Đằng sau quyết định “giữ chân” Giám đốc điều hành IMF

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Bà Kristalina Georgieva sẽ vẫn giữ chức Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) sau quyết định của Hội đồng quản trị của tổ chức này vào đầu tuần vừa rồi, bất chấp những cáo buộc về việc làm sai lệch dữ liệu tại Ngân hàng Thế giới để xoa dịu Bắc Kinh năm 2018.

Suy đoán về tương lai của nhà kinh tế học người Bulgaria rộ lên sau cuộc điều tra hồi tháng trước cáo buộc bà Kristalina Georgieva đã chỉ đạo giả mạo dữ liệu trong thời gian làm Giám đốc điều hành của IMF để cải thiện xếp hạng toàn cầu của Trung Quốc. Tuy nhiên, căng thẳng đã được giải tỏa sau khi ban điều hành IMF thông báo rằng, họ hoàn toàn tin tưởng vào “khả năng lãnh đạo và khả năng tiếp tục thực hiện hiệu quả nhiệm vụ của bà Georgieva”.

Bà Kristalina Georgieva vẫn giữ nguyên chức vụ dù xảy ra “lùm xùm” trong thời gian lãnh đạo Ngân hàng Thế giới

Bà Kristalina Georgieva vẫn giữ nguyên chức vụ dù xảy ra “lùm xùm” trong thời gian lãnh đạo Ngân hàng Thế giới

Kristalina Georgieva là ai?

Bà Georgieva trở lại Ngân hàng Thế giới vào năm 2016 sau 6 năm làm việc tại Ủy ban Châu Âu trên cương vị ủy viên ngân sách. Ngân hàng Thế giới là lãnh địa quen thuộc vì bà đã có 17 năm công tác ở đó và vươn lên vị trí Phó Chủ tịch. 3 năm sau khi trở lại Ngân hàng Thế giới, Georgieva được bổ nhiệm làm Giám đốc điều hành IMF, thay thế bà Christine Lagarde, người đã trở thành Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu. Một số nước EU, đứng đầu là Pháp, đã ủng hộ hết mình cho bà Georgieva để đảm bảo một người châu Âu vẫn lãnh đạo IMF trong bối cảnh lo ngại Trung Quốc, Nhật Bản và Singapore có thể cạnh tranh vị trí này.

Theo truyền thống, lãnh đạo IMF thường là một người châu Âu, trong khi Chủ tịch Ngân hàng Thế giới đến từ Mỹ. Ban điều hành IMF thậm chí đã loại bỏ giới hạn độ tuổi 65 đối với vị trí Gám đốc điều hành để bà Georgieva (lúc đó 66 tuổi) có thể nhận được vị trí này. Tuy nhiên mới đây, Ngân hàng Thế giới đã thuê một công ty luật của Mỹ là WilmerHale dẫn đầu cuộc điều tra về các cáo buộc Chủ tịch Jim Yong Kim và Giám đốc điều hành Georgieva đã gây áp lực với các nhân viên tại tổ chức này để tăng xếp hạng của Trung Quốc trong Báo cáo Kinh doanh năm 2018.

Người được EU và Mỹ “chống lưng”

Ban lãnh đạo Ngân hàng Thế giới vào thời điểm đó có nhiệm vụ huy động vốn từ các bên liên quan, trong đó có Trung Quốc, quốc gia đã phàn nàn về xếp hạng năm 2017 được chốt ở vị trí 78. Các quan chức cấp cao của Chính phủ Trung Quốc đã gặp gỡ cán bộ Ngân hàng Thế giới và ăn tối với bà Georgieva để vận động cải thiện xếp hạng cho năm 2018, khi xếp hạng của Trung Quốc giảm xuống 85.

Theo WilmerHale, sau các cuộc tiếp xúc này, mức xếp hạng của Trung Quốc vẫn được giữ ở mức 78 để đảm bảo các nỗ lực huy động vốn của họ sẽ không bị nguy hiểm. Các nhân viên không thể làm trái ý Chủ tịch hoặc Giám đốc điều hành của Ngân hàng Thế giới vì điều đó có thể gây rủi ro cho công việc của họ. Tuy nhiên, bà Georgieva đã nhiều lần phủ nhận những phát hiện của cuộc điều tra. Bà cho rằng, suy luận đưa ra không phù hợp và không đáng tin cậy, ngay cả khi bị hội đồng IMF chất vấn. Dù không liên quan đến cuộc điều tra, Chủ tịch Jim Yong Kim đã từ chức vào đầu năm 2019.

Bất chấp cuộc điều tra, các nhà ngoại giao EU mới đây đã gặp nhau để bàn thảo cách thức ủng hộ nhằm đảm bảo chức vụ cho bà Georgieva. Nhưng số phiếu bầu của châu Âu sẽ không đủ để bà Georgieva tiếp tục giữ vị trí của mình nếu không có sự trợ giúp của Mỹ. Trong bối cảnh chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đang có cách tiếp cận cứng rắn với Bắc Kinh, các thượng nghị sĩ cấp cao của Mỹ được cho là đã viết thư cho ông Biden, kêu gọi ông hối thúc thực hiện trách nhiệm giải trình đầy đủ. Kết quả là, hội đồng quản trị IMF đã tuyên bố rằng cuộc điều tra đã “không chứng minh một cách thuyết phục” về hành vi không đúng đắn của bà Georgieva.