Đầu tư mạnh quân đội, Trung Quốc tham vọng thắng mọi cuộc chiến

ANTĐ -  Một trong những mục tiêu của Trung Quốc là xây dựng quân đội có thể chiến thắng mọi cuộc chiến tranh thông qua lợi thế về công nghệ thông tin vào năm 2050. 

Trong bài báo được đăng trên trang Russian Council vào hôm 16-10, chuyên gia quân sự Vasily Kashin, ở trung tâm phân tích chiến lược và công nghệ tại Moscow cho biết quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) hi vọng có thể hoàn thành dự án 100 chiếc máy bay vận tải vào năm 2020.

Để đạt được mục đích của mình, Trung Quốc sẽ tiến hành mua các phi cơ vận tải chiến lược 4 động cơ Il-76 và phi cơ trở nhiên liệu II-78 từ Nga, Belarus và Ukraine, cùng với kết hợp tự chế tạo máy bay không vận cỡ lớn Xian Y-20.

                  Trung Quốc muốn có phi đội 100 máy bay vận tải vào năm 2020

Theo ông Kashin, công nghệ quốc phòng của Trung Quốc đã đạt được bước tiến lớn trong thời gian qua, quân đội Trung Quốc cũng trở nên tinh nhuệ hơn, đặc biệt lực lượng hải quân đánh bộ có thể chiến đấu trên mọi vùng biển thế giới với sự hỗ trợ từ lực lượng không quân.

Dự án này của Trung Quốc là một phần của chương trình được thiết kế nhằm biến quân đội Trung Quốc thành một lực lượng quân đội hiện đại. Một trong những mục tiêu của Trung Quốc là xây dựng quân đội có thể chiến thắng mọi cuộc chiến tranh thông qua lợi thế về công nghệ thông tin vào năm 2050.

Nhằm thực hiện được điều này, Trung Quốc đã đặt ra chỉ tiêu 60% binh sĩ mới được tuyển mộ phải có bằng đại học, mặc dù, chỉ tiêu này đã giảm xuống chỉ còn 30% vào năm 2009. Để thu hút nhiều binh sĩ nhập ngũ hơn, PLA cũng đã đưa ra các chương trình ưu đãi và bảo hiểm, ví dụ như tăng gấp đôi tiền lương cho binh sĩ lên trung bình 840 USD/tháng trong giai đoạn từ 2006 đến 2011.

Bắc Kinh cũng liên tiếp điều chỉnh cấu trúc của lực lượng vũ trang Trung Quốc, nhằm mục đích thích nghi với những điều kiện ngoại cảnh khác nhau và tối đa hoá hiệu quả hoạt động của quân đội. Lực lượng bộ binh của PLA vào khoảng 1,6 triệu người trên tổng số 2,9 triệu binh lính của tất cả các đơn vị quân đội.

Các công tác tập luyện tác chiến cũng được tập trung hơn vào việc sử dụng các hệ thống đã máy tính hoá nhằm tối ưu hiệu quả hợp tác giữa các đơn vị và điều khiển vũ khí một cách chính xác hơn. Phi công Trung Quốc cũng sẽ phải tăng thời gian tập luyện lên 200 giờ/năm và tập trung vào luyện tập khả năng đưa ra quyết định khi không có sự hỗ trợ từ mặt đất.

Hơn nữa, Trung Quốc cũng đã phát triển những nhà sản xuất và buôn bán vũ khí lớn, nhằm hợp tác và trao đổi công nghệ với những đối tác nước ngoài. Những loại vũ khí và hệ thống tiên tiến của Trung Quốc như xe tăng PLZ-45 đã có khả năng cạnh tranh ở các thị trường như Kuwait, Ả-Rập Xê-Út, Algeria và các nước Trung Đông khác. Các chương trình chế tạo vũ khí chống vệ tinh của Trung Quốc cũng có thể sánh với các nước dẫn đầu thế giới hiện nay.

                                                          Tàu sân bay Liêu Ninh

Trung Quốc là nước thứ 2 trên thế giới sau Mỹ, phát triển hệ thống vũ khí đa năng trên tài chiến. Tàu khu trục Type 052D có khả năng phóng nhiều loại tên lửa cùng lúc như tên lửa hạm đối không, hạm đối hạm và chống tàu ngầm hay tên lửa hành trình với mục tiêu trên đất liền. Ngoài ra, Trung Quốc cũng sẽ là nước đang phát triển cùng lúc 2 loại máy bay tàng hình và cả 2 đều đang được tiến hành bay thử.

Thêm vào đó, Trung Quốc cũng đang đóng mới 5 tàu ngầm hạt nhân Type 094, được trang bị tên lửa đạn đạo xuyên lục địa JL-2. PLA cũng đã triển khai 35 tên lửa di động tầm xa DF-31A, có khả năng mang nhiều đầu đạn.

Về mặt tình báo, phòng ban thứ 4 của Bộ Tổng tham mưu quân đội Trung Quốc được giao 4 nhiệm vụ chính là mở rộng nhân sự, cải thiện sức mạnh công nghệ, thành lập thêm nhiều trung tâm và huấn luyện thêm nhiều chuyên gia máy tính. Liên lạc và tình báo điện tự sẽ được phòng ban thứ 3 của Bộ Tổng tham mưu quân đội Trung Quốc chịu trách nhiệm với tổng nhân sự hiện có là khoảng 130.000 người.

Trung Quốc hiện đã đưa vào sử dụng tàu sân bay đầu tiên có tên Liêu Ninh và đang tiến hành đóng thêm 2 chiếc khác. Trong tương lai, PLA có khả năng sẽ phát triển tàu sân bay được trang bị hệ thống phóng máy bay điện từ để đối đầu với hải quân Mỹ.

Bắc Kinh đã tăng cường hiện đại hoá quân đội trước những căng thẳng gần đây với Mỹ và các đồng minh. Trung Quốc luôn khẳng định chính sách của Mỹ hướng tới châu Á-Thái Bình Dương làm nước này phải tích cực đầu tư vào quân đội.