Đắng lòng chuyện "dì út"... "lỡ” có con với ảnh rể

ANTĐ - Không chỉ ở nước ta, nhiều nước trên thế giới, nhất là châu Á cũng có những chuyện trào phúng lấy đề tài “anh rể - em vợ”. Trong thực tế cuộc sống, có không ít những “mối tình”, những sự dan díu giữa anh rể và cô em vợ. Hậu quả của sự dan díu ấy bao giờ cũng rất nặng nề, nhất là khi cô em vợ lại “lỡ” có con với anh rể.

Em vợ là thiên nga

Câu hỏi đặt ra: Tại sao ông anh rể nào cũng yêu thương cô em vợ, em vợ càng nhỏ (dì út) càng được yêu thương nhiều? Câu trả lời khá đơn giản: Bởi vì cô em vợ là em ruột của vợ mình, ít nhiều cũng giống cả hình hài và tính tình với vợ mình. Người chồng nào mà chẳng (hoặc đã từng) hết lòng yêu thương vợ, cho nên anh ta yêu thương cái gần giống vợ (là cô em vợ) là lẽ thường tình, không có gì đáng phải phàn nàn, dị nghị. Câu hỏi tiếp theo được người đời đặt ra: Thế, bà mẹ vợ, chị vợ, thậm chí bà ngoại vợ... cũng “giông giống” vợ, vậy tại sao không yêu thương (hoặc yêu thương ít hơn), mà ông anh rể chỉ yêu thương cô em vợ nhiều nhất? Câu trả lời cũng khá đơn giản: Bởi vì cô em vợ trẻ hơn, xinh đẹp hơn.
Mà tạo hóa đã qui định một điều không ai có thể làm khác: Mọi người (bất kể nam hay nữ) đều yêu thích sự trẻ trung, yêu thích cái đẹp, nhờ vậy mà xã hội loài người mới ngày càng phát triển. Như vậy, chuyện ông anh rể yêu thương, mà lại yêu thương nhiều, cô em vợ là điều hoàn toàn hợp với tự nhiên, không có gì đáng phải ngại ngùng, hay đàm tiếu. Vấn đề là ở chỗ, tình yêu thương đó được thể hiện như thế nào, cô em vợ đừng quên mình là em, không được “tưởng nhầm” mình là người chị. Còn ông anh rể cũng không được “nhìn gà hóa quốc”, thấy cô em vợ xõa tóc dài đứng phơi dưới nắng bên hiên nhà mà cứ ngỡ đó là vợ mình, mặc dù “bà chị” tóc ngắn và đang “nằm cữ” trong buồng ở nhà sau.

Dân gian Việt Nam có câu: “Gả em vợ, nghèo 3 năm”. Hàm ý trong câu này là gì, có nhiều ý kiến lý giải khác nhau, nhưng rõ ràng hai nhân vật chính trong câu trên là “anh rể” và “cô em vợ”, tuồng như ông anh rể không muốn, hoặc ngậm ngùi tiếc nuối khi phải gả cô em vợ đi lấy chồng, nên mới thốt lên “nghèo 3 năm”. Còn tại sao lại tiếc, lại buồn khi cô em vợ đi lấy chồng, có lẽ, mỗi ông anh vợ mỗi tâm trạng khác nhau, không ai giống ai, nên nỗi buồn của mỗi người cũng không giống nhau.

Câu chuyện sau đây của anh V.T.B, một giáo viên ở TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang, đáng để các chàng trai chuẩn bị đi cưới vợ học thuộc nằm lòng. Anh V.T.B và cô bạn gái xinh đẹp của anh ta đã hẹn hò được hơn 1 năm và cả hai quyết định đi đến hôn nhân. Mọi thứ diễn ra tốt đẹp với chàng trai, chỉ có một điều duy nhất làm anh ta phân tâm đó là... cô em gái xinh đẹp của người vợ tương lai. Cô em vợ tương lai của anh ta mới 20 tuổi, hay mặc những chiếc áo bó sát người trẻ trung, hấp dẫn mỗi khi anh rể tương lai đến nhà chơi và có những cử chỉ rất lạ, đôi mắt thì luôn nhìn ông anh rể tương lai dường như muốn gửi đi một thông điệp nào đó. Anh V.T.B không thể không để tâm tới chuyện này bởi vì cô em vợ tương lai của anh ta không bao giờ làm điều tương tự với những người khác. Vào một ngày đẹp trời, cô em vợ tương lai bé bỏng và xinh đẹp của anh V.T.B gọi điện thoại mời anh ta đến nhà để kiểm tra lại giấy mời cho đám cưới của anh V.T.B và người chị trong vài tuần nữa.

Khi anh V.T.B đến, chỉ có mình cô em ở nhà, còn lại mọi người đều bận chuyện đi vắng. Cô gái đến bên người anh rể tương lai và thì thầm với anh ta rằng cô rất yêu anh và không thể cưỡng lại được tình cảm của mình, dù biết rằng anh là chồng sắp cưới của chị. Cô em vợ tương lai nói rằng, cô muốn được gần gũi bên anh V.T.B dù chỉ một lần trong đời trước khi anh làm đám cưới với chị của mình. Anh V.T.B đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác, anh không thể thốt ra được một lời nào và cảm thấy rất lúng túng. Cô em vợ nói tiếp: “Bây giờ em sẽ lên phòng của em trên lầu, em đợi anh trên đó, anh hãy lên đó với em!”.
Thầy giáo V.T.B đứng im như pho tượng và nhìn cô gái quyến rũ đi lên gác. Người anh rể tương lai đứng đó như vậy một lúc rồi quyết định quay lưng, đi dứt khoát ra cửa, tiến đến chiếc xe gắn máy của mình và nổ máy. Bất ngờ, cả gia đình nhà vợ chưa cưới xuất hiện và vỗ tay tán thưởng. Với giọng xúc động, ông già vợ tương lai của anh V.T.B nói: “Gia đình ta rất vui sướng khi con đã vượt qua được bài kiểm tra nhỏ của ta. Ta đã tìm được một người đàn ông tốt và xứng đáng để con gái của ta gửi phận!”.

“Mỡ” treo miệng... “mèo” đói

Cô H.T.L, một phóng viên xinh đẹp của Đài Truyền hình tỉnh L đã từng là ứng viên nặng ký trong một cuộc thi người đẹp trong tỉnh, nhưng phút cuối vì gia đình có việc đột xuất, cô đã bỏ cuộc. Trước khi đi đến hôn nhân, cô đã từng có thời gian sống trong tình yêu đẹp như tiểu thuyết với chàng trai mà sau đó là chồng của cô. Cô L có người em gái tên X nhỏ hơn mình vài tuổi, cũng khá xinh đẹp, tuy không thấm tháp gì với nhan sắc của chị mình. Nếu ngày ấy, ngày mà cô L và người chồng chưa cưới đang yêu nhau say đắm, mà cô em gái tên X có “kiểm tra” ông anh rể tương lai theo cái cách của người thầy giáo V.T.B như đã kể ở trên, chắc hẳn ông anh rể tương lai cũng “đi thẳng ra xe” như thầy giáo V.T.B. Ngày dài tháng rộng rồi cũng trôi qua, những tháng ngày say đắm trước và sau hôn nhân rồi cũng nhường cho sự lo toan khi cô L mang thai, bụng ngày càng to, cô trở nên béo mập, sồ sề, rồi cuối cùng là sinh con. Hai vợ chồng cô L sống riêng, không phụ thuộc cha mẹ hai bên.
Sau một tháng “nằm cữ” ở nhà mẹ ruột, cô L ôm con nhỏ trở về nhà mình để cùng phụ chồng lo cho cửa hàng xe gắn máy. Cô X - em gái của L - mới học xong THPT, thi rớt đại học, chưa biết phải học lại hay kiếm chuyện đi làm, được chị kêu lên phụ việc nhà và trông coi cửa hàng xe gắn máy trong thời gian chị L còn yếu sau khi sanh. Trước kia, cô L “đẹp như hoa hậu”, còn cô em tên X chỉ “thường thường bậc trung”, khi đứng bên chị, cô X chẳng được điểm nào. Còn bây giờ chị đang sinh nở, người béo phì, còn cô X đang độ xuân xanh, nên “tương quan lực lượng” đã thay đổi đáng kể. Khi hai chị em đứng cạnh nhau, chưa chắc ai cao điểm hơn ai, nhất là trong con mắt của ông anh rể đang thời kỳ “mèo đói mỡ”. Cô chị L đã quá tự tin vào sắc đẹp của mình và quá tin tưởng vào người chồng “hoàn hảo”, nên đã vô tình để cho “lửa gần rơm”, cho “mèo đói” tiếp cận được với “miếng mỡ” quá hấp dẫn.

Hết tháng thứ hai, L bắt đầu vào cơ quan để quay những chương trình nhẹ, không phải đi xa, cô giao con nhỏ cho cô em gái X ở nhà trông coi. Chuyện thường tình đã xảy ra: người anh rể trông coi cửa hàng xe gắn máy, thỉnh thoảng nhớ con nhỏ nên xuống nhà sau đòi bế con từ tay của “dì út”. Không biết vô tình hay cố ý, trong một lần nhận đứa bé từ cô em vợ, anh chủ cửa hàng xe gắn máy đã chạm phải bờ vai để trần của cô gái. Và cũng không biết vô tình hay cố ý, người anh rể nhìn thấy lớp lông tơ trên tay cô gái như dựng đứng hết lên, như thể là cô gái vừa bị “điện giật”. Để rồi thêm vài ba lần “vô tình va chạm”, lần sau ở chỗ nhạy cảm hơn lần trước, người anh rể và cô em vợ đã không giữ được mình.

Một lần do kết thúc sớm chương trình quay ở Đài Truyền hình, L vội vã trở về nhà cho con bú khi ngực căng sữa đang làm cô đau nhức. L lấy làm lạ khi mới hơn 3 giờ chiều mà cửa hàng xe gắn máy nhà cô đã đóng cửa. Có lẽ chồng cô bận công chuyện đi đâu đó nên phải ngưng bán sớm, L nghĩ. Cô bấm chuông gọi cô em gái mở cửa. Một lúc lâu sau, cô em gái bối rối bế em bé ra mở cửa cho chị, còn chồng L đang “say rượu” nằm ở trên lầu. Trong đầu L gợn lên một điều mơ hồ, nhưng cô cố gạt nó qua một bên. Thế nhưng, vài tuần sau, cô vô tình phát hiện những biểu hiện khác lạ ở cô em gái, mà một người phụ nữ từng mang thai dễ dàng có thể nhận ra. L vừa dỗ dành, vừa gạn hỏi, cuối cùng, cô em gái tên X đã òa khóc và quỳ xuống chân chị thú nhận mọi chuyện. Cái thai trong bụng cô X đã khá lớn, không cho phép chị em L và gia đình liều lĩnh chối từ nó.

Hậu quả khôn lường

Việc anh rể có con với em vợ, không chỉ làm ảnh hưởng nghiêm trọng hạnh phúc gia đình, mà còn để hậu quả lâu dài, đến cả thế hệ sau. Hậu quả dễ thấy nhất là khi lớn lên, hai “dòng con” ấy khó lòng mà thân thiết nhau, mặc dù chúng có quan hệ huyết thống rất gần. Rất gần! Nhưng không biết phải gọi đó là quan hệ họ hàng ra sao: Anh em một cha khác mẹ (vì có cùng cha), hay “anh em bạn dì” (vì mẹ của chúng là chị em ruột của nhau)? Mỗi khi những đứa con ấy gặp nhau, đều gợi lên trong lòng chúng những câu hỏi không dễ trả lời về nguồn cội, đều gợi lên trong những người lớn câu chuyện đáng xấu hổ về cha mẹ của những đứa bé. Cả một thế hệ của những đứa bé ấy sẽ phải trả giá suốt cả cuộc đời chỉ vì một phút “cao hứng” của người lớn. Đó là còn dễ xử lý, khi các dòng con là “cùng cấp”. Câu chuyện “khác cấp” sau đây mới thật đau lòng, để lại hậu quả lớn hơn rất nhiều.

Ông chủ lò mổ heo ở thành phố T có cô cháu ruột của vợ đến ở nhà phụ chuyện nội chợ để vợ chồng ông lo buôn bán. Không biết “trời xui đất khiến” thế nào mà người vợ phát hiện đứa cháu gái mới hơn 18 tuổi đã mang thai, khi gặng hỏi thì nó khai “tác giả” chính là “dượng Ba”. Gia đình của ông chủ lò mổ tuy trải qua sóng gió “cấp mười mấy” sau đó, nhưng không đến nỗi làm đắm con thuyền hạnh phúc. Thế nhưng, về sau, hai dòng con “khác cấp” (con của dì và con của cháu) mà ông chủ lò mổ đều là cha, chúng không biết phải chào nhau thế nào khi có dịp gặp nhau. Chúng vừa là anh em (vì cùng cha) vừa là cậu và cháu, vì là con của hai người mẹ là dì và cháu của nhau.