Đánh chặn ‘nạn’ khai thác cát trái phép: Nước xa khó cứu lửa gần!

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Lợi nhuận “khủng” và tính chất sông nước phức tạp khiến không mấy khi “nạn” khai thác cát trái phép ở địa bàn Hà Nội bớt nóng. Nhiều kế hoạch, phương án đã được xây dựng, triển khai, song một nguyên tắc luôn đúng là: nếu địa bàn ngay tại cơ sở không quản chặt, xử nghiêm; không xác định được rõ ràng trách nhiệm - cơ chế phối hợp, thì cát tặc sẽ khó…nguội!

Tháng 8-2021, câu chuyện – thực trạng cát tặc đã được CATP Hà Nội thẳng thắn nhìn nhận, và cụ thể hóa bằng các quyết định, quy định “Phân công trách nhiệm, quan hệ phối hợp trong công tác phòng ngừa, đấu tranh, xử lý vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự trong hoạt động khai thác, vận chuyển, tập kết bến, bãi, kinh doanh cát, sỏi trên địa bàn TP. Hà Nội”.

Giật mình quy trình liên hoàn khép kín của cát tặc

Thông thường, phát hiện và xử lý cát tặc hay liên quan đến những vụ việc do lực lượng Cảnh sát đường thủy (thuộc Phòng Cảnh sát giao thông), Cảnh sát Môi trường, hay Công an quận, huyện, thị xã đảm trách.

Trung tuần tháng 9 vừa qua, tại địa bàn xã Trung Mầu, huyện Gia Lâm, một vụ việc, hay gọi chính xác, một ổ nhóm, đường dây liên hoàn quy trình bảo kê – chỉ điểm - khai thác – mua bán, đã bị Phòng Cảnh sát hình sự CATP chủ công bóc gỡ. Mà đã là án do Phòng Cảnh sát hình sự nắm bắt, xác lập, dĩ nhiên, tính chất phải phức tạp.

Số đối tượng khai thác, mua bán cát trái phép bị Công an Hà Nội xử lý

Số đối tượng khai thác, mua bán cát trái phép bị Công an Hà Nội xử lý

Ít nhất 3 phương tiện hút và mua bán cát trái phép, với hơn chục con người gồm chủ tàu và thuyền viên, đều xoay quanh 1 cái tên: Lương Văn Hậu (SN 1979). Từ đất Bắc Ninh, Hậu vươn sang địa bàn huyện Gia Lâm, tự “vạch”, “quản” cả đoạn dài sông Đuống để bán cát cho những đối tượng khai thác cát trái phép.

Thông qua hệ thống chân rết, đàn em, Hậu ra giá cho cánh chủ tàu phải trả dao động 30.000 đồng/1m3 cát đen khai thác trái phép. Bù lại, chủ tàu sẽ được đàn em của Hậu hướng dẫn vị trí lòng sông nhiều cát để hút, và được bảo vệ, cảnh giới. Thậm chí, cả nguồn thu mua cát cũng được Hậu sẵn sàng bao tiêu, cò mồi.

Từ tháng 4 đến trung tuần tháng 9-2021, hoạt động đầy đối phó với lực lượng chức năng của đường dây cát tặc liên hoàn này đã thực hiện hàng chục phi vụ hút cát dưới lòng sông Đuống, thu lời bất chính cả tỷ đồng.

Trận đánh kết thúc thành công. Tuyến sông Đuống tạm thời được trả lại sự bình yên. Song trong công tác quản lý, đấu tranh, vụ việc này đã và đang đặt ra nhiều vấn đề cần được giải quyết.

Sông đôi bờ, đánh trận…đừng một phía

Vị trí 3 phương tiện thủy trên sống Đuống bị Cảnh sát hình sự Công an Hà Nội chủ trì bắt quả tang đang khai thác và mua bán cát trái phép hôm trung tuần tháng 9 vừa rồi, nằm trọn tại địa giới xã Trung Mầu, huyện Gia Lâm. Nó cách ranh giới với huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh chừng 120 mét, và dịch sang nữa, là bến đò xã Tri Phương; nơi mà nhiều người dân Trung Mầu về sau kể với chúng tôi, nếu lực lượng Công an hôm đó không tính toán, triển khai linh hoạt, chặt chẽ phương án, phương tiện, thì cát tặc thu vòi hút, dịch chuyển về bên kia sông, là thoát!

Một phương tiện thủy khai thác cát trái phép bị Công an huyện Gia Lâm phát hiện, xử lý sau nhiều ngày đêm trinh sát

Một phương tiện thủy khai thác cát trái phép bị Công an huyện Gia Lâm phát hiện, xử lý sau nhiều ngày đêm trinh sát

Câu hỏi có lẽ ai cũng sẽ đặt ra là: mấy phương tiện thủy to như vậy, khai thác cát trái phép công khai như vậy, sao lực lượng tại chỗ không phát hiện, xử lý kịp thời?

Lý thuyết đúng là như thế, song nếu bắt dễ thì cát tặc bao nhiêu năm qua không nóng mãi như bây giờ. Chỉ huy đội Cảnh sát kinh tế - Công an huyện Gia Lâm chia sẻ, nhiều khi cát tặc…trinh sát lại cả lực lượng Công an. Không chỉ chọn lúc thời tiết xấu nhất (mưa lớn, giông gió…), đêm tối, địa bàn giáp ranh, để hút cát trái phép, cát tặc mỗi khi “tác nghiệp” đều vận hành cả đội quân cảnh giới dọc tuyến sông, nhất là các vị trí mà phương tiện lực lượng chức năng thường neo đỗ. Thế nên những vụ bắt cát tặc thành công tính đến thời điểm này, Công an huyện Gia Lâm phần lớn phải trưng dụng thuyền cá của ngư dân. Mà để vận động có được sự phối hợp ấy, không hề đơn giản.

Giải pháp phòng ngừa mà Công an huyện Gia Lâm chủ động làm được lâu nay, là tham mưu Huyện rà soát, đảm bảo chỉ cho các bãi tập kết vật liệu xây dựng đủ điều kiện mới được phép hoạt động. Cùng với đó, chỉ đạo lực lượng Cảnh sát kinh tế phối hợp với Công an các xã tăng cường điều tra cơ bản, phục vụ công tác phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm có liên quan đến cát tặc.

Một lực lượng được nghĩ đến nhiều hơn, là Cảnh sát đường thủy, thuộc phòng Cảnh sát giao thông. Hiện nay, hơn 200 km các tuyến sông Hồng, sông Đuống, sông Đà do 2 đội Cảnh sát đường thủy số 1 và số 2 đảm trách. Theo tìm hiểu, vị trí trận đánh trên sông Đuống ở xã Trung Mầu, huyện Gia Lâm đêm vừa rồi, cách trụ sở đội Cảnh sát đường thủy số 2 chỉ…vài chục cây số, mạn xã Hồng Vân, huyện Thường Tín.

Với hệ thống hút công suất lớn này, không dòng sông nào có thể "gây khó" cát tặc

Với hệ thống hút công suất lớn này, không dòng sông nào có thể "gây khó" cát tặc

Dĩ nhiên, đội Đường thủy số 2 lâu nay phải chủ động phương án về nhân lực, phương tiện ở các vị trí để đảm bảo khả năng tầm soát tối đa nhất có thể. Nhưng để đánh bắt quả tang cát tặc bằng chính phương tiện được trang cấp, là điều không hề đơn giản. “Thuyền cá của ngư dân chính là phương tiên đắc lực để chúng tôi trưng dụng bắt cát tặc. Nhưng luôn tiềm ẩn rủi ro. Rủi ro sông nước, đêm tối, và rủi ro nếu cát tặc chống đối. Chỉ một cú lắc, huých, tàu cá chắc chẵn gặp nguy…”, Trung tá Nguyễn Văn Hiền – Đội phó đội Cảnh sát đường thủy số 2 chia sẻ.

Âm thầm và quyết liệt là những trận đánh trên sông, thuộc địa bàn đội Cảnh sát đường thủy số 1 quản lý. Chín 9 tháng đầu năm 2021, Đội trực tiếp xử lý 12 phương tiện hoạt động khai thác cát trái phép, phạt thành tiền gần 5,5 tỷ đồng, bàn giao CQĐT khởi tố 2 vụ việc. Đội 1 cũng đã phối hợp cùng các đơn vị chức năng bắt giữ 9 vụ với 41 phương tiện khai thác cát trái phép, sai phép trên các tuyến phụ trách và địa bàn giáp ranh.

Xử lý nhiều là vậy, nhưng vẫn canh cánh! Bởi các tuyến sông Đà, sông Hồng đoạn chảy qua địa bàn các tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc giáp ranh với các huyện Ba Vì, Phúc Thọ, thị xã Sơn Tây hiện có 11 mỏ cát được UBND các tỉnh trên cấp phép khai thác hoạt động. Quá nhiều mỏ cát, thậm chí vị trí các mỏ quá gần nhau đã và đang gây ra những vấn đề phức tạp, chưa kể hoạt động khai thác cát trái phép, sai phép ở khu vực giáp ranh với Hà Nội.

Nhiều năm trước, cơ chế, quy chế giữa Hà Nội với các tỉnh, thành phố giáp ranh đã được triển khai, trong đó quản lý các dòng sông là một trong những điểm nhấn. Chủ trương quá đúng, cấp thiết; nhưng theo thời gian, có cảm giác đang dần giảm đi sự phối hợp ăn ý, sự quyết liệt ở từng địa bàn. Đánh cát tặc như trò chơi đuổi bắt, chỗ này làm quyết liệt, chỗ này thờ ơ, buông lỏng…

“Phân công trách nhiệm, quan hệ phối hợp trong công tác phòng ngừa, đấu tranh, xử lý vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự trong hoạt động khai thác, vận chuyển, tập kết bến, bãi, kinh doanh cát, sỏi trên địa bàn TP. Hà Nội”; nhắc lại lần nữa yêu cầu và tinh thần quyết liệt, rõ người, rõ trách nhiệm trong các quyết định, quy định được CATP Hà Nội triển khai đến các đơn vị, địa bàn từ tháng 8 vừa qua. Nhưng rõ ràng, “nước xa sẽ khó cứu lửa gần”. Khi những trận đánh cứ chỉ diễn ra trên một bờ của dòng sông, cát tặc vẫn sẽ còn cơ hội “sống”…