Đầu tư công: Nguồn lực thì ít nhưng lại dàn trải, còn cơ chế xin - cho

ANTD.VN -Đa số các ĐBQH nêu quan điểm như vậy khi thảo luận tại tổ về kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020; kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2016, kế hoạch năm 2017 diễn ra sáng nay, 22-10.

Tại tổ Hà Nội, ĐB Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, sau gần 5 năm thực hiện tái cơ cấu nên kinh tế, kết quả đạt được đến nay chưa rõ nét, nhiều mục tiêu không đạt. Một trong những nguyên nhân đã được chỉ ra rất đúng là: phân bổ nguồn lực dựa vào cơ chế xin-cho, thiếu đồng bộ trong cơ chế chính sách… Theo ĐB, muốn tái cơ cấu kinh tế đầu tiên phải tái cơ cấu nguồn lực, nhất là cần phát thoát ly triệt để cơ chế xin – cho trong phân bổ nguồn lực.

ĐBQH Ngọ Duy Hiểu thảo luận tại tổ Hà Nội sáng nay, 22-10

ĐB Lê Quân, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội góp ý từ khía cạnh việc đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước ở các doanh nghiệp nhà nước thời gian qua còn chậm và cho rằng phải đẩy nhanh tiến độ này. “Chỉ có tiếp tục thoái vốn đầu tư công khu vực nhà nước thì mới giúp cho các doanh nghiệp tư nhân, các doanh nghiệp nhỏ có cơ hội để bước chân vào sân chơi mà trước các tập đoàn nhà nước chiếm lĩnh” – ĐB Lê Quân nói.

Theo ĐB này, năm 2017 Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP ở mức 6,7% là phù hợp trong bối cảnh chúng ta cần đạt được mức tăng trưởng nhanh. Thế nhưng khi chúng ta đặt mục tiêu tăng trưởng cao thì đồng nghĩa với giải pháp là phải chi cao, đầu tư nhiều, do đó cần phải siết chặt chi tiêu công để tránh dẫn tới khó khăn trong kiểm soát nợ công.

Còn việc Chính phủ đề ra 11 nhóm lĩnh vực ưu tiên đầu tư công trong năm 2017, ĐB Lê Quân cho rằng, cần đầu tư có trọng tâm, trọng điểm để tránh dàn trải, trong đó nên ưu tiên cho đầu tư khoa học công nghệ, nhất là lĩnh vực nông nghiệp, trọng tâm trong nông nghiệp là đẩy mạnh xuất khẩu.

Đồng quan điểm này, ĐB Nguyễn Quốc Hưng, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nêu quan điểm nên chọn một số ngành để tập trung như công nghệ thông tin, nông nghiệp công nghệ cao, du lịch. Phải tạo ngành nghề cơ chế chính sách, phải quan tâm thích đáng.

Đây cũng là quan điểm được ĐB Phạm Quang Thanh, Tổng Giám đốc Tổng công ty Du lịch Hà Nội nhấn mạnh khi cho rằng việc đầu tư dàn trải là nguyên nhân quan trọng khiến hiệu quả đầu tư không cao, nợ nhiều. “Theo tôi nên tập trung vốn đầu tư vào các lĩnh vực đầu tư ít nhưng lợi nhuận cao, mang lại hiệu quả ngay. Chẳng hạn đầu tư cho du lịch ít tốn kém nhưng lợi nhuận lớn, hay công nghệ thông tin đầu tư vào con người cũng vậy. Mặt khác, cũng nên chọn để đầu tư vào các vùng trọng điểm chứ không dàn trải” – ĐB này phân tích.

ĐB Nguyễn Quốc Bình, Chủ tịch Hội đồng thành viên - Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Hanel góp ý thêm: “ ác chuyên gia quốc tế phân tích Việt Nam có 7 lĩnh vực lợi thế. Theo tôi, chúng ta nên tập trung vào 5 lĩnh vực chính: công nghệ thông tin, du lịch, kinh tế biển, logistic (đường không, đường biển, đường bộ) và nông nghiệp”. Ngoài ra, một số ĐB lưu ý, trong tái cơ cấu nên kinh tế nước ta năm 2017 và giai đoạn tới, nên phát huy nội lực, đặc thù của đất nước ta, gắn tái cơ cấu kinh tế với bảo vệ môi trường, sử dụng năng lượng tái tạo, tăng trưởng xanh.

Nói về vấn đề này, ĐB Ngọ Duy Hiểu, Phó trưởng đoàn ĐBQH TP Hà Nội cho rằng, cùng với tái cơ cấu kinh tế, vai trò của quản lý nhà nước cũng nên thay đổi theo hướng không can thiệp quá sâu vào các hoạt động kinh tế.

“Về các thể chế và quy định, nhiều doanh nghiệp phản ánh các chính sách ở mức nghị định, thông tư do các bộ ban hành vừa qua có yếu tố trục lợi, lợi ích nhóm, cái khó thì đẩy cho cấp dưới. Rồi tư duy khi phân bổ nguồn lực vẫn còn dàn trải. Đây là hạn chế cần khắc phục” – ĐB Ngọ Duy Hiểu nói.

Chỉ ra 2 vấn đề đang “bao trùm” hiện nay là “nguồn lực thì ít nhưng lại chuyển đến địa chỉ sử dụng không phù hợp, lựa chọn lĩnh vực và dự án đầu tư chưa chuẩn”, Phó trưởng đoàn ĐBQH Hà Nội đề nghị phải tăng cường xây dựng các tiêu chí và quy trình cụ thể khi lựa chọn dự án đầu tư công. Phải xây dựng chế độ, trách nhiệm với người tham mưu đầu tư không hiệu quả. Phải quan tâm đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng vào khu vực sản xuất, tránh tiền để ngoài dân, bất động sản quá nhiều…