Dẹp "rác" không khó!

ANTD.VN - Hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường có thể bị phạt tới 1 tỷ đồng đối với cá nhân và 2 tỷ đồng đối với tổ chức. 

Minh họa:  Internet

Đây là quy định được đưa ra tại Nghị định số 155/2016/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường vừa được Chính phủ ban hành.

Trong đó, đáng chú ý nhất là việc có chế tài nghiêm khắc đối với nhiều hành vi gây ô nhiễm môi trường phổ biến trong sinh hoạt đời thường. Chẳng hạn như, đi vệ sinh cá nhân không đúng nơi quy định bị phạt từ 1 đến 3 triệu đồng; vứt tàn, mẩu thuốc lá không đúng nơi quy định bị phạt từ 500.000 đến 1 triệu đồng; vứt rác thải bừa bãi tại khu chung cư, khu thương mại... bị phạt từ 3 đến 5 triệu đồng; vứt rác thải lên vỉa hè, đường phố, hệ thống thoát nước sẽ bị xử phạt từ 5 đến 7 triệu đồng...

Có thể nói đây là các mức phạt tương đối cao, đảm bảo tính răn đe. Trước đó cũng đã có rất nhiều quy định điều chỉnh hành vi vi phạm môi trường nói chung và xả rác nơi công cộng nói riêng, nhưng hầu như chưa có cá nhân nào bị phạt vì vứt rác không đúng quy định.

Có nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân quan trọng là nhận thức của những người thực thi pháp luật trong lĩnh vực này cũng chưa cao, họ xem hành vi này là “việc nhỏ”, không đáng bỏ công ra xử phạt. Chính vì vậy, nhiều người chưa bao giờ coi hành vi vứt rác không đúng quy định là vi phạm pháp luật.

Thế nhưng, nhiều vi phạm nhỏ không ngăn chặn sẽ có khả năng gây ra những hậu quả khó lường. Đơn cử như hình ảnh những con đường, mặt hồ ngập rác hay việc không ít lần ngành thoát nước khốn khổ đối phó với tình trạng rác bịt kín các hố ga... tạo nên một bộ mặt đô thị nhếch nhác và để lại ấn tượng xấu với bạn bè quốc tế.

Và phải khẳng định rằng, ý thức kém là do thực thi pháp luật chưa nghiêm. Chính những người “vô tư” vứt rác ra đường tại Việt Nam lại tự có ý thức điều chỉnh hành vi của mình khi tới các nước có quy định nghiêm ngặt về môi trường như Singapore, Hồng Kông… bởi lo ngại bị xử phạt.

Cũng là chuyện dọn “rác”, những quy định mới và sự quyết tâm của Bộ Thông tin và Truyền thông trong việc xóa sim “rác” cũng là vấn đề được dư luận quan tâm tuần qua. Việc thu hồi sim kích hoạt sẵn đã nhiều lần được đặt ra, nhiều lần được bàn tới, sau những búc xúc, khó chịu của người sử dụng, nhưng dường như không có kết quả.  

Không có những giải pháp kiên quyết nên cả các nhà mạng lẫn đại lý sim thẻ đều phớt lờ. Hàng chục triệu sim kích hoạt sẵn vẫn lưu thông trên thị trường gây lãng phí kho số và hàng loạt hệ lụy như tin nhắn rác, tình trạng lừa đảo. Nhưng lần này thì đã khác. Không chỉ là phạt nặng, thậm chí Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông còn tuyên bố sẽ xem xét trách nhiệm của các nhà mạng nếu để tồn tại sim rác.

Vậy là chỉ khoảng 20 ngày sau khi ký cam kết thu hồi sim kích hoạt sẵn trên kênh phân phối, cộng với sự thanh tra, kiểm tra quyết liệt của Bộ Thông tin và Truyền thông, cả 5 nhà mạng đã nhanh chóng thu hồi hơn chục triệu sim rác trên các kênh phân phối. Như vậy có thể khẳng định rằng, dẹp “rác” không khó. Vấn đề là, có quyết tâm, có mạnh tay dẹp “rác” hay không?