Đạo diễn Lê Quý Dương mong muốn Festival Ninh Bình trở thành Festival di sản quốc gia và quốc tế

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - "Festival Tràng An kết nối di sản - Ninh Bình năm 2022" với chủ đề "Hoa Lư vang mãi ngàn năm" do UBND tỉnh Ninh Bình tổ chức. Theo kế hoạch, lễ khai mạc Festival sẽ diễn ra vào tối 17-11 tới tại quảng trường Đinh Tiên Hoàng, thành phố Ninh Bình.

Tại chương trình này, nhiều nét di sản đặc trưng của Ninh Bình và các tỉnh, thành khác sẽ lần lượt được giới thiệu theo chủ đề: di sản Ninh Bình, di sản Thăng Long - Hà Nội, di sản vùng Bắc Bộ, di sản vùng Trung Bộ, di sản Tây Nguyên, di sản Nam Bộ...Đảm nhận vai trò tổng đạo diễn lễ khai mạc và lễ hội đường phố là đạo diễn Lê Quý Dương.

Đạo diễn Lê Quý Dương

Đạo diễn Lê Quý Dương

Chia sẻ về vai trò dàn dựng chương trình lần này, đạo diễn Lê Quý Dương cho biết, mảnh đất Ninh Bình "ám ảnh" anh từ năm 2018, khi anh nhận lời mời về khảo sát, nghiên cứu, viết kịch bản và tổng đạo diễn sự kiện lễ kỷ niệm 1050 năm nhà nước Đại Cồ Việt. Anh nhận thấy địa phương này rất phù hợp để tổ chức một Festival di sản văn hóa vì nơi đây có một hệ thống di sản vô cùng phong phú. Bên cạnh đó, mảnh đất này có tiềm năng du lịch rất lớn, từng có tới 3 danh hiệu được UNESCO công nhận với quần thể di sản thế giới Tràng An. Đó là lý do anh vô cùng hào hứng khi quay trở lại nơi đây để dàn dựng "Festival Tràng An kết nối di sản - Ninh Bình 2022".

"Với sự tham gia của 13 tỉnh thành trên khắp cả nước về tham dự, Festival lần này sẽ có 13 tiết mục đặc biệt. Trong quá trình xây dựng kết cấu nội dung và sáng tác hệ thống kịch bản cho các chương trình của Festival, tôi đã chủ động chọn phương pháp tôn trọng và giữ nguyên bản các tiết mục của từng tỉnh thành về tham dự." - đạo diễn Lê Quý Dương tiết lộ.

Cũng theo đạo diễn Lê Quý Dương, tại lễ khai mạc Festival, khán giả sẽ được xem nhiều tiết mục nghệ thuật truyền thống đặc sắc của các địa phương như: trình diễn trống nhảy Kim Sơn (Ninh Bình), múa rối nước Thăng Long (Hà Nội), múa rối cạn (Hải Phòng), quan họ Bắc Ninh… Một trong những điểm nhấn khác của lễ khai mạc là phần trình diễn trang phục dân tộc Việt Nam của 71 người đẹp tham gia vòng chung kết cuộc thi "Hoa hậu Du lịch thế giới 2022" diễn ra tại Việt Nam. Cùng với đó, sâu khấu sẽ được sử dụng nhiều hiệu ứng ánh sáng, màn hình led, pháo kỹ xảo để mang đến sự mãn nhãn cho người xem.

Ninh Bình tổ chức "Festival di sản Tràng An 2022"

Ninh Bình tổ chức "Festival di sản Tràng An 2022"

Còn về lễ hội đường phố diễn ra vào ngày 18-11 tại khu vực Nhà thi đấu thể dục thể thao tỉnh Ninh Bình, đạo diễn Lê Quý Dương cho biết sẽ có 26 đoàn nghệ thuật các tỉnh, thành phố, đoàn "Hoa hậu du lịch thế giới 2022"… tham gia diễu hành. Trong khuôn khổ lễ hội đường phố sẽ có nhiều hoạt động biểu diễn sôi động như: múa rồng, múa lân, biểu diễn cồng chiêng, biểu diễn hoạt cảnh "Cờ lau tập trận", hát xẩm, nghệ thuật trống nhảy, hát múa Ải Lao, khèn Lào…

Nói về việc đưa quảng bá và đưa di sản đến gần với khán giả, đạo diễn Lê Quý Dương bày tỏ, các di tích lịch sử, di sản văn hóa chính là nguồn tài sản quý giá, đây cũng chính là tiềm năng, thế mạnh, là cơ sở, nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội, nhất là phát triển du lịch, văn hóa. Việc chúng ta có thái độ như nào với di sản trong công tác bảo tồn và phát huy di sản đã được những người làm chương trình như anh đưa ra bàn luận rất nhiều. Theo đó, thế giới có 3 cách để ứng xử với di sản. Cách thứ nhất là bảo tồn di sản nguyên gốc ở chính nơi di sản đó được sinh ra. Cách thứ 2 là ứng dụng di sản trong đời sống, đặt di sản đó trong một không gian mới. Ví như, với nghệ thuật múa rối nước, Nhà hát múa rối Thăng Long đã xây dựng nhà thuỷ đình bên trong chính trong nhà hát để giới thiệu tới khách du lịch. Cách thứ 3 là kết hợp các loại hình di sản để sáng tạo trên nền tảng mới.

Đối với "Festival Tràng An kết nối di sản - Ninh Bình 2022", anh chọn phương pháp thứ 2, lấy toàn bộ di sản của các vùng miền đặt trong không gian rộng lớn hơn. Đấy là phương án xuyên suốt được ban tổ chức lựa chọn với mong muốn giá trị di sản của từng tỉnh thành sẽ được tôn trọng nguyên gốc và khi cần thiết được hỗ trợ dàn dựng để thăng hoa hơn giữa một sân khấu rộng lớn.

"Festival Ninh Bình là câu chuyện là kết nối di sản. Kết nối ở đây là từ di sản Tràng An, mời gọi và kết nối những di sản các vùng miền về đây. Rất dung dị, không đao to búa lớn, đây là cuộc chơi của Ninh Bình nên để làm cái gì nó nặng nề thì không nên. Định hướng của Festival này rất rõ ràng, không phải đây là Festival của riêng Ninh Binh để tôn vinh di sản Ninh Bình mà Ninh Bình chỉ là đơn vị đăng cai để kết nối các miền di sản các tỉnh thành, trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng nhau." - đạo diễn Lê Quý Dương bộc bạch.

Đặc biệt, đạo diễn Lê Quý Dương chia sẻ, anh hy vọng Festival này sẽ được tổ chức định kỳ 2 năm một lần, phát triển thành một Festival di sản quốc gia và quốc tế, trở thành thương hiệu văn hóa di sản của quê hương Ninh Bình.

"Festival Tràng An kết nối di sản - Ninh Bình 2022" do UBND tỉnh Ninh Bình tổ chức với 5 hoạt động đặc sắc được diễn ra trong 3 ngày, từ ngày 17 đến 19-11-2022 tại thành phố Ninh Bình gồm: chương trình Khai mạc Festival, triển lãm di sản văn hóa và lịch sử truyền thống, chương trình lễ hội đường phố, chương trình đại nhạc hội di sản văn hóa và âm hưởng hiện đại, lễ bế mạc. Festival năm nay có sự tham gia của 13 tỉnh thành trên địa bàn cả nước. Mỗi tỉnh thành sẽ chọn một loại hình di sản để quảng bá và tiết mục không được quá 5 phút.