Đang hoang mang, lo lắng tìm con tự kỷ, bất ngờ nhận tin từ “141”

ANTĐ - Nhìn đứa con trai 10 tuổi đang ăn bánh mỳ ngon lành tại chốt tuần tra 141, chị Thoa như vỡ òa vì đau đớn, vì xót xa và xúc động…

Tối 9/7, tổ công tác Y9/141 – CATP Hà Nội do Thượng úy Nguyễn Hồng Thanh chỉ huy nhận nhiệm vụ cắm chốt tại ngã tư Nguyễn Văn Ngọc – Đào Tấn. Khoảng 20h, phát hiện một bé trai chân đất, lững thững đi bộ trên phố, ánh mắt ngơ ngác như tìm ai đó, cán bộ chiến sỹ của tổ công tác đã đưa cháu về chốt hỏi han. Tuy nhiên, cháu hầu như không nói được, chỉ có hai chữ duy nhất là “tìm mẹ” nhưng cháu nói không rõ, phải chú ý lắm mới hiểu được lời cháu.

Gia đình vui mừng khi tìm thấy Hà Dương


Trong khi tìm cách liên lạc với gia đình thì cháu bé được các cán bộ chiến sỹ trong tổ mua bánh và nước cho ăn uống. Có vẻ rất đói, nên cháu bé ngồi “chén” ngon lành. Vừa cho cháu ăn vừa hỏi chuyện, một chiến sỹ cảnh sát hình sự trong tổ phát hiện sợi dây trên cổ cháu có in tên Hà Dương cùng hai số điện thoại nên đã lập tức liên hệ và người đến đầu tiên là mẹ và cậu ruột của cháu bé.

Cậu ruột của Hà Dương ngồi bên cháu thở phào nhẹ nhõm


Nhìn thấy con đang ăn bánh mỳ ngon lành tại chốt, chị Hoàng Kim Thoa – mẹ cháu bé như vỡ òa vì đau đớn, vì xót xa và xúc động. Chị gạt nước mắt ôm chầm lấy con.

Lúc đó, phóng viên của An ninh Thủ đô cũng có mặt và được nghe chia sẻ của người mẹ có đứa con tự kỷ. Chị Thoa vừa kể vừa khóc: “Chị biết cháu bị tự kỷ từ năm cháu 2 tuổi rồi. Cả khu nhà chị ai cũng biết nên mỗi lần thấy cháu là họ giữ lại gọi cho mình. Nhưng lần này cô giúp việc không giữ được vì cháu rất khỏe. Đã nhiều lần cháu đi lạc rồi cô ạ! Và lần này là lần thứ 3 cháu đi xa như thế này. Hai lần trước gia đình đều tìm thấy cháu ở cơ quan công an, nên lần này cũng báo công an ngay. May quá!...”.

Nói đến đây chị nghẹn lời, ánh mắt vẫn nhìn con đầy xót xa, chị nói tiếp: “Cô cứ lên mạng, tìm tên cháu là ra rất nhiều bài mẹ cháu viết tâm sự, chia sẻ về cháu. Gia đình không giấu bệnh tật gì của cháu hết. Cháu có thể cộng trừ nhân chia rất khá nhưng kiến thức xã hội thì cháu không biết tý gì. Mấy lần cháu đi lạc nên gia đình phải đi làm một sợi dây đeo vào cổ, trên đó có ghi số điện thoại của bố và mẹ cháu để nếu ai có gặp thì còn liên lạc giúp gia đình…  Chị cũng hy vọng những gia đình có con bị khuyết tật như Hà Dương hãy làm theo cách này, đừng ngại ngùng và xấu hổ gì cả, bởi khi không thấy con mới thấy sợ hãi và đau đớn…”.

Lá thư cảm ơn đầy xúc động của chị Thoa


Cũng theo chị Thoa, từ khi biết cháu bị tự kỉ nên gia đình đã cho cháu đi học ở một trung tâm của Đại học sư phạm Hà Nội dành riêng cho trẻ em bị bệnh này. Hàng ngày, Hà Dương được gia đình đưa đi học bằng xe bus. Có lẽ vì thế mà hôm nay cháu cũng lên xe bus đi rồi bị lạc. Khi đi cháu có mang theo chiếc điện thoại iPhone của bố, nhưng không nhớ là đã để đâu mất.

Câu chuyện xúc động này cũng là một bài học đối với các gia đình có con bị khuyết tật, để tránh việc các cháu đi lạc có thể tìm ngay được gia đình thì hãy để lại số điện thoại đeo trên cổ, tay hoặc thêu vào áo của con. Mỗi người dân khi thấy trường hợp các cháu bé đi lạc hãy tìm kiếm trên người, có thể có số điện thoại của gia đình các cháu. Hy vọng Hà Dương có thể sớm chữa khỏi bệnh để đến trường học tập, vui chơi như các bạn cùng trang lứa.