Đấu giá biển kiểm soát đáp ứng nguyện vọng của nhân dân, tránh lãng phí nguồn tài nguyên

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Trao đổi về vấn đề tổ chức đấu giá biển số trong Dự thảo Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ trước Ủy Ban Tư pháp của Quốc hội, Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an khẳng định: “Đây là nguyện vọng của người tham gia giao thông, đã được thảo luận, dư luận góp ý nhiều năm nay. Chúng ta coi biển kiểm soát phương tiện giao thông là nguồn tài nguyên thì hiện nay nguồn tài nguyên này đang bị lãng phí. Chính vì vậy, để đáp ứng nguyện vọng của người dân và tránh lãng phí tài nguyên, việc đấu giá biển kiểm soát phương tiện giao thông được quy định trong Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ sẽ nghiên cứu, bổ sung kỹ hơn, điều chỉnh ở các luật có liên quan để quy định này có tính khả thi”.
Việc đấu giá biển kiểm soát phương tiện giao thông được quy định trong Dự thảo Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ

Việc đấu giá biển kiểm soát phương tiện giao thông được quy định trong Dự thảo Luật Bảo đảm trật tự,

an toàn giao thông đường bộ

Đấu giá biển kiểm soát

Ngược dòng thời gian, câu chuyện đấu giá biển số xe đã được Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an đề xuất từ năm 1993. Thời điểm đó, một số địa phương như Hải Phòng đã tiến hành đấu giá biển số xe, tuy nhiên do dư luận xã hội chưa đồng thuận nên Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu ngừng triển khai thực hiện. Sau đó, các tỉnh như Bình Thuận, Nghệ An là hai địa phương tổ chức đấu giá biển số xe. Số tiền thu được hàng tỷ đồng nộp ngân sách Nhà nước để hỗ trợ cho người nghèo. Tuy nhiên, do thiếu nhiều cơ sở pháp lý, nên cũng đã được tạm dừng hoạt động trên.

Và sau hàng chục năm, câu chuyện đấu giá biển kiểm soát đã đến lúc chín muồi, khi cách đây nhiều năm, Chính phủ có chủ trương giao Bộ Công an phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và một số đơn vị liên quan xây dựng “Đề án cấp biển số xe ô tô thông qua đấu giá”. Đề án trên đã được nâng cao hơn một bước bằng việc Bộ Công an quy định cụ thể trong Dự thảo Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đang được Bộ Công an trình Quốc hội xem xét, thông qua.

Dự thảo Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ quy định 2 hình thức đăng ký biển số. Cụ thể, cấp biển số bằng hình thức ngẫu nhiên trên hệ thống đăng ký, quản lý xe và cấp biển số xe thông qua đấu giá. Cùng với việc cải cách thủ tục hành chính đăng ký xe trực tuyến, đấu giá biển số được xem là bước tiến dài trong công tác phục vụ nhu cầu của nhân dân, đảm bảo lợi ích Nhà nước, đặc biệt tránh lãng phí nguồn tài nguyên nhưng vẫn thực hiện tốt được công tác quản lý phương tiện, con người…

Nhiều năm trước, Cục Cảnh sát giao thông đã đề cập tới công tác này cũng như đánh giá sâu sắc, toàn diện các cách thức, thủ tục để phục vụ cho việc đấu giá được công khai, minh bạch, hiệu quả, đảm bảo tất cả các yếu tố quản lý Nhà nước về con người, phương tiện, nghiệp vụ, cũng như đáp ứng yêu cầu của người dân đối với biển số, đăng ký.

Theo đó, để việc cấp quyền sử dụng biển số xe thông qua đấu giá đảm bảo được công khai, minh bạch và công bằng, tất cả kho số đưa ra đấu giá đều được niêm yết công khai tại nơi đăng ký xe và trên trang đấu giá. Hình thức là đấu giá trực tuyến, góp phần tạo điều kiện cho mọi người dân ở bất kỳ nơi nào cũng có thể tham gia được. Về điều kiện bắt buộc thì mỗi người dân đều phải có một tài khoản, có phương tiện và có đầy đủ hồ sơ hợp lệ. Số tiền thu được từ đấu giá sẽ được nộp vào ngân sách Nhà nước.

Như vậy, người dân hoàn toàn yên tâm về quá trình đấu giá biển số xe và quản lý kinh phí đấu giá biển số được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm công khai, minh bạch, có sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành và địa phương, góp phần cải cách thủ tục hành chính trong công tác đăng ký xe.

Tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong quản lý Nhà nước về trật tự an toàn giao thông. Khi dự thảo Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ được Quốc hội xem xét, thông qua, đồng nghĩa quy định về đấu giá biển số phương tiện có hiệu lực. Những quy định cụ thể về trình tự, thủ tục, cách thức triển khai đấu giá biển số sẽ được Bộ Công an, Cục Cảnh sát giao thông xây dựng, ban hành, thể hiện rõ ràng, chặt chẽ trong các Thông tư, văn bản pháp luật có liên quan.

Việc gì có lợi cho dân, quyết phải làm

Đề cập đến công tác đấu giá biển số, thông tin với phóng viên, Thiếu tướng Nguyễn Văn Trung, Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông cho biết: Theo Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017 thì kho số của biển số xe do Bộ Công an đang sử dụng để đăng ký xe là tài sản công, nhưng Luật Giao thông đường bộ năm 2008 hiện hành quy định cấm mua, bán biển số xe. Dự thảo Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ đã sửa đổi quy định này, theo đó chỉ cấm mua, bán trái phép biển số xe, còn trường hợp mua biển số thông qua đấu giá là hợp pháp. Đồng thời, dự thảo Luật đã quy định cấp biển số thông qua đấu giá là một trong các hình thức cấp biển số xe.

Cũng theo lãnh đạo Cục Cảnh sát giao thông, các Luật chuyên ngành đã cụ thể hóa việc đấu giá biển số xe, đảm bảo biển số xe cơ giới sau đấu giá đảm bảo đầy đủ các quyền về tài sản gồm: quyền sử dụng, quyền chiếm hữu, quyền định đoạt. Bộ Công an thực hiện sớm đấu giá biển số xe đảm bảo công khai, minh bạch, tạo điều kiện cho người dân lựa chọn biển số xe cơ giới theo sở thích để đáp ứng tư tưởng trong sinh hoạt và kinh doanh và gắn trách nhiệm người trúng đấu giá sử dụng biển số đó không đúng quy định.

Chỉ với việc đổi mới từ hình thức đăng ký xe truyền thống sang đăng ký xe trực tuyến, trung bình mỗi năm Nhà nước đã tiết kiệm hàng trăm tỷ đồng. Và khi triển khai đấu giá biển số, số tiền mà Nhà nước thu được từ hoạt động này sẽ vô cùng lớn, có thể lên tới hàng trăm nghìn tỷ đồng mỗi năm, phụ thuộc vào các phiên đấu giá biển số này. Lâu nay, chúng ta vẫn thấy khá nhiều phương tiện có giá trị thấp nhưng vẫn đeo biển số rất đẹp như ngũ quý, tứ quý, thậm chí lục quý.

Cùng với đó, số lượng xe sang, siêu xe đeo biển số siêu đẹp cũng không ít. Tâm lý so sánh cũng như băn khoăn về tính “ngẫu nhiên” của việc bấm biển số siêu đẹp trúng vào siêu xe đã nảy sinh trong suy nghĩ của không ít người dân. Với bất cứ ai, nhu cầu về một biển số theo ý thích, biển số đẹp là một nhu cầu rất đời thường và thực tế. Việc Bộ Công an đưa vào dự thảo Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông nội dung đấu giá biển số không những giải quyết, đáp ứng cho nhu cầu trên, mà còn ngăn chặn tình trạng lãng phí nguồn tài nguyên, đó là chưa kể các vấn đề tiêu cực có thể nảy sinh. Khi đó, quyền lợi, sự công bằng của người dân được đảm bảo, lợi ích của Nhà nước cũng được giữ gìn, không thất thoát, lãng phí, thậm chí bị lợi dụng để trục lợi.

“Theo Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017 thì kho số của biển số xe do Bộ Công an đang sử dụng để đăng ký xe là tài sản công, nhưng Luật Giao thông đường bộ năm 2008 hiện hành quy định cấm mua, bán biển số xe. Dự thảo Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ đã sửa đổi quy định này, theo đó chỉ cấm mua, bán trái phép biển số xe, còn trường hợp mua biển số thông qua đấu giá là hợp pháp. Đồng thời, dự thảo Luật đã quy định cấp biển số thông qua đấu giá là một trong các hình thức cấp biển số xe”.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Trung

(Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an)

“Qua nghiên cứu, đánh giá thực tiễn và khảo sát, chúng tôi nhận thấy việc đấu giá là một nhu cầu thực đối với người dân. Tùy theo quan niệm của từng người, có biển được cho là đẹp với người này, nhưng lại không đẹp với người kia. Tuy nhiên, về định nghĩa biển số đẹp, trong công tác quản lý của cơ quan Nhà nước, chúng tôi đánh giá không có. Biển số xe sinh ra là để phục vụ cho công tác quản lý Nhà nước về an ninh trật tự. Mặc dù vậy, trước nhu cầu của người dân cũng như tăng hiệu quả quản lý Nhà nước, đặc biệt là tăng thu ngân sách từ nguồn tài nguyên trên, việc đấu giá biển số là hết sức quan trọng, được đưa vào dự thảo Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ đã thể hiện được sự chủ động trong công tác nắm tình hình, phục vụ lợi ích của người dân cũng như tạo thêm nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội đất nước”.

Thiếu tướng Lê Xuân Đức

(Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an)

(Còn tiếp)