ĐBQH đề nghị truy trách nhiệm người tiêu dùng nếu biết hàng giả, hàng nhái vẫn dùng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - ĐBQH Đặng Thị Bảo Trinh đề nghị, Luật Bảo vệ người tiêu dùng bên cạnh xử lý trách nhiệm người cung cấp hàng hóa kém chất lượng thì cũng nên xem xét cả trách nhiệm của người tiêu dùng trong một số trường hợp...
ĐBQH Đặng Thị Bảo Trinh góp ý vào dự Luật bảo vệ người tiêu dùng

ĐBQH Đặng Thị Bảo Trinh góp ý vào dự Luật bảo vệ người tiêu dùng

Chiều nay, 10-11, Quốc hội thảo luận về Luật bảo vệ Người tiêu dùng (sửa đổi). Góp ý về dự luật này, đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh (đoàn Quảng Nam) cho biết, khi xảy ra tranh chấp, giữa người bán và người mua trải qua quá trình thương lượng nhưng lại thiếu các quy định rõ ràng, khiến kết quả không đạt như mong muốn.

“Đôi khi, thương lượng lại trở thành cái bẫy cho người tiêu dùng, thậm chí đưa họ vào vòng lao lý. Cần xem xét bổ sung một số quy định quan trọng như trình tự, thủ tục, nguyên tắc thương lượng… vào trong dự thảo” - nữ đại biểu đề nghị.

Đi sâu vào vấn đề bảo vệ người tiêu dùng trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, đại biểu Bảo Trinh cho biết, thực phẩm bẩn, kém chất lượng vẫn tràn lan trên thị trường, đe dọa sức khỏe người tiêu dùng.

Vì thế, người tiêu dùng cần được pháp luật bảo vệ theo hướng tổ chức, cá nhân, sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn, nguyên liệu thực phẩm kém chất lượng phải có trách nhiệm bồi thường cho người tiêu dùng mà không cần minh chứng bằng hậu quả.

Ngược lại, hàng giả, kém chất lượng còn tồn tại có một phần trách nhiệm của cơ quan quản lý, người kinh doanh sản xuất và chính người tiêu dùng khi còn quá dễ dãi với hàng giả, hàng nhái.

Vì vậy, đại biểu Trinh cho rằng, dự thảo luật bên cạnh việc quy định trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh “thực phẩm bẩn” thì cũng cần xem xét cả trách nhiệm người tiêu dùng trong trường hợp xảy ra hậu quả mà xác định được rằng người tiêu dùng có lỗi khi không thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ đã được quy định.

ĐBQH Trần Thị Vân phát biểu thảo luận tại Quốc hội

ĐBQH Trần Thị Vân phát biểu thảo luận tại Quốc hội

Cũng qua thảo luận, một số đại biểu đề cập đến tình trạng quảng cáo, mua bán hàng hóa qua mạng, nhất là các sản phẩm hàng hóa liên quan trực tiếp đến sức khỏe người dân như thuốc chữa bệnh, thực phẩm chức năng… Đặc biệt, tình trạng nghệ sĩ tham gia quảng cáo sai sự thật cũng rất nhức nhối nhưng chế tài xử lý chưa được xây dựng đầy đủ.

Vì thế, các đại biểu đề nghị dự thảo cần quy định hành vi quảng cáo sai sự thật là hành vi cấm, các tổ chức cá nhân, quảng cáo đều phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình.

Đại biểu Trần Thị Vân (đoàn Bắc Ninh) góp ý thêm về việc cần quy định chặt chẽ hơn trách nhiệm bồi thường thiệt hại do sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật gây ra.

Theo bà Vân, khoản 3 Điều 34 quy định rằng, việc bồi thường thiệt hại được thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự, tuy nhiên không phải lúc nào thiệt hại cũng có thể xác định được ngay khi người tiêu dùng sử dụng hàng hóa.

Do vậy, để việc thực hiện bồi thường thiệt hại kịp thời, đại biểu đề nghị cần bổ sung Điều 34 một khoản quy định: phải áp dụng trách nhiệm bồi thường thiệt hại do sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật gây ra cho người tiêu dùng không chỉ khi có thiệt hại thực tế xảy ra, mà ngay cả khi thiệt hại chưa xảy ra trên thực tế.