Đâu là nguyên nhân sự cố bất khả kháng "sập sàn" chứng khoán TP.HCM trong 2 ngày?

ANTD.VN - Dù các cơ quan quản lý đã lên tiếng trấn an, dù tâm lý nhà đầu tư đã ổn định trở lại, nhưng sự kiện “sập sàn” HOSE trong 2 ngày vừa qua khiến nhiều người lo ngại về tính an toàn của một thị trường chứng khoán quy mô vốn hóa đã vượt mốc 100 tỷ USD.

Cần có những câu trả lời rõ ràng hơn về sự cố ngừng giao dịch tại Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) trong tuần qua (Ảnh minh họa)

Sự cố bất khả kháng

Trong tuần qua, sự cố “treo” hệ thống xảy ra tại Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) đã khiến giới đầu tư được phen hoảng hốt. Theo đó, vào phiên giao dịch ngày 22-1, lúc 14h31, trong đợt khớp lệnh định kỳ xác định giá đóng cửa đã xảy ra sự cố khiến hệ thống giao dịch không thể khớp lệnh. HOSE đã phải tạm ngừng giao dịch trong vòng 2 ngày để khắc phục sự cố. 

Về nguyên nhân hiện tượng này, HOSE cho biết lỗi phát sinh không phải do hệ thống giao dịch bị tấn công, mà là lỗi trong máy chủ giao dịch. Theo các chuyên gia, sự cố kỹ thuật mà HOSE gặp phải trong tuần qua là hiện tượng bất khả kháng. Thực tế những sự cố khiến sàn giao dịch chứng khoán buộc phải đóng cửa không phải bây giờ mới xảy ra. Cách đây 10 năm, hồi tháng 5-2008, HOSE cũng đã từng phải ngừng giao dịch trong nhiều phiên do sự cố tương tự.

Chuyên gia tài chính, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho biết, ngay cả các nước tiên tiến như ở Mỹ cũng đã từng xảy ra các sự cố kỹ thuật dẫn đến phải đóng cửa sàn giao dịch. Các nước khác cũng đã xảy ra sự cố tương tự. Chuyên gia này cho biết, có 2 lý do khiến các sàn giao dịch buộc phải đóng cửa.

Thứ nhất là trường hợp giá chứng khoán rơi tự do, đến một ngưỡng nào đó các sàn sẽ phải quyết định đóng cửa, nếu không sẽ dẫn đến phản ứng dây chuyền, các nhà đầu tư sẽ bán tháo, gây hỗn loạn trên thị trường. Khi đó, thị trường chứng khoán phải đóng cửa để ổn định tinh thần các nhà đầu tư. Thứ hai là do vấn đề kỹ thuật. “Bất cứ hệ thống công nghệ thông tin nào cũng có những kẽ hở, thiếu sót. Trường hợp của Việt Nam vừa qua thuộc lỗi kỹ thuật”, TS. Nguyễn Trí Hiếu khẳng định.

Khó ước lượng chính xác thiệt hại

Theo các chuyên gia, rất khó ước lượng chính xác thiệt hại của toàn thị trường trong 2 phiên bị ngừng giao dịch vừa qua. Số liệu từ Bloomberg cho thấy, thị trường cổ phiếu niêm yết trên HOSE giao dịch khoảng 319 triệu USD mỗi ngày trong tháng vừa qua. 

Tính toán cho thấy, với mức phí giao dịch trung bình 0,2-0,3% mà các công ty chứng khoán đang thu của nhà đầu tư thì chỉ riêng các công ty chứng khoán đã bị thiệt hại hàng vài chục tỷ đồng mỗi phiên HOSE nghỉ giao dịch.

Đối với các nhà đầu tư, hiện phần lớn nhà đầu tư trên thị trường là nhà đầu tư nhỏ lẻ và sử dụng vay ký quỹ (margin). Những người sử dụng công cụ đòn bẩy tài chính với tỷ lệ lớn sẽ không tránh khỏi bị ảnh hưởng vì áp lực trả lãi suất theo ngày do không thể bán cổ phiếu để thu về tiền mặt. Theo thống kê, tính đến hết quý III-2017, dư nợ margin đã lên đến hơn 36.000 tỷ đồng. Với lượng tiền vay ký quỹ hàng chục nghìn tỷ đồng như thế này, mỗi ngày các nhà đầu tư phải trả số tiền lãi khoảng 15 tỷ đồng.

Đây là những thiệt hại có thể đong đếm được, nhưng theo các chuyên gia, có những thiệt hại không thể đong đếm được, đó là thiệt hại “chi phí cơ hội”. Cụ thể là thiệt hại về cơ hội mua/bán cổ phiếu với mức giá mà nhà đầu tư kỳ vọng nhưng đã không thực hiện được trong phiên giao dịch chiều 22-1 và 2 phiên đóng cửa liền sau. Ngoài ra, sự cố này còn gây thiệt hại về uy tín của thị trường chứng khoán Việt Nam, đặc biệt với các nhà đầu tư nước ngoài mới tham gia hoặc sắp tham gia thị trường.

Theo các luật sư, trong trường hợp một sàn chứng khoán bị “sập”, nếu ở nước ngoài thì nhà đầu tư hoàn toàn có thể kiện các đơn vị tổ chức giao dịch nếu chứng minh được thiệt hại. Đồng tình, TS. Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng hiện ở nước ngoài hay ở Việt Nam thì đều có luật pháp bảo vệ người mua/người bán nếu họ bị thiệt hại và chứng minh được thiệt hại đó.

“Chúng ta có lẽ không thể cứ mãi xử bằng biện pháp hành chính là cơ quan an ninh vào cuộc để bắt người này bồi thường cho người kia, mà phải xử lý bằng pháp lý. Tức là người thiệt hại phải đưa ra các bằng chứng tại tòa án và tòa án sẽ có kết luận. Kênh tòa án có thể sử dụng ở bất cứ nước nào, kể cả Mỹ hay ở Việt Nam”, TS. Nguyễn Trí Hiếu nói. 

Cần có câu trả lời cụ thể

Một điều may mắn trong sự cố lần này tại HOSE là ngay khi mở cửa trở lại sau 2 ngày ngừng giao dịch, dòng tiền đã ồ ạt chảy vào khiến thị trường thăng hoa nhanh chóng. Điều này đã phần nào xoa dịu tâm lý hoang mang, ức chế của nhà đầu tư suốt hơn 2 ngày trước đó.

Tuy nhiên, sự lo lắng thì vẫn còn, bởi đến thời điểm này, câu trả lời về nguyên nhân sự cố vẫn là một từ chung chung “lỗi kỹ thuật”. Nguyên nhân thực sự dẫn đến “lỗi kỹ thuật” này xuất phát từ đâu, chủ quan hay khách quan, có sự tham gia của con người hay không, có ai phải chịu trách nhiệm hay không... thì vẫn chưa có câu trả lời rõ ràng và có thể sự cố sẽ nhanh chóng đi vào quên lãng. Theo các chuyên gia, dù ảnh hưởng của sự cố lần này là ít hay nhiều thì vẫn rất cần một câu trả lời cụ thể, không chỉ để lấy lại niềm tin cho nhà đầu tư mà còn giúp các nhà quản lý và bản thân HOSE sẽ rút ra bài học kinh nghiệm, tránh những sự cố tương tự trong tương lai.

TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, trong trường hợp này cần thiết có một kết luận của một công ty tư vấn độc lập ở nước ngoài hoặc trong nước. Có kết luận cụ thể thì mới xác định được ai là người chịu trách nhiệm, đồng thời cũng rút kinh nghiệm cho hoạt động quản lý trong thời gian tới. Bởi vì sự cố xảy ra vì vấn đề kỹ thuật nhưng cũng không loại trừ từ vấn đề về nhân sự.

Ông Lê Hải Trà, thành viên Hội đồng quản trị Phụ trách Hội đồng quản trị HOSE khẳng định, hệ thống giao dịch hiện tại của HOSE là một hệ thống tốt, có độ ổn định cao, đã từng được sử dụng tại Sở Giao dịch chứng khoán Chicago và Sở Giao dịch chứng khoán Thái Lan trước khi về Việt Nam. “Hệ thống được bảo trì đầy đủ và nhiều lần nâng cấp nhằm đáp ứng nhu cầu tăng trưởng của thị trường. Trên thực tế, trong điều kiện sôi động của thị trường trong thời gian qua cũng như thời điểm xảy ra sự cố phần mềm vừa qua, số lượng lệnh mà hệ thống xử lý mới chỉ khoảng 25% năng lực của hệ thống”, ông Lê Hải Trà cho biết.

Tuy nhiên, theo người đứng đầu HOSE, hạn chế của hệ thống hiện tại nằm ở tính linh hoạt và khả năng mở rộng hơn nữa trong tương lai. Do vậy, HOSE đang là chủ đầu tư, cùng 2 đơn vị thụ hưởng là HNX và VSD, triển khai một dự án công nghệ thông tin hiện đại với nhà thầu là Sở Giao dịch chứng khoán Hàn Quốc (KRX) nhằm thay đổi hoàn toàn nền tảng công nghệ thông tin của thị trường chứng khoán Việt Nam, đáp ứng nhu cầu phát triển ngày càng cao trong tương lai. Ông Lê Hải Trà cho biết, dự án đã hoàn tất giai đoạn thiết kế, sắp đi vào triển khai vật lý và kiểm thử, sẽ đi vào hoạt động trong năm 2019.

“Có 2 lý do khiến các sàn giao dịch buộc phải đóng cửa. Thứ nhất, là trường hợp giá chứng khoán rơi tự do, đến một ngưỡng nào đó các sàn sẽ phải quyết định đóng cửa, nếu không sẽ dẫn đến phản ứng dây chuyền, các nhà đầu tư sẽ bán tháo, gây hỗn loạn trên thị trường. Khi đó, thị trường chứng khoán phải đóng cửa để ổn định tinh thần các nhà đầu tư. Thứ hai là do vấn đề kỹ thuật. Bất cứ hệ thống công nghệ thông tin nào cũng có những kẽ hở, thiếu sót. Trường hợp của Việt Nam vừa qua thuộc lỗi kỹ thuật”.

    TS. Nguyễn Trí Hiếu (Chuyên gia Tài chính - Ngân hàng)