Đào cười, người héo

ANTĐ - Dù còn gần nửa tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán, nhưng khắp các vườn đào đã thấy bung nở sắc thắm. Trong khi, nông dân trồng quất cảnh yên tâm đón một cái Tết sung túc thì trái lại, người trồng đào đang héo mòn do gốc thì “cháy đen, gốc đón Tết sớm.

Chưa Tết nhưng khắp các vườn, đào đã nở rộ

Quất phấn khởi được mùa

Những ngày này, đào, quất đã rầm rộ xuống phố đón Tết. Khắp các con phố, những chậu quất vàng ươm, những cành đào nở sớm đã đến với nhiều gia đình. Song, trong khi hàng nghìn người trồng quất mừng vì được mùa thì các hộ trồng đào ở các nơi như Nhật Tân, Phú Thượng, La Cả… lại “khóc” vì thời tiết thất thường. 

Vườn quất Quảng An (Tây Hồ) rực một màu vàng ươm của hàng nghìn gốc quất cảnh, sẵn sàng tung ra thị trường. Hơn 40 hộ trồng quất cảnh truyền thống tại đây đã bắt đầu chào hàng cho Tết Quý Tỵ. Anh Tiến – một chủ vườn quất lâu năm, đang cẩn thận vun từng gốc, tỉa từng cành cho biết: “Quất đẹp là quất thế, có đủ các yếu tố như cả quả chín, quả xanh, lộc vươn cao và có hoa”. Thời tiết rét mướt xem chừng không ảnh hưởng gì nhiều đến vườn quất nhà anh, bởi việc chăm bón cây để ra quả đúng hạn đã được anh cẩn thận xử lý cả năm trời. Hơn chục ngày nữa là Tết, hàng trăm gốc quất cảnh của anh đã sẵn sàng lên chậu, phục vụ người dân.  Không riêng hộ gia đình anh  Tiến, các hộ bên cạnh cũng yên tâm bởi thời tiết không mấy ảnh hưởng đến quất cảnh. 

Giá quất cảnh không hề tăng so với năm ngoái, thậm chí có phần giảm, anh Tiến cho biết. Đoán trước nhu cầu chơi hoa cảnh tiết kiệm, anh Tiến dành hẳn nửa diện tích để trồng quất loại cây bé, phục vụ thú chơi bình dân. Giá quất vì thế dao động lớn, từ 300.000 đồng – 3 triệu đồng/gốc tùy loại. “Trên dưới 1 triệu đồng là đã có một gốc quất ưng ý rồi. Riêng quất thế thì giá thường trên 2 triệu đồng/gốc, nếu thuê quất thì rẻ hơn một chút. Vì kinh tế khó khăn nên năm nay nhiều người thuê quất nhiều hơn là mua đứt cả cây” – anh  Tiến cho hay.

Đào lo dùng làm... củi

Khi người trồng hân hoan vì quất được mùa thì khắp nơi, người trồng đào lại héo hon vì thời tiết thất thường. Nơi nở rộ, nơi không kịp đón Tết vì đợt giá rét kéo dài vừa qua khiến đào “cháy”, không thể bung nụ. Làng đào La Cả - Dương Nội, Hà Đông, cả cánh đồng tràn ngập đào Tết, nhưng hoa đã bung nở rực rỡ. Chị Nguyễn Thị Lựu, ở Đoàn Kết, Dương Nội lo lắng: “Chỉ còn khoảng chục ngày nữa là có thể đem ra chợ, vậy mà năm nay hoa lại nở sớm quá, áp Tết là hoa rụng hết”. Theo chị Lựu, người trồng đào thật khó chiều… “ông trời”, vì cách đây chỉ hơn 1 tuần, bà con ở La Cả, Nhật Tân vẫn còn toát mồ hôi lo chống rét, bọc ủ nilon, mắc bóng điện sưởi ấm cho đào, nhiều vườn đào tưởng “cháy”. Vậy mà sau đợt rét đậm, nhiệt độ lại ấm lên nhanh, cộng với độ ẩm cao làm cả vạn gốc đào ở La Cả, Nhật Tân đua nhau bung nụ, không kìm lại được. “Đào nở sớm thế này chúng tôi thất thu nặng. Cả  năm chỉ trông vào lứa đào Tết thôi” - chị Lựu chia sẻ. Năm ngoái, nhà chị đã thất thu hàng chục triệu đồng vì trời rét đậm, đào nở muộn. 

Nằm kề làng đào La Cả là làng Ngọc Trục thuộc xã Đại Mỗ, huyện Từ Liêm, nơi đang trồng khoảng 80ha đào Tết các loại. Chị Dương Thị Nguyệt, chủ của 2 vườn chuyên đào cành với khoảng 400 gốc, cho biết, hiện vườn của chị đã nở tới 90% hoa, trong khi phải chờ tới tầm 25-26 Tết mới có thể chặt đem ra chợ.  “Tầm đó, có khi tôi đã chặt đào làm củi” - chị Nguyệt thở than. Không chỉ ở làng đào La Cả mà tại nhiều làng đào truyền thống khác như Nhật Tân hay các làng đào ở Bình Giang (Hải Dương), Văn Lâm (Hưng Yên), Tam Điệp (Ninh Bình),... cũng trong cảnh tương tự. Ông Trần Hữu Tiên, chủ một vườn đào rộng hơn 700m2 ở xã Đông Sơn (Tam Điệp-Ninh Bình) cho biết: “Sở dĩ năm nay đào nở quá sớm là do có hai tháng nhuận, nên từ đầu tháng chạp hoa đã nở”. Theo ông  Tiên, không chỉ “đào nhà” mà cả đào rừng, mận ở khu vực Tây Bắc cũng đã nở trắng từ cách đây hơn 1 tháng. Thời tiết thất thường, đến người trồng đào chuyên nghiệp như ông Tiên cũng không có cách gì để cứu vãn vườn đào, tâm huyết cả năm của mình. Thêm vào đó, thị trường đào Tết năm nay cũng trầm lắng, đìu hiu hơn mọi năm.