Đề xuất điều chỉnh quy hoạch đường Liễu Giai - Núi Trúc - Giang Văn Minh: Nên điều chỉnh nếu có lợi cho cộng đồng

ANTĐ - Đó là ý kiến của ông Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch đô thị Việt Nam, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội khi trao đổi với phóng viên Báo An ninh Thủ đô về đề xuất điều chỉnh quy hoạch của người dân tổ 9C ngách 210/41 Đội Cấn (Ba Đình, Hà Nội).

Đường Liễu Giai - Núi Trúc - Giang Văn Minh giai đoạn II sắp triển khai

- Ông đánh giá thế nào về kiến nghị của một số hộ dân về việc điều chỉnh lại quy hoạch tuyến đường Liễu Giai - Núi Trúc - Giang Văn Minh (quận Ba Đình) theo hướng lấy đất GPMB về phía cơ quan Nhà nước, hạn chế lấy đất của dân, giúp tiết kiệm ngân sách hàng trăm tỷ đồng?

- Đề xuất điều chỉnh quy hoạch ở dự án này là có căn cứ. Đường giao thông nên vẽ thẳng nhưng ở thời điểm làm quy hoạch (trước năm 1997), tuyến đường đi tới nút giao Núi Trúc vướng khu nhà ở của chuyên gia Thụy Điển nên phải tránh. Tới nay, vị trí này  đã chuyển thành Văn phòng Trung tâm thông tin của Tổng cục Du lịch nên việc điều chỉnh lại nút giao thông Núi Trúc là khả thi để giảm bớt chi phí giải phóng mặt bằng. Tôi ủng hộ đề xuất của người dân và các sở ngành thành phố nên khẩn trương xem xét, trả lời thỏa đáng.

- Tuy phù hợp thực tiễn nhưng đề xuất điều chỉnh quy hoạch của người dân liệu có ảnh hưởng đến các quy hoạch khác, thưa ông?

- Thời điểm mở tuyến đường Vạn Phúc (đường Liễu Giai - Núi Trúc - Giang Văn Minh giai đoạn I), thành phố căn cứ vào Điều chỉnh quy hoạch tổng mặt bằng Thủ đô Hà Nội 1992. Tới nay, thành phố Hà Nội đã có Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn 2050 (phê duyệt năm 2011); Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050 (phê duyệt năm 2016); các quy hoạch phân khu liên quan cũng mới cả.

Thêm vào đó, khu đất đã chuyển đổi mục đích sử dụng nên hoàn toàn điều chỉnh được. Trước đây, trên tuyến phố Liễu Giai, cũng đã có trường hợp chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất ngoại giao sang chức năng khác. Vì thế, căn cứ pháp lý của việc điều chỉnh là chắc chắn. Việc này thuộc thẩm quyền của thành phố. Vấn đề là cần xem xét để định vị chính xác, đảm bảo yếu tố kỹ thuật của tuyến đường.

- Từng nhiều năm phụ trách mảng quy hoạch - kiến trúc của Hà Nội, ông thấy đã bao giờ kiến nghị của người dân về điều chỉnh quy hoạch được giải quyết? 

- Thành phố luôn lắng nghe ý kiến người dân. Không phải một mà nhiều lần thành phố Hà Nội đã điều chỉnh cục bộ quy hoạch theo kiến nghị của người dân. Đơn cử, lúc quy hoạch tuyến đường Kim Liên - Ô Chợ Dừa (quận Đống Đa) qua đình Kim Liên, khi người dân kiến nghị điều chỉnh, thành phố đã lắng nghe, xem xét và điều chỉnh lại quy hoạch cho phù hợp.

Một ví dụ khác, ở dự án đường Nguyễn Phong Sắc kéo dài (quận Cầu Giấy), khi người dân kiến nghị, thành phố cũng điều chỉnh lại một nút giao thông trên tuyến này. Cần nói rõ là việc điều chỉnh quy hoạch như thế không phải chỉ vì lợi ích của một ai đó mà thành phố đã cân nhắc nhiều yếu tố. Phương án chọn có lợi cả cho người dân, cộng đồng, Nhà nước và vẫn đảm bảo yêu cầu kỹ thuật.

Cũng liên quan tới đề xuất của người dân, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện đã có văn bản giao Ban quản lý dự án giao thông đô thị phối hợp với Sở QH-KT, UBND quận Ba Đình và các đơn vị liên quan làm việc với các hộ dân để thông tin, làm rõ, giải đáp các nội dung kiến nghị liên quan tới việc điều chỉnh quy hoạch tuyến đường Liễu Giai – Núi Trúc – Giang Văn Minh; đồng thời báo cáo Sở GTVT tháo gỡ các vướng mắc, tồn tại. Ông Vũ Văn Viện cũng đề nghị Sở QH-KT xem xét, cho ý kiến về kiến nghị của người dân.

Chính Trung

Sẽ sớm có câu trả lời

Về đề xuất của người dân tổ 9C ngách 210/41 Đội Cấn, Giám đốc Sở QH-KT Hà Nội Lê Vinh cho biết: “Sở đã nắm được thông tin Báo An ninh Thủ đô phản ánh và đã chỉ đạo các phòng nghiệp vụ thụ lý, giải quyết kiến nghị của các hộ dân.

Thành phố cũng đã chỉ đạo và tôi đã giao 1 đồng chí Phó Giám đốc Sở phụ trách việc này, sớm có văn bản trả lời cho các hộ dân”. Trả lời câu hỏi “đề xuất của người dân có phải là một căn cứ cơ bản để xem xét điều chỉnh quy hoạch hay không?”, ông Lê Vinh nói: “Hà Nội là thành phố vừa cải tạo vừa phát triển mới và trong quá trình phát triển hạ tầng sẽ phải “đụng chạm” nhiều tới vấn đề GPMB.

Đây là vấn đề phức tạp lâu nay. Ở dự án này, ý kiến người dân là quan trọng nhưng chưa phải là yếu tố đầu vào duy nhất. Cơ quan chức năng sẽ phải xem xét rất nhiều yếu tố khác, đặt tất cả lên “bàn cân” để cân nhắc kỹ lưỡng trước khi tham mưu cho thành phố”.  

Thành Nam