Để thành công, phụ nữ phải đánh đổi rất nhiều

ANTĐ - Không có thành công nào mà không đổ mồ hôi và nước mắt, song với những nữ doanh nhân thành đạt thì sự đánh đổi lại lớn hơn rất nhiều. Đã đi và gặp hàng trăm doanh nhân, viết báo, in sách về hàng trăm hoàn cảnh, nhà báo Lưu Vinh -  Tổng Biên tập Báo Kinh doanh và Pháp luật đã chia sẻ với PV ANTĐ câu chuyện về những nữ doanh nhân mà ông đã gặp.

Để thành công, phụ nữ phải đánh đổi rất nhiều ảnh 1Vượt qua định kiến để thành công trên thường trường

Thành công phải đánh đổi bằng hạnh phúc

- PV: Dưới góc nhìn của một người khá am hiểu về giới doanh nhân, ông đánh giá thế nào về thành công của nữ giới trên thương trường?

- Nhà báo Lưu Vinh: Tình cờ, tôi bắt tay vào làm bộ sách: “Doanh nhân Việt Nam: Nụ cười và nước mắt”, đến nay đã xuất bản được 17 tập. Nhờ vậy, tôi đã đi, đã gặp hàng trăm doanh nhân thành đạt trên khắp cả nước. Trong đó, có không ít người là phụ nữ. 

Người đầu tiên tôi muốn nói đến là bà Vũ Thị Thuận- hiện là Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Traphaco. Gây dựng doanh nghiệp tên tuổi từ một xí nghiệp nhỏ, bà Thuận đã phải hy sinh cả gia đình. Bà lao vào công việc đến mức quên ăn quên ngủ, khiến người bạn đời buộc bà phải lựa chọn: gia đình hay công ty? Sau một đêm thức trắng, bà đã chọn công ty, vì phía sau bà còn 720 người lao động đang chờ xí nghiệp được vực dậy để có cơm ăn áo mặc. Vợ chồng bà ly hôn, bà nuôi 2 con gái. Người phụ nữ nghị lực ấy vừa chăm lo cho con, vừa nỗ lực trong công việc. Đến hôm nay, doanh nghiệp đã lớn mạnh, bà được phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới. Đó là sự đền đáp xứng đáng. 

Tôi cũng rất nhớ những chia sẻ của PGS.TS Nguyễn Thị Hòe - Chủ tịch Tập đoàn sơn Kova, sau 2 cuộc hôn nhân đổ vỡ: “Tôi như được tháo cũi sổ lồng. Cuộc đời mở ra một trang mới. Tôi chính thức bắt tay vào nghiên cứu khoa học và ước mơ kinh doanh được chắp cánh”. Nữ doanh nhân này đã sang Mỹ nghiên cứu với hành trang là balô đầy đá. Sau khi thành công, bà khước từ lời mời hấp dẫn ở lại Mỹ, trở về Việt Nam và phát triển doanh nghiệp.

Nam giới lăn lộn trên thương trường dễ nhận được sự cảm thông, hậu thuẫn của người phụ nữ. Nhưng phụ nữ thành công trên thương trường thì không ít người phải đánh đổi bằng hạnh phúc. Mạnh mẽ vượt qua hôn nhân tan vỡ, hoàn thành thiên chức của một người mẹ và vững vàng trước sóng gió của thương trường, những người phụ nữ ấy khiến tôi nể phục. Nếu trong hoàn cảnh như vậy, liệu có nam doanh nhân nào khẳng định rằng, mình sẽ làm giỏi hơn những người phụ nữ ấy?

- Nhưng chắc hẳn, không phải cứ đánh đổi hạnh phúc mới có được thành công, thưa ông?

- Nếu gặp được người chồng cảm thông, chia sẻ thì có phải hy sinh, nhưng mất mát của phụ nữ không quá lớn. Tôi đã gặp gia đình ông bà chủ Biti’s Vưu Khải Thành và Lai Khiêm. Đó là một gia đình tuyệt vời khi hai vợ chồng đồng lòng đưa doanh nghiệp phát triển, hay gia đình hạnh phúc của bà Mai Kiều Liên - Chủ tịch Vinamilk…

Vượt qua định kiến

- Phía sau thành công của người đàn ông luôn có bóng dáng của người phụ nữ. Vậy vợ của những nam doanh nhân thành đạt, hẳn cũng là một nữ doanh nhân?

- Không có người phụ nữ phía sau, sự nghiệp kinh doanh của người đàn ông rất khó được cất cánh. Tôi còn nhớ hoàn cảnh của vợ chồng doanh nhân Lê Văn Dũng- Nguyễn Thị Kim Oanh. Bắt đầu cùng nhau sau những sai lầm và đổ vỡ hôn nhân, 2 mảnh “rổ rá cạp lại” chắt chiu từ vài chục nghìn đồng tiền vốn, xây dựng doanh nghiệp lớn tại tỉnh Thái Nguyên với các lĩnh vực kinh doanh: tranh đá quý, vàng bạc, nhà hàng, cây cảnh. Đương nhiên, họ tạo ra nhiều việc làm cho lao động địa phương. Chị Oanh không chỉ là người vợ đứng bên cạnh người chồng mà còn là người đồng hành để lo liệu công việc hàng ngày, giúp ích rất nhiều cho công việc của anh Dũng. 

- Thưa ông, con đường thành công của nữ doanh nhân không trải hoa hồng, nhưng cũng không phải đầy rẫy chông gai bởi  nữ giới có nhiều lợi thế hơn so với nam giới?

- Họ mềm mỏng, linh hoạt, điềm đạm và chu toàn hơn nam giới. Trong khi đó “đấng mày râu” thường nóng tính, vội vàng hơn nên không ít lần hỏng việc.

- Có ý kiến cho rằng, Việt Nam có quá ít nữ doanh nhân “tầm cỡ”. Hội nhập ngày càng sâu và rộng, làm sao họ có đủ sức “giong buồm ra khơi”, thưa ông?

- Từ sau 31-12-2015, cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) sẽ được thành lập. Đây là thời kỳ thử thách đặc biệt đối với doanh nhân Việt Nam, không chỉ nữ giới. Nhưng nếu thực sự biết nắm bắt cơ hội, có trình độ ngoại ngữ, chuyên môn tốt thì sẽ thành công. “Phái yếu” cũng phải vượt qua mặc cảm về giới, tự chủ vươn lên.

- Xin cảm ơn ông!