Đề xuất xây dựng ngân hàng dữ liệu tên đường, tên phố

ANTĐ - Nhằm tìm ra giải pháp, giải quyết những bất cập, thiếu đồng bộ, nhất là trong viê%3ḅc xây dựng quy hoạch mang tính định hướng về quỹ đường, quỹ tên để đặt tên đường, phố và công trình công cộng, sáng qua, 5-11, Sở VH-TT Hà Nội đã tổ chức Hội nghị về vấn đề này. Nhiều đại biểu  đề xuất xây dựng ngân hàng dữ liệu tên đường phố.

Đề xuất xây dựng ngân hàng dữ liệu tên đường, tên phố ảnh 1Tiêu chí đặt tên đường phố mới cần được cân nhắc kỹ (Trong ảnh: Gắn biển tên phố Nguyễn Đình Thi, quận Tây Hồ, Hà Nội)

Thiếu quy hoạch, dự báo

Tiến sĩ Phạm Quốc Quân, thành viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia nhận định, không một địa phương nào, việc đặt tên, đổi tên đường phố và các công trình công cộng lại khó như ở Hà Nội. Mặc dù, thời gian qua những vấn đề “gợn” trong dư luận đã dần được khắc phục ví như những chủ quan, duy ý chí trong một số trường hợp đổi tên đường phố; đó là sự không tương thích giữa quy mô, cơ sở hạ tầng đường phố với tên danh nhân, bên cạnh đó còn là sự phục hồi tên gọi cho những địa danh cổ, tên làng nghề, phố nghề…

Tuy nhiên, Tiến sĩ Phạm Quốc Quân cho biết, bất cập lớn nhất hiện nay của công tác này ở Hà Nội chính là vấn đề dự báo quy hoạch. Vẫn còn những bị động trong xử lý tình huống, thời gian chuẩn bị cho tên đường, tên phố chưa được thấu đáo, khi mà công tác nghiên cứu, khảo sát, điều tra chưa được bao nhiêu. 

Năm 2010, trong đợt kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, Hà Nội đã bước đầu hình thành hệ thống ngân hàng dữ liệu tên đường, tên phố. Song việc chỉ dừng ở đó mà thiếu đi những bài bản, phạm vi chỉ giới hạn ở khu vực Hà Nội cũ, thiếu hẳn khu vực Hà Nội mở rộng. Những địa danh lịch sử, tên danh nhân… trước khi đưa vào ngân hàng dữ liệu cần phải được làm sáng rõ với sự đồng thuận cao từ các nhà nghiên cứu trên từng lĩnh vực. Chính vì không làm tốt điều này nên khi đặt tên đường Mạc Thái Tổ, Mạc Thái Tông… đã có không ít xôn xao dư luận. Tất nhiên, cần sự tuyệt đối đồng thuận cho mọi vấn đề là không khả thi, nhưng còn xôn xao dư luận thì yêu cầu công tác nghiên cứu cần phải được lưu tâm nhiều hơn.

PGS.TS  Nguyễn Văn Nhật, nguyên Viện trưởng Viện Sử học - Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam cho rằng, có không ít tên phố được đặt chưa tương xứng với vị thế của nhân vật (trừ tên gọi địa danh cũ) bởi một số đường phố quá nhỏ, hẹp, hạ tầng kém. Bên cạnh đó, có khá nhiều tên đường phố mang tên danh nhân, nhân vật lịch sử của các triều đại nhưng nhân dân chưa hiểu người đó là ai, có công trạng gì với đất nước.

Sở dĩ có chuyện này là bởi trước đây chúng ta đặt tên danh nhân quá nhiều. Lấy ví dụ từ trường hợp của danh nhân Nguyễn Trung Ngạn, đó là một đại thần có tài, được xếp vào hàng “Người phò tá có công lao tài đức đời Trần” cùng Trần Quang Khải, Mạc Đĩnh Chi, Trương Hán Siêu, Phạm Sư Mạnh… thế nhưng phố mang tên ông ở quận Hai Bà Trưng chỉ là ngõ nhỏ dài 46m, rộng 3m. Đã nhiều lần Hội Khoa học lịch sử Việt Nam kiến nghị mà vẫn chưa được đổi sang tuyến phố khác. 

Cẩn thận, tránh bất cập cho tương lai

Đa phần các ý kiến đưa ra tại Hội nghị đều nhấn mạnh sự cần thiết xây dựng tiêu chí. Tiến sĩ Phạm Quốc Quân đưa ra ý kiến, tiêu chí cần được xây dựng trong mối quan hệ giữa tên gọi với vị trí, quy mô, cơ sở hạ tầng… của đường phố. Tiêu chí cũng phải phân được các cấp độ. Theo PGS.TS Nguyễn Văn Nhật, thứ nhất, ưu tiên địa danh vốn có của địa phương được nhân dân thường gọi.

Thứ hai, đặt tên các danh nhân người địa phương hoặc sự kiện diễn ra tại địa phương đó.

Thứ ba, đặt tên các nhân vật, sự kiện ví như các nhà văn, các tướng lĩnh, các chính trị gia… Đối với đường giao thông nông thôn nên lấy địa danh của vùng đó. Cùng góp ý về giải pháp nâng cao chất lượng công tác đổi, đặt tên đường phố và công trình công cộng, TS.KTS Ngô Doãn Đức (Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam) đưa ra ý tưởng, xây dựng bản quy hoạch tổng thể các tên phố đã có, đánh dấu các khu vực đô thị Hà Nội và những phố mang tên người, tên địa danh… từ đó sẽ dễ thấy bức tranh tổng quan về tên phố.

           

Đại tá, PGS.TS Dương Hồng Anh (Phó Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam) khẳng định, cần phải xóa bỏ lối tư duy đơn thuần, chỉ lấy góc độ tiêu chí nào đó để đặt tên mà không xem xét tới nhiều giá trị  khác. Đề cao việc tham khảo ý kiến đóng góp của nhân dân, chủ nhân của các tuyến phố, tuyến đường, Phó Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam đề nghị tiếp tục để người dân được tham khảo, đóng góp ý kiến trong quá trình xây dựng hồ sơ đặt tên đường, phố và hiểu rõ về nơi mình sinh sống như là nhu cầu chính đáng, cần thiết. Được tôn trọng, được phổ biến, chắc chắn người dân sẽ hiểu, tin và chia sẻ cùng cơ quan quản lý Nhà nước.