Đề xuất lập Ban chỉ đạo phòng, chống khủng bố 2 cấp

ANTĐ - Thảo luận tại hội trường sáng nay (21-5) về dự thảo luật Phòng, chống khủng bố, nhiều ĐBQH tán thành việc thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống khủng bố theo 2 cấp: Trung ương và địa phương.

Một cuộc diễn tập phòng chống khủng bố

Cũng trong sáng 21-5, Quốc hội (QH) đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của QH Nguyễn Kim Khoa trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật phòng, chống khủng bố của UBTVQH. Sau đó các ĐBQH đã thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo luật này.

Nhiều ý kiến đại biểu quan tâm về vấn đề thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống khủng bố (BCĐ). ĐB Nguyễn Văn Minh (Bắc Kạn) tán thành: Chính phủ cần thành lập BCĐ phòng, chống khủng bố Quốc gia và UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành lập BCĐ phòng, chống khủng bố cấp tỉnh không chuyên trách. Các thành viên BCĐ hoạt động chuyên nghiệp, thường xuyên, để vừa đáp ứng được yêu cầu phòng, chống khủng bố vừa đảm bảo được vai trò lãnh đạo.

ĐB Nguyễn Minh Kha (Cần Thơ) cho rằng để thuận lợi cho việc tổ chức thực hiện, dự thảo luật cần chia BCĐ phòng, chống khủng bố thành 2 cấp. Ở Trung ương, BCĐ phòng, chống khủng bố do Thủ tướng Chính phủ làm trưởng ban, đồng chí Bộ trưởng Bộ Công an làm phó trưởng ban thường trực, đồng chí Bộ trưởng Bộ Quốc phòng làm phó ban chỉ đạo và các ngành làm thành viên. Tương tự như thế, ở cấp tỉnh- thành phố trực thuộc trung ương sẽ Chủ tịch UBND làm trưởng ban, đồng chí giám đốc sở công an làm phó ban thường trực và đồng chí chỉ huy trưởng bộ chỉ huy quân sự thành phố làm phó ban chỉ đạo và các sở, ngành làm thành viên.

Đại biểu Nguyễn Minh Kha

Đồng quan điểm, ĐB Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) tán thành quy định thành lập BCĐ phòng, chống khủng bố 2 cấp và hoạt động thường xuyên, chứ không phải khi nào cần thiết thì mới thành lập. Bộ trưởng Bộ Công an và giám đốc công an tỉnh sẽ đóng vai trò thường trực của BCĐ cấp Trung ương và cấp tỉnh, thành viên BCĐ hoạt động kiêm nhiệm. ĐB Sơn cũng cho rằng không nhất thiết phải thành lập BCĐ này ở tất cả các bộ, ngành của Trung ương.

Một vấn đề khác được các đại biểu thảo luận nhiều liên quan đến vai trò người chỉ huy phòng, chống khủng bố. Đại biểu Nguyễn Văn Minh (Bắc Kạn) nói: Tuy quy định “Người chỉ huy chống khủng bố là người có thẩm quyền quyết định" xong trong dự thảo luật lại chưa có quy định cụ thể về cấp có thẩm quyền quyết định người chỉ huy chống khủng bố nên trên trên thực tế sẽ khó khăn, đề nghị bổ sung quy định cụ thể về vấn đề này.

ĐB Nguyễn Anh Sơn tán thành phân tích của ĐB Nguyễn Văn Minh và đề nghị dự luật ghi rõ "người chỉ huy chống khủng bố là người được BCĐ phòng, chống khủng bố phân công, quyết định" và "khi BCĐ phòng, chống khủng bố chưa phân công người chỉ huy chống khủng bố thì người đứng đầu, trực tiếp ở nơi xảy ra khủng bố có trách nhiệm tổ chức thực hiện các biện pháp chống khủng bố theo quy định".

Cuối cùng Phó chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn chốt lại cả 2 vấn đề: về BCĐ phòng, chống khủng bố đa số ý kiến ĐB là nhất trí thành lập, nhưng cần bổ sung làm rõ thêm thành phần BCĐ quốc gia, BCĐ ở cấp tỉnh, vai trò thường trực của Bộ Công an, của công an cấp tỉnh, đồng thời nên có bộ phận tham mưu giúp việc.

Về trách nhiệm quyền hạn của người chỉ huy chống khủng bố đa số ý kiến ĐB cũng đều nhất trí nhưng muốn quy định rõ thẩm quyền của từng cấp để bảo đảm thực thi. Nhất trí người chỉ huy do BCĐ phòng, chống khủng bố quyết định, khác với “cấp có thẩm quyền” quyết định. Khi BCĐ chưa có quyết định thì người đứng đầu cơ quan trực tiếp sẽ chỉ huy. Đối với cấp tỉnh thì có thể giám đốc công an là người chỉ huy.