Đau đầu với vụ “lộ mặt” Prism

ANTĐ - Trong khi chính quyền Mỹ đang điều tra xem vụ tiết lộ chương trình thu thập thông tin của những người sử dụng Internet (gọi tắt là PRISM) có gây thiệt hại cho an ninh quốc gia không thì chương trình này tiếp tục gây tranh cãi không chỉ bên trong nước Mỹ.

Đau đầu với vụ “lộ mặt” Prism ảnh 1
Nói chuyện điện thoại hay gửi thư điện tử từ máy tính đều có thể bị nghe hay xem lén


Chính quyền của Tổng thống Barack Obama ngày 11-6 đã quyết định mở cuộc điều tra nội bộ để đánh giá những tổn thất có thể có do vụ rò rỉ thông tin mật từ Cơ quan An ninh quốc gia (NSA) về chương trình PRISM. Giới chức Mỹ cho biết cuộc điều tra nhằm xem xét vụ tiết lộ chương trình tuyệt mật này có phải là hành vi phạm pháp và gây thiệt hại cho an ninh quốc gia không. 

Trước đó, tờ “Bưu điện Washington” của Mỹ và tờ “Người bảo vệ” của Anh đồng loạt đưa tin NSA đã trực tiếp xâm nhập vào máy chủ của các hãng Internet khổng lồ, trong đó có Microsoft, Google, Facebook và Apple, để kiểm tra các đoạn phim, ảnh, thư điện tử và nhiều tài liệu khác của người dùng Internet khắp thế giới, kể cả của công dân Mỹ. Ngoài ra, tờ “Người bảo vệ” còn tiết lộ thêm rằng, các cơ quan tình báo Mỹ đã yêu cầu nhà cung cấp dịch vụ di động Verizon hàng ngày phải cung cấp cho NSA thông tin về tất cả các cuộc điện thoại trong hệ thống của hãng, cả bên trong nước Mỹ và giữa Mỹ với các nước khác. 

Theo 2 tờ báo hàng đầu của Mỹ và Anh, chương trình này được thực hiện từ năm 2007 và đến nay đã trở thành nguồn cung cấp tin tức chính cho các báo cáo hàng ngày trình Tổng thống Obama. Những thông tin này đã lập tức gây ra tranh cãi và phản đối mạnh mẽ trong người dân Mỹ, cho dù Nhà Trắng khẳng định đây chỉ là công cụ chống khủng bố.

Cho dù các cuộc thăm dò dư luận cho thấy PRISM được gần 50% số người Mỹ được hỏi ý kiến chấp nhận nếu thực hiện một cách có giới hạn song nhiều chính khách vẫn cho rằng những gì được tiết lộ về chương trình này đã làm dấy lên nỗi lo về sự riêng tư của công dân bị xâm phạm. Trong khi đó, các quan chức châu Âu đã yêu cầu Mỹ có câu trả lời về PRISM, đồng thời cũng lên án hành vi thu thập thông tin số của công dân châu lục này của PRISM là “trái phép, không thể chấp nhận được và vi phạm nghiêm trọng các quyền cơ bản”. 

Việc chương trình PRISM tuyệt mật bất ngờ bị phơi bày trên mặt báo đã khiến chính quyền Tổng thống Obama vừa bối rối vừa tức giận. Một quan chức cấp cao chính quyền Mỹ khẳng định PRISM được sự chấp thuận của các cơ quan có thẩm quyền như quốc hội, toà án... và có những quy định chặt chẽ này nhằm giảm thiểu tối đa nguy cơ xảy ra việc thu thập, lưu giữ và phát tán dữ liệu cá nhân của các công dân Mỹ. 

Đồng thời, chính quyền Tổng thống Obama cũng đã quyết định mở cuộc điều tra sau khi Giám đốc Tình báo Quốc gia James Clapper cho rằng tiết lộ về chương trình PRISM đã gây tổn thất khổng lồ cho ngành tình báo Mỹ. 

Trong khi đó, ngày 9-6,  Edward Snowden (29 tuổi, một cựu trợ lý kỹ thuật của Cục Tình báo Trung ương Mỹ - CIA và từng có 4 năm làm việc tại NSA) từ khách sạn Mira ở Hồng Kông đã lên tiếng khẳng định mình là người cung cấp các thông tin nhạy cảm liên quan đến PRISM.

Tuy nhiên, chỉ 1 ngày sau, Snowden đã biến mất khỏi khách sạn Mira ở Hồng Kông nơi có thoả thuận dẫn độ với Mỹ. Các quan chức Mỹ hiện vẫn chưa cho biết liệu Washington có kế hoạch tìm kiếm và dẫn độ Snowden về Mỹ hay không song Bộ Tư pháp Mỹ đã ráo riết tiến hành điều tra vụ rò rỉ chương trình PRISM theo yêu cầu của NSA.