Đề nghị phạt hành chính tới 2 tỷ đồng

ANTĐ - Chiều 12-10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã xem xét, cho ý kiến vào dự án Luật Xử lý vi phạm hành chính. Theo đó, dự thảo luật đề nghị mức phạt hành chính bằng tiền tối đa lên tới 2 tỷ đồng, cao gấp 4 lần mức hiện hành.

Mức xử phạt vi phạm trong lĩnh vực môi trường được đề xuất tăng 4 lần

Thận trọng khi nâng mức phạt

Về các hình thức xử phạt, dự thảo bổ sung 3 hình thức xử phạt chính mới: buộc lao động phục vụ cộng đồng, tước quyền sử dụng giấy phép, tịch thu tang vật; bổ sung một số biện pháp khắc phục hậu quả do hành vi vi phạm hành chính gây ra. Riêng về hình thức “buộc lao động phục vụ cộng đồng”, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị cân nhắc thêm, vì cho rằng không phù hợp với điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia.

Đáng chú ý, so với Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính, dự thảo đề nghị khung phạt tiền theo hướng tăng mức phạt tối thiểu lên gấp 5 lần và mức tối đa lên gấp 4 lần. Cụ thể, mức phạt tối thiểu được điều chỉnh từ 10 nghìn đồng lên 50 nghìn đồng, mức phạt tối đa được điều chỉnh lên 2 tỷ đồng. Tuy nhiên, mức phạt tối đa 2 tỷ đồng chỉ được áp dụng trong 5 lĩnh vực: quản lý các vùng biển và thềm lục địa; quản lý hạt nhân và chất phóng xạ, năng lượng nguyên tử; quản lý rừng, lâm sản; tiền tệ và ngân hàng, tín dụng, chứng khoán và thị trường chứng khoán; tài nguyên nước, dầu khí và các khoáng sản khác, bảo vệ môi trường, đất đai. 

Chưa đồng tình với đề xuất này, cơ quan thẩm tra cho rằng, việc nâng mức phạt tiền trong dự thảo luật là quá cao so với sự phát triển kinh tế - xã hội, cũng như thu nhập của nhân dân, đồng thời cũng không tương xứng so với mức phạt tiền được quy định trong Bộ luật Hình sự. Chẳng hạn, đối với người có hành vi huỷ hoại rừng sẽ bị toà án tuyên phạt tiền tối đa đến 100 triệu đồng theo Bộ luật Hình sự nhưng cũng hành vi này trong dự thảo luật lại xử phạt tiền tối đa đến 2 tỷ đồng. Do đó, Ủy ban Pháp luật đề nghị làm rõ căn cứ lý luận và thực tiễn để tăng mức phạt tiền cao như dự thảo. Mặt khác, nếu chỉ chú trọng nâng mức xử phạt tiền cao mà không quan tâm các giải pháp khác thì sẽ không đạt được mục đích để giảm vi phạm. Chẳng hạn, với hành vi xây dựng trái phép, chỉ cần phạt cảnh cáo nhưng áp dụng tốt biện pháp “buộc tháo dỡ công trình xây dựng trái phép” sẽ có tác dụng tốt hơn; tránh trường hợp phạt tiền cao nhưng lại “cho tồn tại”.

Hà Nội, TP Hồ Chí Minh: phạt cao gấp đôi

Thêm một điểm mới là dự thảo đề xuất việc áp dụng mức phạt tiền cao hơn đối với cùng một hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông, môi trường và quản lý đô thị tại khu vực nội thành của các thành phố trực thuộc Trung ương. Quy định này xuất phát từ yêu cầu quản lý đô thị ở các thành phố trực thuộc Trung ương - tình hình vi phạm hành chính phổ biến, diễn biến phức tạp và thường gây ra hậu quả lớn do mật độ dân cư cao. Nếu chỉ áp dụng mức xử phạt tiền chung thì không đủ sức răn đe.

Thời gian qua, UBND TP Hà Nội và UBND TP Hồ Chí Minh đã nhiều lần đề nghị Chính phủ ban hành Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với một số loại hành vi vi phạm áp dụng trên địa bàn 2 thành phố đó với mức xử phạt cao hơn so với mức chung. Do đó, dự thảo đưa ra quy định, Chính phủ có thể quy định mức phạt tiền cao hơn nhưng tối đa không quá 2 lần mức phạt chung áp dụng đối với cùng hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông, môi trường và trật tự quản lý đô thị trên cơ sở đề nghị của HĐND cùng cấp.

Nhiều ý kiến trong UBTVQH bày tỏ đồng tình với việc áp dụng mức phạt cao hơn trong một số lĩnh vực ở nội đô các thành phố trực thuộc Trung ương. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Nguyễn Văn Giàu nói: “Phạt tiền phải đồng thời với việc giáo dục pháp luật cho người dân, nâng cao đạo đức công vụ của cán bộ công chức”.

Sáng cùng ngày, UBTVQH cho ý kiến về dự án Luật Khiếu nại và dự án Luật Tố cáo. Liên quan đến dự án Luật Tố cáo, hai vấn đề lớn còn nhiều ý kiến khác nhau đã được Thường trực Ủy ban Pháp luật nêu ra xin ý kiến UBTVQH. Đó là về chủ thể tố cáo và một số hình thức tố cáo mới (bằng thư điện tử, fax, tố cáo bằng lời qua điện thoại...). Cũng qua thảo luận tại phiên họp, UBTVQH nhất trí với phương án mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật Khiếu nại. Theo đó, công dân được quyền khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan, tổ chức hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan, tổ chức đó.