Đề xuất cấp bù 3.000 tỷ lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp: Thấy gì khi nhìn vào bài học năm 2009

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Mới đây, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã yêu cầu Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định ngay trong kỳ họp tháng 10 tới các giải pháp về cấp bù lãi suất cho ngân hàng để giảm lãi suất cho vay nhằm tháo gỡ khó khăn về dòng tiền cho doanh nghiệp.

Liên quan đến đề xuất này, nhiều chuyên đồng tình, song cho rằng chúng ta cần có những đánh giá thận trọng dựa trên kinh nghiệm quốc tế và bài học năm 2009.

Bài học năm 2009

TS Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ quốc gia, Viện trưởng Viện nghiên cứu và Phát triển kinh doanh cho biết, theo kinh nghiệm quốc tế, trong đợt dịch Covid-19 này, tổn thất về tài chính cho ngân sách cũng như ngân hàng là chưa từng có trong lịch sử. Các gói tài trợ cho nền kinh tế, cho dân của các nước cũng chưa từng có.

Như ở Mỹ tài trợ lên tới 6.000 tỷ USD, GDP của Mỹ khoảng 10.000 tỷ. Nhật Bản tài trợ xấp xỉ 2.500 tỷ USD, GDP Nhật Bản 4.500 tỷ USD. Tương tự, châu Âu, các nước Đông Nam Á cũng có các gói hỗ trợ rất lớn.

Chính phủ các nước này thường có hỗ trợ trực tiếp bằng tiền thông qua việc hỗ trợ cho người lao động và doanh nghiệp (DN). Chưa thấy nước nào tài trợ qua ngân hàng.

Ở một số nước có thành lập nhóm ngân hàng tài trợ trực tiếp cho các DN bằng cách cho vay tín chấp, có thể có bảo lãnh hoặc không. Qua đó, tạo ra một luồng tín dụng mới cho những DN không đủ điều kiện vay vốn ngân hàng.

Nhưng tại một số nước như Mỹ và Châu Âu cũng rất hạn chế áp dụng cách này. Cách phổ biến nhất các nước thực hiện để giảm lãi suất cho DN là dùng công cụ chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung ương. Tức là tăng cung tiền, hạ lãi suất điều hành của Ngân hàng Trung ương. Dựa vào lãi suất điều hành đó, các ngân hàng thương mại có thể giảm lãi suất cho vay.

Tại Việt Nam, ông Nghĩa cho biết, chúng ta đã từng có gói hỗ trợ lãi suất năm 2009, sau khủng hoảng 2008. Gói tài trợ lãi suất khá mạnh tay, lên tới khoảng 19.000 tỷ đồng với mức giảm khoảng 4-5% lãi suất.

Tuy nhiên, vào thời điểm đó chúng ta có mấy chốt về vĩ mô mà không kiểm soát được:

Thứ nhất là tăng trưởng tín dụng được nới lỏng quá mức. Năm 2009, tăng trưởng tín dụng lên tới 37,3%; năm tiếp theo là 27,65%. Dẫn đến lạm phát CPI năm 2009 mới ở mức 6,88%; năm 2010 lên tới 9,19%; đặc biệt năm 2011 lên tới 18,58%. Trong khi GDP tăng không nhiều, tương ứng chỉ 5,32%; 6,78%; 5,89%.

Nếu không tính toán cẩn trọng, các gói hỗ trợ lãi suất có thể gây "phản ứng ngược"

Nếu không tính toán cẩn trọng, các gói hỗ trợ lãi suất có thể gây "phản ứng ngược"

Nói tóm lại, với gói hỗ trợ này, tăng trưởng kinh tế bị lạm phát làm xói mòn. Do đó, theo TS Lê Xuân Nghĩa, lần này chúng ta phải giữ được chốt thứ nhất là tăng trưởng hợp lý, không để bị đẩy lên quá cao. Thứ hai là không để lạm phát lên mức cao. Và thứ ba là tỷ giá hối đoái. Nếu thực hiện gói này hỗ trợ này thì lãi suất sẽ giảm và tỷ giá hối đoái sẽ tăng, dẫn đến rắc rối với Mỹ là thâm hụt tiền tệ.

Về vi mô, năm 2009 để lại nhiều hậu quả nặng nề cho hệ thống ngân hàng. Phần lớn các ngân hàng sau này bị mua 0 đồng và sáp nhập là đều xuất phát từ thời điểm đó. Do đó, lần này chúng ta phải tính toán, chấp nhận nợ xấu ở mức độ nào, làm thế nào để ổn định được thanh khoản của hệ thống ngân hàng. Các ngân hàng cần có những chế độ hạch toán, kế toán rõ ràng, minh bạch.

“Hồi đó chúng ta làm còn khá chủ quan, các chốt về vĩ mô và vi mô không đặt ra ngay từ đầu, nên cuối cùng có thể nói gói hỗ trợ đó lợi cũng có nhưng không nhiều, hại thì rất lớn. Nó đẩy hệ thống ngân hàng rơi vào tình trạng nguy hiểm, hậu quả đến bây giờ vẫn chưa xử lý xong” – TS Lê Xuân Nghĩa nhìn nhận lại.

Không để lặp lại "phản ứng ngược"

Liên quan đến đề xuất của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, TS Lê Xuân Nghĩa cho biết ông ủng hộ, tuy nhiên đặt vấn đề cách làm phải thông minh và phải làm bằng 2 cách cùng lúc. Cách thứ nhất, dùng chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung ương tạo ra hiệu ứng giảm lãi suất chung cho tất cả, mặt bằng lãi suất chỉ cần giảm 1%. Cùng với gói cấp bù lãi suất này sẽ giảm thêm khoảng 2-3%, qua đó tạo ra xung lực tổng cộng 4%.

“Phải có những biện pháp vĩ mô của Ngân hàng Trung ương cùng với biện pháp hỗ trợ từ ngân sách để tạo ra hiệu ứng giảm lãi suất rõ rệt với DN” – ông nói.

Theo vị chuyên gia, một gói hỗ trợ tín dụng nên thiết kế trên nền tảng rút bài học từ năm 2009 vô cùng sâu sắc, đặt ra những “chốt” về vi mô và vĩ mô rất rõ ràng, đặt ra thời hạn. Các doanh nghiệp lớn hay nhỏ đều được hưởng bình đẳng như nhau, không nên phân biệt ngành nghề.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho biết, theo gợi ý của Chủ tịch Quốc hội, gói cấp bù lãi suất sẽ khoảng 3.000 tỷ đồng, tức là tương đương khoảng 100.000 tỷ dư nợ để hỗ trợ người dân, DN.

Tuy nhiên, với kinh nghiệm năm 2009, tới đây khi xây dựng cơ chế chính sách, chúng ta phải tính toán tới 2 mục tiêu là ổn định vĩ mô và kiểm soát lạm phát. “Không đảm bảo được 2 mục tiêu này thì các chính sách được đưa ra có thể sẽ không tích cực, thậm chí còn phản ứng ngược, gây tác hại lớn cho nền kinh tế” – đại diện NHNN nói.

Ông Nguyễn Tuấn Anh cũng cho biết, tới đây ngành ngân hàng tiếp tục phối hợp với các Bộ, ban ngành để xây dựng những kịch bản, chương trình nếu chúng ta triển khai gói hỗ trợ này.

“Về quan điểm NHNN, hiện tại cần thiết phải có những gói hỗ trợ để chia sẻ với DN. Rất nhiều cơ chế chính sách nhưng phải linh hoạt trong việc vận dụng, từ chính sách tài khóa đến chính sách tiền tệ để đảm bảo được an toàn cũng như hỗ trợ người dân, DN khôi phục lại sản xuất”.