Đưa Nghị quyết Đại hội lần thứ XVI Đảng bộ TP Hà Nội vào cuộc sống

Đề xuất hạn chế phương tiện cá nhân tại một số khu vực

ANTĐ - Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện đề xuất nhiều giải pháp đồng bộ để tiếp tục tháo gỡ bài toán giao thông Thủ đô.

Đề xuất hạn chế phương tiện cá nhân tại một số khu vực ảnh 1Số lượng xe máy tại Hà Nội tăng nhanh qua từng năm. Ảnh: Thuần Thư

Nhìn lại chặng đường đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải của thành phố thời gian qua, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, Hà Nội đã phối hợp chặt chẽ với Bộ GTVT hoàn thành nhiều dự án giao thông quan trọng như: tuyến đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ - Ninh Bình; tuyến Hà Nội - Thái Nguyên; Hà Nội - Lào Cai; tuyến đường 5; đường vành đai 3 trên cao; đường Nhật Tân - Nội Bài; nhà ga T2 - Cảng hàng không quốc tế Nội Bài; các cầu Vĩnh Thịnh, Phù Đổng 2, Nhật Tân. 

Cùng với đó, thành phố cũng đã ưu tiên nguồn lực chủ động đầu tư xây dựng và hoàn thành một số công trình kết cấu hạ tầng giao thông quan trọng như cầu Đông Trù, đường 5 kéo dài; tuyến quốc lộ 32; kết nối các đường vành đai 1, vành đai 2, vành đai 2,5... Những công trình này đã nâng cao năng lực giao thông của Hà Nội, góp phần quan trọng vào việc giảm ùn tắc giao thông. 

Tuy nhiên, hiện nay, việc đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông vận tải vẫn còn tồn tại khó khăn, vướng mắc do nguồn vốn đầu tư từ ngân sách còn hạn chế. Nhiều công trình còn chậm tiến độ; các tuyến đường vành đai chưa được kết nối hoàn chỉnh; các tuyến xe buýt nhanh vận chuyển khối lượng lớn (BRT) và đường sắt đô thị chưa được đưa vào sử dụng; phương tiện giao thông cá nhân vẫn tăng nhanh… Vì vậy, tình hình ùn tắc, tai nạn giao thông trên địa bàn thành phố vẫn diễn biến phức tạp. Đây là vấn đề thành phố cần tập trung giải quyết trong nhiệm kỳ 2015-2020. 

Thống nhất cao với chủ trương tạo bước đột phá mới trong đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, thành phố sẽ sớm hoàn thành đưa vào sử dụng 2 tuyến đường sắt đô thị: Hà Đông - Cát Linh, Nhổn - Ga Hà Nội và triển khai các tuyến còn lại; Cơ bản hoàn thành các tuyến đường vành đai 1, vành đai 2, vành đai 2 trên cao (Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở); Cải tạo, nâng cấp các trục hướng tâm như: quốc lộ 6, Hoàng Quốc Việt kéo dài... Đặc biệt, cần xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông ở ngoại thành để chuyển dần các cơ sở sản xuất, trường đại học, bệnh viện ra khỏi khu vực nội thành. Đây là nhiệm vụ hết sức nặng nề, khó khăn phức tạp liên quan đến rất nhiều hộ dân trong diện GPMB và đòi hỏi nguồn vốn đầu tư rất lớn. 

Theo Giám đốc Sở GTVT Hà Nội, để hoàn thành khối lượng công việc khổng lồ trên, thành phố cần tiếp tục chủ động trong việc phối hợp với Bộ GTVT và các tỉnh trong khu vực kinh tế trọng điểm phía Bắc rà soát hoàn thiện quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng giao thông Hà Nội trên cơ sở phù hợp nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và các quy hoạch có liên quan. Từ đó, thành phố sẽ lựa chọn các công trình giao thông quan trọng để sắp xếp thứ tự ưu tiên đầu tư xây dựng phù hợp với khả năng huy động nguồn lực đầu tư trong giai đoạn 2016-2020. 

Bên cạnh việc mở rộng và nâng cao chất lượng vận tải hành khách công cộng, cần hạn chế giao thông cá nhân, nhất là xe máy tại một số khu vực trung tâm và một số tuyến đường đã tổ chức tốt phương tiện giao thông công cộng. Ngoài ra, thành phố sẽ tập trung hoàn thiện cơ chế quản lý, khuyến khích và thu hút nguồn vốn xã hội đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức PPP, BT, BOT...

Với bước đi thích hợp trong việc xây dựng hệ thống giao thông thông minh, thành phố sẽ quản lý phương tiện giao thông công cộng, xe buýt, xe khách liên tỉnh, xe taxi... bằng hệ thống định vị GPS. Công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật về trật tự ATGT, kết hợp với việc xử lý nghiêm các hành vi vi phạm cũng là nhiệm vụ quan trọng, để từng bước xây dựng văn hóa giao thông của người dân Thủ đô.