Đề cao ý thức thu hồi vũ khí, vật liệu nổ

ANTĐ - Nguyên nhân ban đầu vụ nổ ở Hà Đông được cơ quan chức năng kết luận liên quan đến vật liệu nổ. Cũng bởi vậy, ý thức tự giác trong hoạt động thu hồi vũ khí, vật liệu nổ càng cần được đề cao. 

Đề cao ý thức thu hồi vũ khí, vật liệu nổ ảnh 1Tan hoang hiện trường vụ nổ ngày 19-3

“Thu hồi vũ khí, vật liệu nổ” là kế hoạch tuyên truyền, vận động liên tục được cơ quan công an triển khai đến tận cấp tổ dân phố, thôn xóm, xã phường. Xuất phát điểm của kế hoạch ấy là bởi hơn ai hết, cơ quan công an ý thức được tính chất đặc biệt nguy hiểm của các loại vật liệu nổ khi nó đang “ẩn náu” trong cộng đồng. Và cũng đặc biệt bởi, nhận thức - kiến thức của nhiều người dân về vật liệu nổ còn hết sức hạn chế. Họ chỉ nhìn thấy nó là đồng, sắt, nhôm, mà không biết được phía trong những vỏ kim loại có thể bán lấy chút tiền ấy là… “tử thần”. 

Thu hồi vũ khí vật liệu nổ được các lực lượng công an tiếp nhận bất kỳ thời điểm nào người dân mang đến nộp. Những cuộc vận động, tuyên truyền và tiếp nhận bền bỉ, thường xuyên này thậm chí có lúc đã phải đánh đổi bằng sức khỏe, tính mạng của các chiến sỹ. Song, vì sự bình yên của người dân, của cộng đồng, công tác tiếp nhận vẫn được triển khai hết sức quyết liệt. Với Công an Hà Nội, riêng trong năm 2015, tại 30 quận, huyện, thị xã đã có 108 khẩu súng các loại (cả súng quân dụng và súng tự chế) được tiếp nhận do người dân tự giác mang nộp. Cùng với đó là 14 quả bom, 18 lựu đạn - mìn, 12 đầu đạn cỡ lớn, hơn 2.000 viên đạn các loại, 45 kíp nổ, gần 100 công cụ hỗ trợ và trên 1.600 vũ khí thô sơ… Sẽ ra sao nếu từng ấy những vũ khí, vật liệu nổ không được Công an Hà Nội vận động giao nộp và cứ thế lặng lẽ…. “sống” trong dân? Không ai có thể hình dung hay  lường được hậu quả hết sức nguy hại ấy.

Đề cao ý thức thu hồi vũ khí, vật liệu nổ ảnh 2Tự giác giao nộp vật liệu nổ đồng nghĩa với việc giảm mối nguy cơ gây sát thương
cho cộng đồng

Từ những con số vũ khí, vật liệu nổ mà Công an Hà Nội thu hồi được và từ vụ việc đặc biệt nghiêm trọng tại khu đô thị Văn Phú mới thấy một thực tế: vẫn có bộ phận không nhỏ cá nhân rất thiếu nhận thức, ý thức về các loại vật liệu nổ. Cứ lâu lâu lại nghe thông tin ở địa phương nào đó có người thiệt mạng vì  “cưa” bom, “mổ” lựu đạn, hay “cạy” mìn nhằm mục đích lấy vỏ kim loại đem bán. Họ nghĩ rằng, sau bao nhiêu năm, những khối kim loại giết người kia đã trở nên vô dụng nên cứ hồn nhiên cất trữ, vận chuyển, kinh doanh. Cho đến một ngày chẳng bình yên, sự cố xảy đến…

Tuyên truyền về sự nguy hiểm của vũ khí, vật liệu nổ “ẩn náu” trong dân là điều mà cơ quan chức năng đã và đang thường xuyên thực hiện. Nhưng bên cạnh đó, công tác kiểm tra, hướng dẫn, cũng cần tích cực, quyết liệt, sâu sát hơn nữa, nhất là với các hộ kinh doanh, mua bán sắt thép, phế liệu. Và phải có chế tài cương quyết đối với trường hợp cố tình “đùa” với “tử thần”.  Ngoài ra, ý thức chủ động, tự giác tìm hiểu, nhận thức từ mỗi người dân cũng phải nâng cao. Dứt khoát không thể tàng trữ, không “đùa” với những vật thể lạ khi ý niệm rằng đó là vật liệu nổ. Phải thông báo ngay đến công an cơ sở và khuyến cáo với những người xung quanh. Một sự cẩn thận đối với vật liệu nổ không chỉ an toàn cho chính bản thân mà còn với những người xung quanh và cả cộng đồng. 

Đừng để có thêm những bài học phải trả bằng máu, bằng thiệt hại vật chất khó đo đếm bởi nhận thức chủ quan, thiếu trách nhiệm với các loại vũ khí, vật liệu nổ.