Đạo diễn Đức Thịnh: Với điện ảnh, tôi vẫn đang học nghề mà thôi!

ANTD.VN - Trò chuyện với phóng viên Báo An ninh Thủ đô, nghệ sỹ Đức Thịnh tâm sự, làm đạo diễn là niềm say mê của anh, giúp anh tập trung, tự tin và không sợ thất bại. Tuy vậy, đến giờ anh vẫn luôn cho là mình “đang học nghề mà thôi”, bởi vì những bài học về nghề đạo diễn là không giới hạn.

- PV: Đang rất thành công ở lĩnh vực sân khấu, vì sao anh lại chọn ngã rẽ mới là điện ảnh?

 - Đạo diễn Đức Thịnh: Lúc trước, khi chuyển từ sân khấu sang truyền hình, tôi đặt ra mục tiêu trong tương lai mình phải làm phim điện ảnh - vì đó là đam mê của tôi. Việc làm phim truyền hình là một bước đệm quan trọng để tôi tiếp xúc nhiều hơn với phim ảnh, học hỏi và tích lũy thêm kinh nghiệm từ đồng nghiệp. Nhưng nói thật, bản tính tôi từ trước đến giờ hơi rụt rè, làm gì cũng cẩn thận suy nghĩ trước sau nên đôi khi lại hơi “nhát”. Tôi chưa hình dung lúc nào có thể bắt tay vào làm phim nhựa. Vợ tôi luôn ở bên cạnh hun đúc tinh thần. Cô ấy bảo tôi phải mạnh dạn làm điều mình ấp ủ, bắt tay vào làm, có thất bại hay thành công thì mình mới biết sức mình đến đâu. 

Đạo diễn Đức Thịnh: Với điện ảnh, tôi vẫn đang học nghề mà thôi! ảnh 1Một cảnh trong bộ phim “Ma dai” do Đức Thịnh đạo diễn

Được vợ trả lương nhưng về nhà là nộp lại

- Anh đã chuẩn bị cho công việc đạo diễn điện ảnh ra sao?

- Tôi hoạt động trong lĩnh vực sân khấu gần 18 năm và chỉ mới làm quen với phim trường khoảng mấy năm nay. Năm 2012, tôi làm phim truyền hình đầu tay “Làn môi trong mưa” cho Hãng phim truyền hình Việt Nam. Và tôi nhận ra mình có thể làm được công việc này. Tuy vậy, còn nhiều thứ linh tinh mà tôi rất lơ mơ. Trong khi làm việc tôi hỏi các cộng sự của mình. Có người biết tôi gà mờ còn bày trò chọc tôi. Nhưng tôi chẳng bao giờ ngại. Đó là lúc tôi nhận ra mình cũng say mê phim trường không khác gì sân khấu. Và tôi bắt đầu ý thức trang bị cho mình những kiến thức về phim ảnh qua những bộ phim truyền hình. Đến năm 2013, vợ tôi muốn chuyển sang sản xuất phim điện ảnh và giao nhiệm vụ bắt tôi phải làm. Và tôi làm phim đầu tay “Ma dai” cùng với Hoàng Duy, đạt doanh thu 42 tỷ đồng.

- Anh gặp những áp lực gì khi làm phim?

- Áp lực doanh thu phòng vé là rất lớn. Nhưng doanh thu cao hay thấp không phải là lý do để tôi quyết định nên làm phim nhựa. Tôi luôn thích dòng phim hài chiếu rạp, nhưng phải phim hài có chiều sâu. Tác phẩm đầu tay của tôi là hài, lãng mạn, xúc động và có yếu tố... ma. Làm đạo diễn là niềm say mê của tôi. Và chính niềm say mê này khiến tôi tập trung và không sợ thất bại. Tôi luôn tin bản thân mình. Cho đến bây giờ, tôi vẫn luôn cho là mình đang đi học nghề mà thôi. Luôn luôn là như vậy. Bởi vì những bài học về nghề đạo diễn là không giới hạn.

- Đứng ở góc độ người làm phim và nhà sản xuất, nhiều người không tránh khỏi bất đồng quan điểm, trường hợp của vợ chồng anh thế nào?

- Điều đó chắc chắn có. Tôi chưa quen hình ảnh một Thanh Thúy doanh nhân, giám đốc sản xuất. Nhiều lúc tôi cảm thấy rất khó chia sẻ, thậm chí, tôi còn cảm thấy Thúy quá xa lạ với mình. Tuy nhiên, Thúy mong muốn được làm như vậy nên tôi tự nhận thấy mình phải dần thích ứng. Mình phải rạch ròi đâu là vợ chồng, đâu là đồng nghiệp, đối tác. Nhiều người sẽ ngạc nhiên nếu biết rằng tôi được Thúy ký hợp đồng và trả lương cũng giống như bao người khác. Và tôi cũng thương thảo hợp đồng giống như từng làm với các đơn vị sản xuất khác. Tất nhiên cuối cùng, khi về nhà tôi vẫn phải nộp tiền lại cho cô ấy. Thú thực, cho đến bây giờ, tôi vẫn thích Thúy là nghệ sĩ nhiều hơn, thích mỗi ngày làm việc, khi về nhà, cô ấy đều hỏi han về nhân vật của mình.

Đạo diễn Đức Thịnh: Với điện ảnh, tôi vẫn đang học nghề mà thôi! ảnh 2Đạo diễn Đức Thịnh và vợ - diễn viên Thanh Thúy

Trau dồi nhiều điều để bù đắp… ngoại hình

- Đang quá bận rộn với phim chiếu rạp, làm sản xuất, rồi đạo diễn các live show, anh có nghĩ mình sẽ quay trở lại diễn kịch, dựng kịch ở các sân khấu không?

- Chắc chắn là có. Tôi không thể giải thích tại sao, mà chỉ có thể nói sẽ lại làm sân khấu. Tôi không làm kịch nữa, không phải vì tôi hết yêu, mà bởi vì... tôi chưa biết làm cái gì đó mới. 

- Làm việc căng thẳng, những lúc buồn, anh thường giải tỏa bằng cách nào?

- Tôi mê đá bóng. Những lúc đuổi theo trái bóng, tôi quên mọi phiền muộn. Thi thoảng, tôi nghe nhạc hoặc đọc sách chứ không nhậu. Tôi nghĩ, những cuộc nhậu của đàn ông rất vô bổ, toàn nói linh tinh. Tôi là người ít khóc nhưng có những lúc không hiểu vì sao lại khóc. Đôi khi, chỉ nghe ca khúc về mẹ, nước mắt đã rưng rưng hay đang đi ngoài đường, nghĩ về chuyện tình cảm nào đó, cũng có thể khóc. Tôi sợ nhất cảm giác sau khi diễn kịch về, một mình lái xe, thấy trống trải, cô đơn vô cùng.

- Thanh Thúy ngày càng đẹp. Có bao giờ anh cảm thấy sự chênh lệch về hình thức bên ngoài của hai vợ chồng?

 - Đúng là tôi thấy ngày càng lệch. Đôi lúc tôi còn cảm nhận được khán giả nhìn vợ tôi xong quay sang nhìn tôi và... thở dài. Chính vì vậy tôi rất ngại đi cùng vợ tham dự những buổi sự kiện. Tuy nhiên, tôi vẫn ý thức được mình phải chăm sóc bản thân để đừng quá lệch nữa. Đồng thời, tôi trau dồi những điều khác để bù đắp phần thiếu hụt ngoại hình này.

Đức Thịnh vốn là sinh viên khoa Kế toán trường Cao đẳng Kinh tế đối ngoại. Ngày đó, bạn thân của anh là Cao Minh Đạt rủ anh thi chung vào khoa Diễn viên trường Cao đẳng Sân khấu - điện ảnh TP.HCM và cả hai cùng đỗ. Vậy là bỏ ngang nghề kế toán, Đức Thịnh vào học lớp diễn viên. Chỉ đến khi vở kịch ngắn “Phòng trọ ba người” do đạo diễn Lê Bảo Trung dàn dựng bất ngờ gây tiếng vang lớn trong Liên hoan sân khấu hài TP.HCM năm 1998 thì Đức Thịnh mới được biết đến như một diễn viên trẻ triển vọng. Sau này, anh tiếp tục khẳng định mình với vai trò đạo diễn sân khấu. Đang là một đạo diễn triển vọng của sân khấu, Đức Thịnh đột ngột chuyển sang làm phim. Khá bất ngờ là những phim anh đạo diễn như “Ma dai”, “Già gân, mỹ nhân và găng tơ”, “Taxi, em tên gì”, “Siêu sao siêu ngố”… đã gây sốt phòng vé và mang về doanh thu khủng.