Đề nghị sửa đổi nhiều cơ chế, chính sách để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho Thủ đô Hà Nội

ANTD.VN - Về sự cố ô nhiễm nguồn nước sông Đà vừa qua, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ Công tác của Thủ tướng đánh giá Hà Nội đã vào cuộc quyết liệt, bên cạnh việc điều tra nguyên nhân, TP đã triển khai các biện pháp hỗ trợ, cấp nước miễn phí cho người dân...

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ Công tác của Thủ tướng phát biểu tại buổi làm việc

Chiều 16-10, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng dẫn đầu đã có buổi làm việc với UBND Thành phố Hà Nội về việc đôn đốc, kiểm tra thực hiện nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao và việc kết nối cổng dịch vụ công, hệ thống thông tin 1 cửa điện tử của Thành phố với Cổng dịch vụ công quốc gia của UBND Thành phố Hà Nội. 

Thủ tướng khen Hà Nội 6 vấn đề

Mở đầu buổi làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng chuyển lời khen ngợi của Thủ tướng về 6 vấn đề Hà Nội thực hiện nổi bật trong năm 2019.

Thứ nhất là về phát triển kinh tế ổn định, trong 9 tháng năm 2019 tăng trưởng đạt cao hơn cùng kỳ, GRDP đạt 7,35%; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 7,8%, kim ngạch xuất khẩu đạt 12,4 tỷ USD; thu ngân sách nhà nước đạt trên 186 nghìn tỷ đồng.

Thứ hai là công tác quy hoạch, phát triển không gian, chỉnh trang đô thị, trong thời gian qua Hà Nội trông được trên 349 nghìn cây đô thị và bóng mát; Xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông được đặc biệt chú trọng, quy mô diện mạo đô thị ngày càng hiện đại.

Điểm thứ ba được Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng nêu là kết quả xây dựng nông thôn mới của Hà Nội, diện mạo nông thôn đổi mới toàn diện. Đến nay có 6 huyện và 325/386 xã (84,2%) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Thứ tư là môi trường đầu tư kinh doanh của Hà Nội liên tục được cải thiện, có nhiều giải pháp thu hút đầu tư. Tổng vốn đầu tư xã hội đạt 245,8 nghìn tỷ đồng. Đặc biệt ấn tượng là thu hút đầu tư nước ngoài tăng cao, đạt 6,23 tỷ USD - dẫn đầu cả nước.

Lũy kế tổng vốn FDI đến nay đạt 41,3 tỷ USD. Đến nay Hà Nội đã có trên 20 nghìn doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký trên 263 nghìn tỷ đồng, tăng 9% về số lượng, tăng 28% về vốn, nâng số doanh nghiệp trên địa bàn lên trên 273 nghìn doanh nghiệp.

Điểm thứ năm Thủ tướng khen Hà Nội là có nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong hoạt động của bộ máy hành chính của thành phố theo hướng phục vụ, chuyên nghiệp. Trong 9 tháng thực hiện 6 đợt tinh giản biên chế với tổng số 191 người.

Thứ sáu là vấn đề cải cách hành chính, ứng dụng CNTT được đẩy mạnh. Hà Nội xếp hạng thứ ba về mức độ sẵn sàng phát triển và ứng dụng CNTT, xếp thứ nhất về chỉ số công nghiệp CNTT. Thành phố đã triển khai được 1.448/1.839 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4, đạt tỷ lệ 80%...

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu tại buổi làm việc

Kiến nghị đặc thù trong cắt tỉa, trang trí cây xanh

Hà Nội kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét trình Quốc hội sửa đổi Luật, văn bản hướng dẫn về cơ chế, chính sách trong 7 nhóm vấn đề lớn để tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho Thủ đô.

Về các vấn đề cụ thể, thành phố xin áp dụng đặc thù đối với công tác trang trí cây, hoa, chiếu sáng, trồng bổ sung cây xanh, cắt tỉa cây xanh phục vụ nhiệm vụ chính trị.

Nói thêm về vấn đề này, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho biết, Hà Nội thường xuyên phải cắt tỉa, trang trí cây xanh phục vụ công tác ngoại giao. Với thời gian ngắn, công tác này không thể thực hiện đấu thầu.

Bên cạnh đó, với hơn 500.000 cây xanh thường xuyên phải cắt tỉa, Hà Nội đã có Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh với các thiết bị chuyên dụng có thể sử dụng cả trong mục đích cứu hộ, cứu nạn nên việc tổ chức đấu thầu sẽ làm lãng phí nguồn lực...

Chủ tịch UBND TP cũng đề nghị Tổ công tác báo cáo với Thủ tướng cho cơ chế giải ngân vốn ODA theo tiến độ, bởi hiện nay với tiến độ cấp vốn ODA, các chủ đầu tư chỉ làm trong 6 tháng là hết, 6 tháng còn lại sẽ không có việc, dẫn đến nguy cơ chậm tiến độ, phát sinh tiền nhân công và chuyên gia.

Nếu được cấp đủ vốn, Hà Nội cam kết đến quý III/2021 sẽ đưa 8km chạy trên cao tuyến đường sắt đô thị số 3  vào hoạt động.

Về nội dung kết nối vào cổng dịch công của Chính phủ, Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh Hà Nội sẽ thực hiện nghiêm túc theo chỉ đạo của Thủ tướng và Tổ công tác.

Khắc phục 4 hạn chế còn tồn tại

Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Tổ trưởng Tổ công tác Mai Tiến Dũng đánh giá cao hiệu quả triển khai các nhiệm vụ mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao của Thành phố Hà Nội.

Đặc biệt, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ biểu dương việc Hà Nội đã đề ra rất nhiều các chính sách có lợi cho người dân – như việc cấp thẻ xe buýt miễn phí cho người trên 60 tuổi. 

Về sự cố ô nhiễm nguồn nước sông Đà vừa qua, Bộ trưởng đánh giá Hà Nội đã vào cuộc quyết liệt, bên cạnh việc điều tra nguyên nhân, TP đã triển khai các biện pháp hỗ trợ, cấp nước miễn phí cho người dân vùng ô nhiễm. 

“Đây có thể nói là phản ứng rất nhanh”, Bộ trưởng  nói và cho rằng, TP đã có những biện pháp xử lý ngay những vấn đề liên quan đến môi trường.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính Phủ Mai Tiến Dũng cũng đề nghị TP Hà Nội với những vấn đề liên quan đến ô nhiễm môi trường, đặc biệt là nước sạch cần phải quan tâm hơn nữa.

Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhắc lại việc Thủ tướng quan tâm đến 4 lĩnh vực còn hạn chế của Hà Nội: Môi trường, trật tự đô thị, ùn tắc giao thông và các dự án trọng điểm.

Từ đó Bộ trưởng đề nghị Hà Nội quan tâm hơn nữa đến các lĩnh vực nêu trên, với các dự án trọng điểm quan tâm đến đôn đốc, giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công...

Bên cạnh đó, thành phố cần tiếp tục triển khai thêm các dịch vụ công trực tuyến, đồng thời nghiên cứu kết nối các dịch vụ này với Cổng dịch vụ công quốc gia – dự kiến sẽ khai trương vào tháng 11 tới...