Để người tiêu dùng bớt yếu thế

ANTĐ - Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có hiệu lực chính thức từ ngày 1-7-2011 được coi là bước ngoặt quan trọng trong hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở Việt Nam. Tuy nhiên, sau 1 năm thực thi, ông Nguyễn Phương Nam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh - Bộ Công Thương cho rằng, công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vẫn còn những hạn chế, tồn tại, trong khi các vụ việc vi phạm không những không giảm mà có xu hướng ngày càng gia tăng. 

TS. Bùi Nguyên Khánh, Viện Nhà nước và Pháp luật chỉ rõ, trong kỷ nguyên toàn cầu hóa, những phương thức kinh doanh gian dối, thiếu trung thực được ngụy trang dưới hình thức tinh vi hơn. Không hiếm trường hợp các doanh nghiệp đã sử dụng thị trường Việt Nam làm nơi giải quyết hàng kém chất lượng, hàng tồn kho, hàng có chỉ dẫn gây nhầm lẫn hoặc trực tiếp tiến hành các biện pháp khuyến mại, quảng cáo gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng.

Bên cạnh những mặt hạn chế, cũng cần nhìn nhận một cách khách quan là sau khi Luật đi vào cuộc sống, không chỉ nhận thức về quyền lợi của người tiêu dùng tăng lên mà ý thức của cộng đồng doanh nghiệp về vấn đề này cũng được cải thiện. Một trong những minh chứng là việc đã có 10 trường hợp doanh nghiệp chủ động thu hồi sản phẩm với số lượng 15.000 sản phẩm khi có sai sót. Trước đó, rất ít trường hợp sản phẩm như vậy bị thu hồi. 

Khi xảy ra các tranh chấp, việc giải quyết bằng các thủ tục đơn giản chưa được triển khai. Người tiêu dùng luôn ở vị trí yếu thế so với các tổ chức, cá nhân kinh doanh. Theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh Nguyễn Phương Nam, thời gian tới, cần hệ thống các giải pháp đồng bộ nhằm đưa các quy định của luật vào cuộc sống. Vừa qua, Bộ Công Thương đã xây dựng và vận hành thử nghiệm hệ thống tiếp nhận phản ánh của người tiêu dùng bằng điện thoại với số tổng đài 04-39387846.   

Tuy nhiên, để Luật thực sự đi vào cuộc sống vẫn cần tiếp tục hoàn thiện các công cụ hỗ trợ người tiêu dùng, đẩy mạnh hoạt động thiết thực các tổ chức xã hội để người tiêu dùng không còn bị yếu thế.