Dân khổ vì sự cố môi trường bất khả kháng

ANTD.VN - Công tác bảo vệ môi trường đã có chuyển biến nhưng tình trạng ô nhiễm tại nhiều địa phương do các hoạt động đầu tư, xây dựng, sản xuất, kinh doanh vẫn diễn ra gây bức xúc trong nhân dân. Đây là vấn đề được ghi nhận trong chuyến công tác thực tế do Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) vừa tổ chức. 

Người dân Quảng Ninh đang hàng ngày hứng chịu ô nhiễm khói bụi để có những “công trình đẳng cấp”

Ngân hàng xin hộ doanh nghiệp gây ô nhiễm

Thông tin với đoàn công tác về tình hình xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường, đại diện Sở TN-MT tỉnh Hải Dương cho biết, từ đầu năm tới nay, qua thanh tra, kiểm tra, Sở đã xử phạt vi phạm hành chính 17 đơn vị với số tiền 1,5 tỷ đồng và kiến nghị nhiều biện pháp nhằm chấn chỉnh. 

Ông Vũ Ngọc Long, Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Hải Dương cho rằng, vì mục tiêu phát triển nên không phải khi nào ngành chức năng cũng áp dụng các biện pháp cứng rắn. “Quy định là quan trắc định kỳ một quý một lần, đến cuối tháng 3 phải thực hiện quan trắc nhưng vì việc nọ, việc kia, doanh nghiệp xin lui lại một vài ngày, tới đầu tháng 4 mới thực hiện. Đúng quy định thì đó cũng là lỗi nhưng với những doanh nghiệp không có nguy cơ gây ô nhiễm lớn thì chúng tôi cho khắc phục thay vì xử phạt”, ông Vũ Ngọc Long nói. 

Cũng theo lãnh đạo Sở TN-MT tỉnh Hải Dương, trên địa bàn thời gian vừa qua xảy ra vụ việc người dân huyện Kinh Môn phản ánh hoạt động của các nhà máy thuộc Công ty TNHH Nhôm Tân Đông, Công ty Cổ phần luyện kim Tân Nguyên gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của nhân dân, đồng thời đề nghị làm rõ nghi vấn chôn lấp chất thải nguy hại của Công ty TNHH Nhôm Tân Đông diễn ra trước đó. Hiện nay, UBND huyện Kinh Môn đã giao cho Công an huyện tiến hành lấy mẫu xác minh, tuy nhiên thông tin chính thức vẫn chưa công bố. 

Liên quan tới vụ việc nêu trên, đại diện Sở TN-MT tỉnh Hải Dương cũng nêu lên một vấn đề mới, đó là trong quá trình xử lý vụ việc, Sở đã nhận được công văn của một số ngân hàng lớn trên địa bàn đề nghị xem xét giải quyết hợp tình, hợp lý đối với sai phạm của doanh nghiệp.

Ngân hàng còn đề nghị cho khắc phục hậu quả để các doanh nghiệp có thể hoạt động trở lại. “Công ty TNHH Nhôm Tân Đông đã ngừng hoạt động và rút hết nhân sự người nước ngoài về nước. Nhà máy gần như bỏ không”, lãnh đạo Sở  TN-MT tỉnh Hải Dương cho biết thêm.

Phải biết sống chung với bụi?!

Tương tự như tại Hải Dương, mâu thuẫn giữa quá trình đầu tư, xây dựng, phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường cũng được ghi nhận trong quá trình làm việc của đoàn công tác với Sở TN-MT tỉnh Quảng Ninh.

Theo ông Phạm Văn Cường - Phó Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Quảng Ninh, với bờ biển trải dài và hàng trăm cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ ven biển có xả thải, ngay sau khi xảy ra sự cố tại Formosa Hà Tĩnh, Sở đã tham mưu cho tỉnh thành lập các đoàn kiểm tra để ngăn ngừa, giảm thiểu việc xả thải gây ô nhiễm môi trường.  

Theo đánh giá của Sở TN-MT tỉnh Quảng Ninh, công tác bảo vệ môi trường đã có chuyển biến, hiện địa bàn tỉnh không có cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng -  do đã được xử lý dứt điểm từ năm 2012. Từ đó đến nay, Sở đã thường xuyên tham mưu, hướng dẫn đôn đốc đối với các cơ sở đã được xử lý.

Đại diện Sở TN-MT tỉnh Quảng Ninh cũng nhìn nhận rõ, bên cạnh tiềm năng về phát triển du lịch, dịch vụ, Quảng Ninh cũng có nhiều tiềm năng về phát triển công nghiệp nặng như khai thác than, nhiệt điện, xi măng, đóng tàu... Những ngành công nghiệp nặng này đã có phát thải ra môi trường và cũng là những ngành tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm. 

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Phó Giám đốc Sở TN-MT Quảng Ninh cũng thừa nhận, tỉnh còn có những hạn chế về công tác quản lý đất đai đô thị, giải phóng mặt bằng; Các nhà máy nhiệt điện, xi măng vẫn để xảy ra ô nhiễm môi trường.

“Một số nhà máy nhiệt điện dùng dầu DO nên phát tán khói đen. Công nghệ là như vậy nên khói đen phát tán ra môi trường không tránh khỏi. Khi rót xi măng xuống tàu hàng bị bục túi lọc bụi hoặc gặp gió to sẽ khó tránh khỏi việc phát tán bụi vào khu dân cư... Những sự cố đó là bất khả kháng”, ông Phạm Văn Cường nêu ví dụ. 

Lãnh đạo Sở TN-MT tỉnh Quảng Ninh cho biết thêm, hiện nay, tốc độ đô thị hóa tại Quảng Ninh rất cao, việc san lấp mặt bằng, thi công các công trình xây dựng diễn ra tại nhiều nơi. Tại các dự án lớn, mặc dù nhà đầu tư cũng đã có biện pháp ngăn ngừa nhưng tình trạng rơi vãi vật liệu gây bụi vẫn diễn ra.

“Không có cách nào dập hết bụi trên đường được. Cần phải chia sẻ, biết sống chung với những hiện tượng đó trong quá trình thi công của chủ đầu tư bởi chúng ta đang rất thiếu hụt những công trình, sản phẩm du lịch đẳng cấp, nhà cao tầng, cảng bến, đường giao thông...”, ông Cường nói.