ lao đao do những lo ngại về tình trạng kinh tế vĩ mô bất ổn tại quốc đảo này thời hậu Brexit. Biểu hiện mới nhất là PageGroup, một trong những công ty chuyên về tuyển dụng lớn nhất của Anh, ngày 11-8 vừa qua đã thông báo cắt giảm 3% số nhân viên. 

Trước đó, BoE vào đầu tháng 8 cũng đã hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế do ảnh hưởng của việc Anh rời khỏi EU, theo đó dự báo tăng trưởng GDP của Anh bị giảm từ 2,3% cho cả 2 năm 2017 và 2018 xuống 0,8% cho năm 2017 và 1,8% cho năm 2018. Những dự báo ảm đạm về tác động của Brexit tới kinh tế Anh đã tác động không nhỏ tới tâm lý của người dân Xứ sở sương mù, khiến một bộ phận trong số họ tìm cách rời bỏ đất nước.

Số liệu từ cơ quan di trú New Zealand công bố ngày 22-8 vừa qua cho thấy, sau cuộc bỏ phiếu với phần thắng thuộc về những người ủng hộ Brexit ngày 23-6 vừa qua, số người Anh xin định cư, làm việc, và học tập tại New Zealand tăng mạnh, đã có hơn 10.000 người Anh đăng ký xin visa vào New Zealand chỉ  49 ngày sau sự kiện Brexit, tăng gần gấp 2 lần so với cùng kỳ năm trước. Tương tự, báo "Spiegel" (Tấm gương của Đức) cho biết, sau ngày 23-6, số người Anh nộp đơn xin nhập quốc tịch Đức đã tăng đột biến so với trước.