Đề xuất thành lập trung tâm thương mại quốc tế và phát triển nguyên, phụ liệu thời trang

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Hiệp hội Da – Giầy – Túi xách Việt Nam và Hiệp hội Dệt May Việt Nam đang xin ý kiến chủ trương xây dựng Trung tâm giao dịch phát triển nguyên, phụ liệu ngành thời trang Việt Nam.
Việt Nam xuất khẩu nhiều sản phẩm dệt may nhưng phải nhập khẩu rất nhiều nguyên phụ liệu

Việt Nam xuất khẩu nhiều sản phẩm dệt may nhưng phải nhập khẩu rất nhiều nguyên phụ liệu

Tại hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 8-2024 diễn ra sáng 5-9, Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết, tháng 12-2023, Hiệp hội Da – Giầy – Túi xách Việt Nam và Hiệp hội Dệt May Việt Nam đã có văn bản gửi Bộ Công Thương về việc xin ý kiến chủ trương xây dựng Trung tâm giao dịch phát triển nguyên, phụ liệu ngành thời trang Việt Nam.

Theo Cục Công nghiệp, việc xây dựng Trung tâm này phù hợp với định hướng phát triển nguồn cung nguyên, phụ liệu ngành dệt may, da giầy tại Quyết định số 1643/QĐ-TTg ngày 29/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển ngành Dệt may và Da giầy Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn 2035 và Nghị quyết số 115/NQ-CP ngày 06/8/2020 của Chính phủ về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ.

Dự kiến, Trung tâm sẽ được xây dựng từ nguồn vốn xã hội hóa và tập trung triển khai thực hiện các hoạt động chính là: quy tụ các nhà cung ứng sản phẩm nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất dệt may, da giầy trong nước và nước ngoài trưng bày và giới thiệu sản phẩm nhằm rút ngắn thời gian tìm kiếm nguồn cung, giá cả cạnh tranh;

Hỗ trợ doanh nghiệp trong công tác truy xuất nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm nguyên phụ liệu dệt may – da giầy nhằm chuẩn hóa và minh bạch thị trường giao dịch; Triển khai hoạt động kết nối, giao thương và triển lãm sản phẩm, công nghệ sản xuất nguyên phụ liệu dệt may – da giầy; Thực hiện các hoạt động đánh giá, kiểm nghiệm chất lượng sản phẩm nguyên phụ liệu dệt may – da giầy cũng như vận hành kênh thông tin cập nhật xu hướng, công nghệ sản xuất nguyên phụ liệu dệt may – da giày nhằm hỗ trợ, thúc đẩy hoạt động sản xuất nguyên phụ liệu trong nước.

Cục Công nghiệp đang xúc tiến các công việc để thành lập Trung tâm này và xin ý kiến của các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tại hội nghị.

Dệt may và da giầy là hai ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu luôn tăng trưởng qua các năm, mức tăng bình quân trên 10%/năm.

Theo báo cáo của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và tạp chí World Footwear, Việt Nam là quốc gia xuất khẩu da giầy lớn thứ hai và xuất khẩu hàng dệt may lớn thứ ba thế giới.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, dù vẫn chịu ảnh hưởng lớn của suy giảm kinh tế toàn cầu, tổng kim ngạch xuất khẩu 2 ngành vẫn đạt gần 30 tỷ USD, chiếm gần 16% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam; và tạo ra gần 5 triệu công ăn việc làm, chiếm 22% lao động ngành công nghiệp Việt Nam.

Mặc dù, kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may – da giầy chiếm tỷ lệ cao trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước, nhưng giá trị đóng góp của các doanh nghiệp trong nước vẫn còn hạn chế. Thực tế cho thấy, ngành dệt may – da giầy Việt Nam vẫn tập trung ở khâu gia công, tạo giá trị gia tăng thấp. Nguồn nguyên, vật liệu và phụ kiện chủ yếu nhập khẩu từ thị trường ngoài nước (Trung Quốc, Hàn Quốc, các nước ASEAN khác).

Theo Số liệu của Tổng Cục Hải quan, 6 tháng đầu năm 2024, nhập khẩu nguyên phụ liệu nhóm ngành dệt may – da giầy sơ bộ đạt 13,42 tỷ USD, tăng 14,11% so với cùng kỳ năm 2023 (Trong đó, vải đạt 7,24 tỷ USD; xơ sợi dệt các loại đạt 1,28 tỷ USD; Bông các loại đạt 1,49 tỷ USD; NPL dệt, may, da, giày đạt 3,41 tỷ USD).

Việc phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên phụ liệu nhập khẩu có thể gây ảnh hưởng lớn tới tình hình phát triển chung của toàn ngành thời gian tới, khi nhiều nhiều quốc gia trên thế giới (Hoa Kỳ, EU) hướng tới mục tiêu Net Zero 2050 đang đặt ra các quy định khắt khe về kiểm soát nguồn cung, bắt buộc sản phẩm đáp ứng tỷ lệ xuất xứ nội khối cao.

Hơn nữa, hiện nay để mặt hàng dệt may – da giầy tận dụng lợi thế về miễn giảm thuế nhập khẩu vào các thị trường Việt Nam đã ký kết Hiệp định thương mại tự do (như EVFTA), quy định về quy tắc xuất xứ đã đi vào thực thi.

Điều này đang tác động lớn cho doanh nghiệp nội địa và doanh nghiệp FDI sản xuất hướng tới xuất khẩu tại Việt Nam. Do đó, việc phát triển nguồn nguyên phụ liệu ngành dệt may – da giày là rất cần thiết.