“Đạo văn” - một “bệnh dịch” tràn lan (1)

Đạo luận án tiến sĩ thành luận văn thạc sĩ, bị phát hiện do tình cờ?

ANTD.VN - Sự việc một thạc sĩ bị thu hồi bằng vì phát hiện sao chép nguyên bản luận văn tiến sĩ của cùng một thầy hướng dẫn tại trường ĐH Sư phạm Hà Nội không những không gây sửng sốt mà còn được bình luận như một chuyện hên xui.

Thạc sĩ Trần Văn Hải, cán bộ trường Cao đẳng Cần Thơ đã chính thức bị thu hồi bằng và cho nghỉ việc sau khi phát hiện “đạo văn” 100% từ luận án Tiến sĩ của bà Bùi Thị Thanh Huyền cùng bảo vệ tại trường ĐH Sư phạm Hà Nội. 6 cán bộ tham gia hướng dẫn và đánh giá luận văn này đều bị xử lý kỷ luật.

Tuy nhiên, sự việc nghiêm trọng này lại chỉ được bình luận như hệ quả của sự kém “may mắn”. Lý do vì người ta đã quá quen với nạn sao chép luận văn, luận án trong nước. Đây được coi như chuyện thường ngày, chẳng qua là chưa bị tố cáo, chỉ mặt gọi tên mà thôi.

Đạo luận án tiến sĩ thành luận văn thạc sĩ, bị phát hiện do tình cờ? ảnh 1Sau sự việc trường ĐH Sư phạm Hà Nội đã siết chặt quy trình làm luận văn đối với cả học viên và giảng viên hướng dẫn 

Cảnh tỉnh với cái giá quá đắt 

Trao đổi với phóng viên Báo ANTĐ ngày 16-7, TS. Nguyễn Văn Hiền, Trưởng phòng Hành chính Tổng hợp, trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho biết, sự việc ông Trần Văn Hải, học viên cao học của trường bị phát hiện làm luận văn thạc sĩ bằng cách chép lại luận án Tiến sĩ của bà Bùi Thị Thanh Huyền được bảo vệ trước cùng trong năm 2015 là có thật.

Tên đề tài luận văn bảo vệ của ông Trần Văn Hải là: “Phương pháp thảo luận nhóm trong dạy học những nguyên lý cơ bản của Chủ nghĩa Mác - Lênin về triết học ở trường Cao đẳng Cần Thơ”. Còn tên đề tài luận án của bà Bùi Thị Thanh Huyền chỉ khác ở cụm từ cuối “các trường Đại học Hà Nội”. Đa số nội dung chính của luận văn và luận án hoàn toàn trùng khớp. 

Trước sai phạm này, trường ĐH Sư phạm Hà Nội đã ra Quyết định số 2179 ngày 10-5-2017 về việc không công nhận luận văn thạc sĩ của ông Trần Văn Hải. Ngày 25-5-2017, trường ĐH Sư phạm Hà Nội ra Quyết định số 2871 thu hồi Bằng Thạc sĩ của ông Trần Văn Hải. Được biết, ông Trần Văn Hải cũng đã nộp đơn xin nghỉ việc và được trường Cao đẳng Cần Thơ chấp nhận.

Đối với các cán bộ có liên quan, trường ĐH Sư phạm Hà Nội đã có Thông báo số 305 gửi Ban Chủ nhiệm các khoa Đào tạo sau đại học quyết định dừng việc tham gia hội đồng đánh giá luận văn luận án trong 1 năm (từ 1-7-2017 đến 30-6-2018) đối với các ông: PGS.TS Nguyễn Văn Cư (thuộc trường ĐH Sư phạm Hà Nội); PGS.TS Nguyễn Gia Cầu (thuộc Tạp chí Cựu giáo chức Việt Nam); TS. Phạm Việt Thắng (thuộc trường ĐH Sư phạm Hà Nội); PGS.TS Đào Thị Ngọc Minh (thuộc trường ĐH Sư phạm Hà Nội); TS. Trần Thị Thu Hằng (thuộc Học viện Ngân hàng). 

Riêng với giảng viên hướng dẫn là TS. Đào Đức Doãn, Trưởng khoa Lý luận Chính trị - Giáo dục Công dân của trường ĐH Sư phạm Hà Nội, trường quyết định dừng việc phân công hướng dẫn luận văn luận án và tham gia Hội đồng Đánh giá luận văn luận án trong 1 năm kể từ ngày 1-7-2017 đến 30-6-2018. “Có thể nói đó là quyết định kỷ luật ở mức cao nhất đối với cả học viên lẫn giảng viên hướng dẫn và cán bộ tham gia hội đồng đánh giá luận văn trong trường hợp này. Đây cũng là lần đầu tiên trường ĐH Sư phạm Hà Nội phát hiện và xử lý vi phạm liên quan đến sao chép luận văn thạc sĩ”, TS. Nguyễn Văn Hiền khẳng định.

Liên quan đến sai phạm này, TS. Nguyễn Văn Hiền cho biết, trường ĐH Sư phạm Hà Nội đã quyết định đầu tư phần mềm Turnitin để phát hiện luận văn, luận án sao chép. “Quy trình đối với học viên, giảng viên hướng dẫn đều được quy định lại theo hướng siết chặt. Sau sự việc đáng tiếc trên, chúng tôi hy vọng các mức án kỷ luật cũng như ý thức về trách nhiệm, danh dự sẽ khiến các học viên cũng như cán bộ giảng viên của trường tuân thủ đúng quy định, chấm dứt tình trạng sao chép, “đạo văn” trong quá trình làm bảo vệ tiến sĩ, thạc sĩ tại trường ĐH Sư phạm Hà Nội”, ông Nguyễn Văn Hiền chia sẻ.

Nực cười khi luận văn bị “sao chép” ẩu 

Một thầy giáo có thâm niên trong việc hướng dẫn bảo vệ tiến sĩ, thạc sĩ chia sẻ, chuyện sao chép hay còn gọi là “đạo văn” trong giới học thuật không lạ lẫm gì. Đặc biệt là trong thời đại công nghệ thông tin, chỉ cần thao tác sao chép - dán là có thể hoàn thành luận văn thạc sĩ trong vài ngày, trong khi vốn dĩ phải mất 5-7 tháng.

“Nhiều luận văn này chỉ khác nhau ở mỗi tên địa phương. Đồng nghiệp của tôi chia sẻ, luận văn cao học của học viên do họ hướng dẫn nghiên cứu đặc điểm dân cư ở Bắc Ninh, sau đó được học viên khác chuyển sang Quảng Ninh. Toàn bộ 2 luận văn chỉ khác nhau mỗi từ đầu của hai địa danh: “Bắc” chuyển sang “Quảng”, còn lại thì giống y chang từng chữ, dù là một nơi ở đồng bằng, nơi kia lại ở vùng biển”, PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ, nguyên Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cho biết.

Cũng theo PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ, chuyện sao chép còn gây cười đến mức lời kính thưa thì gửi tới hội đồng đánh giá chuyên ngành Địa lý nhưng lời cảm ơn thì lại gửi tới thầy cô khoa Lịch sử.

Thực tế cho thấy, việc học cao học để lấy bằng thạc sĩ với nhiều người như là một điều kiện phục vụ mục đích bổ nhiệm chức vụ thay vì nghiên cứu, tìm tòi nhằm nâng cao chuyên môn cho bản thân và công việc. Việc vừa đi làm, vừa đi học rồi tiến tới nhờ thi hộ, nhờ làm hộ luận văn hay sao chép tối đa là điều thường thấy trong các khóa đào tạo cao học. Chính vì vậy, đến nay, hành vi “đạo văn” đáng lên án trong các luận án, luận văn thạc sĩ, tiến sĩ đã không còn gây bất ngờ trong dư luận xã hội. Chất lượng thạc sĩ, tiến sĩ “giấy” cũng trở thành vấn đề đau đầu với Bộ GD-ĐT.

“Quy trình đối với học viên, giảng viên hướng dẫn đều được quy định lại theo hướng siết chặt. Sau sự việc đáng tiếc trên, chúng tôi hy vọng các mức án kỷ luật cũng như ý thức về trách nhiệm, danh dự sẽ khiến các học viên cũng như cán bộ giảng viên của trường tuân thủ đúng quy định, chấm dứt tình trạng sao chép, “đạo văn” trong quá trình làm bảo vệ tiến sĩ, thạc sĩ tại trường ĐH Sư phạm Hà Nội”.

TS. Nguyễn Văn Hiền (Trưởng phòng Hành chính Tổng hợp, trường ĐH Sư phạm Hà Nội)

(Còn tiếp)