Đăng ký khai sinh phải có chữ ký của cha mẹ: Quy định đã có “độ mở”

ANTĐ - Nhằm tránh những rắc rối sau này và tranh chấp về quyền nhân thân, Bộ Tư pháp đã ban hành biểu mẫu tờ khai đối với quy trình đăng ký khai sinh, trong đó bắt buộc phải có chữ ký của cả cha lẫn mẹ. Tuy nhiên, quy định này sau 3 tháng triển khai đã nảy sinh một số bất cập.  

Việc đăng ký khai sinh phải có chữ ký của cha, mẹ gây nên những phiền phức nhất định

Người dân thêm thủ tục

Anh Lê Tiến Thạch (trú ở xã Lê Lợi, huyện Thường Tín, Hà Nội) cho biết, vợ chồng anh vừa sinh con thứ 2. Do hộ khẩu của vợ anh vẫn ở phường Nguyễn Trãi, quận Hà Đông nên anh vừa phải về quê ngoại đăng ký khai sinh cho con. Không như lần đăng ký khai sinh cho đứa con lớn trước đây, lần này anh được cán bộ ở bộ phận “một cửa” phát cho tờ khai, đồng thời yêu cầu về lấy chữ ký của cả mẹ đứa bé. “Cũng may là vợ tôi đang ở nhà ngoại, ngay gần UBND phường nên dễ dàng lấy được chữ ký và kịp trở lại làm giấy khai sinh cho cháu. Ngay chiều cùng ngày, tôi cũng đã nhận được giấy khai sinh của con” - anh Thạch vui mừng. Tuy vậy, anh Thạch vẫn tỏ ra băn khoăn không hiểu vì sao lại có sự thay đổi đó. 

Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Thu - Phó chủ tịch UBND phường Nguyễn Trãi, quận Hà Đông khẳng định, bắt đầu từ ngày 10-7, Thông tư 05/2012/TT-BTP của Bộ Tư pháp (gọi tắt là Thông tư 05) có hiệu lực thi hành nên công tác đăng ký khai sinh có sự thay đổi nhất định. Cụ thể, ở cuối tờ khai, ngoài chữ ký, tên tuổi của người đi khai sinh thì cả cha và mẹ người được khai sinh cùng phải ký tên vào mới đủ các yếu tố để đăng ký khai sinh. Theo bà Nguyễn Thị Thu, đây là nội dung mới so với hoạt động đăng ký khai sinh trước đây. Với quy trình khai sinh cũ thì cha, mẹ hoặc người đi khai sinh cho trẻ chỉ cần mang giấy chứng sinh, giấy đăng ký kết hôn hoặc hộ khẩu đến và ký tên vào sổ theo dõi ở phường là xong. Cũng theo bà Thu, từ khi Thông tư 05 có hiệu lực đến nay, phường Nguyễn Trãi đã cấp giấy khai sinh cho hàng trăm trường hợp và tất cả đều được thực hiện nghiêm theo quy định mới, không có trường hợp ngoại lệ. Việc cả cha lẫn mẹ cùng ký tên vào tờ khai sẽ tránh được những sai sót, rắc rối liên quan đến đứa trẻ sau này, hạn chế việc phải đính chính các thông tin và tránh các tranh chấp về quyền nhân thân.  

Mặc dù vậy, bà Nguyễn Thị Thu Giang - cán bộ Tư pháp, hộ tịch của phường Nguyễn Trãi, Hà Đông vẫn không khỏi lúng túng. Bởi theo bà Giang, đối với trường hợp cha hoặc mẹ người được khai sinh đang ở nước ngoài hoặc lý do đặc biệt mà không thể thực hiện việc ký tên vào tờ khai thì chưa biết sẽ phải xử trí như thế nào. Vị cán bộ phường này cho biết, áp dụng quy trình khai sinh hiện nay, người dân buộc phải thêm “công đoạn” hành chính là đến phường xin tờ khai, rồi mang về điền các thông tin và cha, mẹ cùng ký tên vào. Còn nếu không muốn thêm “công đoạn” đó thì bắt buộc cả cha và mẹ cùng phải đến làm giấy khai sinh cho con. Để ngăn ngừa việc giả mạo chữ ký của cha hoặc mẹ người được khai sinh, cán bộ tư pháp phường còn phải “tỉ mẩn” đối chiếu “bút tích” trong các giấy tờ liên quan. Nếu trường hợp cha hoặc mẹ người được khai sinh vắng mặt tại địa phương, hướng giải quyết là khi đó phường sẽ yêu cầu người đi khai sinh xin xác nhận sự vắng mặt của cha, mẹ đứa trẻ từ tổ dân phố. 

Chỉ mang tính nguyên tắc

Trái với quy trình ở phường Nguyễn Trãi, UBND phường Đức Giang, quận Long Biên lại có cách làm khác. Bà Nguyễn Thị Trang - cán bộ Tư pháp phường này khẳng định, ngoài chữ ký của người đến phường đăng ký khai sinh thì chỉ cần cha hoặc mẹ đứa trẻ ký tên vào tờ khai là đủ. 

Theo lý giải của bà Trang, thực tế rất nhiều trường hợp mẹ đứa trẻ không thể đến phường làm khai sinh cho con được vì đang “ở cữ”, bố thì đi công tác xa, đang ở nước ngoài hoặc đang phải chấp hành án. Vì thế, ông, bà của đứa trẻ thường là những người phải làm việc đó. Nếu phường bắt buộc họ phải có đủ chữ ký của cả cha lẫn mẹ đứa bé thì sẽ rất khó thực hiện. Trong khi đó, quyền khai sinh của công dân vẫn phải được bảo đảm nhanh chóng, kịp thời. Bà Trang cho rằng ngoài chữ ký của người đi khai sinh thì chỉ nên quy định có thêm chữ ký của cha hoặc mẹ đứa trẻ là đủ. Vì nó vừa bảo đảm độ chính xác, thống nhất về tên, tuổi, nhân thân của người được khai sinh, lại vừa tránh được phiền hà, đi lại của người dân. 

Trước những băn khoăn của người dân và lúng túng của cán bộ tư pháp ở cơ sở, ông Nguyễn Công Khanh, Phó vụ trưởng Vụ Hành chính - Tư pháp (Bộ Tư pháp) cho biết, về nguyên tắc tờ khai đăng ký khai sinh phải có cả chữ ký của cả cha và mẹ nhằm đảm bảo họ đã thống nhất về các nội dung khai sinh như: tên, họ (theo họ bố hoặc mẹ) của con; việc chọn quốc tịch cho con (theo quốc tịch của bố hoặc mẹ).

Riêng đối với trường hợp cha, mẹ vì lý do khách quan không thể trực tiếp ký vào tờ khai thì chỉ cần một người ký tên, nhưng người ký phải cam đoan là đã trao đổi và thống nhất về những nội dung khai sinh. Ông Khanh cho biết thêm, hướng dẫn khai sinh cũng đã có “độ mở”. Đó là cha, mẹ có thể ký trước vào tờ khai, không cần chứng thực chữ ký, rồi nhờ người khác đi khai sinh hộ. Người đi khai sinh tự chịu trách nhiệm về tính xác thực chữ ký của cha, mẹ đứa trẻ. Và trường hợp này, bắt buộc người đi khai sinh phải ký tên vào tờ khai.