ĐBQH: Đấu thầu thuốc mà chọn giá rẻ nhất cho trúng thầu chưa chắc đã tốt

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Qua thảo luận, một số đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thẳng thắn chỉ ra, không phải cứ đấu thầu là có tiêu cực, hơn nữa tiêu chí chọn giá rẻ nhất để trúng thầu đôi khi phản tác dụng…
ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan phát biểu thảo luận tổ tại Quốc hội

ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan phát biểu thảo luận tổ tại Quốc hội

Chiều nay, 7-11, Quốc hội tiến hành thảo luận tổ về Luật Giá và Luật Đấu thầu (sửa đổi).

Tại tổ ĐBQH đoàn TP HCM, đại biểu Nguyễn Trí Thức bày tỏ sự quan tâm đến đấu thầu trong lĩnh vực y tế. Theo đại biểu, trong dự luật hiện tại chỉ có các quy định cụ thể về đấu thầu thuốc, còn hai mục lớn trong ngành y là vật tư y tế tiêu hao và trang thiết bị y tế chưa có quy định rõ.

Dù Bộ Y tế đang tổ chức hội nghị lấy ý kiến về xây dựng Luật trang thiết bị y tế, song theo ông Thức, trong giai đoạn này, khi chúng ta đang sửa đổi Luật đấu thầu thì nên có luôn 1 chương riêng để quy định đấu thầu thuốc, vật tư tiêu hao và trang thiết bị y tế.

Cho rằng dễ sinh ra tiêu cực nhất là chỉ định thầu, ông Thức đề nghị trong dự luật sửa đổi lần này nên quy định luật càng chi tiết càng tốt. Trong đó, cần làm rõ các vấn đề về chỉ định thầu như: thế nào là tình huống bất khả kháng, tình huống cấp bách, tổ chức để xác định các tình huống này?... Bởi nếu không làm rõ, các cơ sở y tế sẽ ngại vi phạm và không dám mua, dẫn tới thiếu thuốc.

Cũng liên quan tới quy định đấu thầu trong lĩnh vực y tế, ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan (đoàn TPHCM) cho biết, với đấu thầu thuốc tập trung hiện nay, tiêu chí trúng thầu đầu tiên vẫn là giá rẻ. Tuy nhiên, thuốc là mặt hàng đặc biệt, liên quan trực tiếp tới sức khỏe thậm chí tính mạng con người, nên việc cứ chọn loại rẻ cho trúng thầu thì có thể dẫn tới nguy hiểm.

“Có thể tiêu chí này giúp tiết kiệm 1 đồng hôm nay, nhưng sau đó khi thuốc đến tay người bệnh sử dụng, hiệu quả thấp làm tăng số ngày điều trị, mất niềm tin của người dân. Bác sĩ cũng nản nghề khám chữa bệnh” – ĐB Lan nói.

Đặc biệt, bà Lan nêu rõ, đấu thầu không phải biện pháp duy nhất và không tránh được tiêu cực. “Các bệnh viện tư không tiến hành đấu thầu nhưng các bác sĩ biết thuốc nào phù hợp nhất cho bệnh nhân. Phù hợp nhất ở đây, cũng không đồng nghĩa với giá rẻ nhất” – nữ ĐB dẫn chứng và mong mỏi các bệnh viện công được tự chủ như bệnh viện tư nhân, được phát huy tính chủ động trong mua sắm.