Để trăng khuyết tròn đầy

ANTĐ - Trong khi tiếng trống lân rộn rã ngoài phố báo hiệu Tết Trung Thu đã tới thì trong bệnh viện Nhi Trung ương có hơn một nghìn em nhỏ vẫn đang lăn lóc trên giường bệnh.

Biểu diễn văn nghệ mừng Trung thu tại viện Nhi

Với hy vọng sẽ mang tới cho các em “một chút gì đó” vào cái tết trông trăng này, chúng tôi ghé bệnh viện Nhi Trung ương gặp chị Triệu Thùy Vân - cán bộ Phòng Công tác xã hội. Trái với trăn trở của chúng tôi về một cái Tết thiếu nhi vắng tiếng trống lân, chị Vân cười bảo: “Bệnh viện đã thu xếp đâu vào đấy cả rồi. Sẽ có đầy đủ quà cho các cháu. Đủ cả múa lân, rước đèn, phá cỗ, ca nhạc và thậm chí có thêm… một bữa ăn miễn phí nhân ái nữa”. Không tin lắm về khả năng có thể lo cùng lúc cho từng ấy cháu, tôi thắc mắc: “Bệnh viện có tới hơn 1.000 cháu nhỏ. Lo cái tết như thế chắc không thể lấy từ kinh phí khám chữa bệnh, vậy các chị xoay kiểu gì…?”. Chị Vân lại cười: “Mỗi người một tay góp sức thì cũng xong mà. Vẫn còn rất nhiều tấm lòng dành cho tuổi thơ của chúng ta lắm”.

Hóa ra, để chuẩn bị cho Trung thu năm nay, các y bác sỹ bệnh viện Nhi đã phải lên kế hoạch từ trước đó cả tháng. Bác sỹ Vũ Quý Hợp - Chủ tịch Công đoàn bảo: “Vì còn nhỏ nên hầu hết các cháu bé đều không ý thức được bệnh tật của mình. Dù đang ốm đấy, nhưng nhắc tới Trung thu là đứa nào mắt cũng sáng lên. Nhìn cảnh chúng háo hức thấy tội lắm.

Chính vì thế, chưa bao giờ chúng tôi để cho các cháu phải thiếu thốn trong những ngày này”. Vậy là, để cho những niềm vui của các cháu trọn vẹn thì cả Phòng Công tác xã hội đã phải quay như chong chóng đi xin tài trợ. Cũng may vì có kế hoạch chuẩn bị sẵn từ trước nên năm nay, việc chuẩn bị cho các cháu diễn ra khá tươm tất - chị Vân nói. Tính chi li ra thì các bé còn được đón tết trước 2 ngày.

Ở góc hành lang, chúng tôi gặp bà Nguyễn Thị Hường, quê tận Nghi Lộc, Nghệ An. Bà Hường đưa bé Trần Phúc Liên xuống đây đã gần 1 tháng và là một trong những bệnh nhân đặc biệt của bệnh viện. Người mẹ dù đã gần 60 tuổi này đa mang thêm một đứa con nuôi đầy bệnh tật suốt 5 năm qua. Chị Vân kể: “Bé Liên mất cha từ trong bụng mẹ, ông bà nội ngoại cũng chẳng còn ai. Mẹ bé sinh con xong là mất ngay trên bàn mổ. Chính bà Hường lúc đó đang nằm cùng bệnh viện thấy hoàn cảnh đáng thương như vậy đã nhận bé về nuôi dù gia cảnh bà cũng nghèo thê thảm.

Ngày bà ấy đưa bé Liên xuống nhập viện, trong túi chẳng có xu nào. Anh tính, một người nghèo như bà Hường mà còn có tâm như thế thì tụi em lo một chút Tết Trung thu cho các cháu, vất vả nào đã thấm vào đâu”. Riêng bà Hường mắt cứ rưng rưng khi nhận chút quà và chiếc đèn lồng nho nhỏ: “Tôi đưa cháu xuống đây, trăm sự trông cậy vào các bác sỹ cả. Cũng chỉ mong sao cho cháu chóng lành bệnh chứ Trung thu thì chẳng dám nghĩ tới. Ai ngờ con tôi lại được lo cho đầy đủ thế này”. Riêng bé Liên thì chẳng biết gì, mặc dù vừa mới xong ca mổ trước đó hai ngày để điều trị chứng rạn não thất bẩm sinh, nhưng bé cứ u ơ mừng rỡ khi thấy những chiếc đèn xanh đỏ. Có lẽ với cô bé tội nghiệp ấy, niềm vui với Tết Trung thu đã vượt qua cả nỗi đau thể xác.

Bé Liên với chiếc đèn lồng của viện Nhi tặng

Cũng ở nơi các bác sỹ phát quà, tôi gặp bé Nguyễn Tiến Hoàng, quê ở Kim Hoa, Mê Linh, Hà Nội. Hoàng 7 tuổi, nhập viện vì chứng ung thư máu. Sau đợt xạ trị, tóc chú bé rụng gần hết. Thế nhưng thấy được các bác sỹ gọi xuống phát bánh, cho đèn ông sao, Hoàng như quên cả bệnh tật mắt sáng rực chạy vào tận nơi đợi tới lượt. Ở một góc khuất sau cánh cửa, mẹ của bé, chị Nguyễn Thị Dung ôm mặt lặng lẽ chấm nước mắt: “Tội nghiệp con em, nhà nghèo nên mọi lần ở quê chưa năm nào Trung thu cháu có được một chiếc đèn. Không biết cháu sẽ trụ lại với căn bệnh quái ác này được bao lâu nữa, nhưng có lẽ đây là cái Tết Trung thu đầy đủ nhất và vui vẻ nhất của cháu”. Cũng như bé Liên, Hoàng nhảy chân sáo chạy theo bạn với chiếc đèn ông sao nhấp nháy, cơn đau bệnh tật của chú bé dường như tan biến.

Nhìn cảnh ấy, tôi chợt nhớ tới lời bác sỹ Vũ Quý Hợp: “Trung thu giống như một liều thuốc tiên đối với tất cả các bệnh nhi. Liều thuốc đó không ai bắt các bác sỹ phải kê toa. Nhưng nếu có nó, áp lực y học sẽ giảm đi một nửa. Chỉ có điều, cách chữa như thế phải xuất phát từ tấm lòng yêu trẻ và chúng tôi chỉ mong, cộng đồng sẽ còn nhiều bàn tay chung sức với bệnh viện mang hạnh phúc tới tất cả bệnh nhi nghèo”.