Đại diện Cục nghiệp vụ Bộ Công an phân tích quy định về sử dụng pháo hoa

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

ANTD.VN -  Nghị định 137/2020/NĐ-CP của Chính phủ vừa ban hành, quy định hướng dẫn về quản lý, sử dụng pháo, đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận.

Tuy nhiên việc sử dụng sẽ phải tuân thủ những điều kiện, quy định đảm bảo an toàn như thế nào? các loại pháo nào được phép sử dụng và công tác quản lý của lực lượng chức năng sẽ được tiến hành chặt chẽ ra sao?...Những vấn đề này đã được Đại tá Vũ Minh Hùng - Trưởng phòng Hướng dẫn quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo (thuộc Cục CS Quản lí hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an) phân tích.

Quy định mới để áp ứng tốt hơn yêu cầu thực tiễn

Đại tá Vũ Minh Hùng cho biết: ngày 15-4-2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 36 quy định về quản lý sử dụng pháo. Trong hơn 10 năm thực hiện Nghị định 36, có thể thấy sự cơ bản đáp ứng được một số vấn đề liên quan đến quản lý, sử dụng pháo. Tuy nhiên, với thực tế tình hình trong giai đoạn phát triển của đất nước thì Nghị định 36 đã không phù hợp với một số quy định của các văn bản quy phạm pháp luật khác...

Các loại pháo mua bán nhập lậu, trôi nổi trên thị trường đều bị cấm

Các loại pháo mua bán nhập lậu, trôi nổi trên thị trường đều bị cấm

Ngày 27-11-2020, Chính phủ đã ký thông qua Nghị định số 137 quy định về quản lý sử dụng pháo. Nghị định này đưa ra một số điểm mới phù hợp với tình hình thực tế trong công tác quản lý nhà nước về pháo và công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm liên quan đến pháo.

Nghị định 137 có quy định về các trường hợp được sử dụng pháo hoa, nhưng hiện tại một số người dân, cơ quan tổ chức còn chưa hiểu và nhận thức rõ về quan niệm pháo hoa ở đây là gì? Đại tá Vũ Minh Hùng nhấn mạnh: Loại pháo hoa ở đây được khẳng định là loại pháo hoa được sản xuất thủ công hoặc công nghiệp nhưng dưới tác động của xung kích thích cơ nhiệt hoặc điện tạo ra các hiệu ứng âm thanh, màu sắc, ánh sáng trong không gian và không có tiếng nổ, tuyệt đối pháo hoa này không có thuốc nổ, không gây nguy hiểm trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe của con người. Loại pháo hoa này trước khi có Nghị định 137 người dân đang sử dụng trong đám cưới, sinh nhật.

Còn loại pháo hoa nổ trước kia gọi là pháo hoa, nay gọi là pháo hoa nổ hay pháo nổ thì dưới tác động của xung kích thích cơ điện nhiệt điện hóa tạo ra tiếng rít, tiếng nổ và tạo hiệu ứng, áng sáng màu sắc trong không gian, pháo này quy định là pháo nổ và tên gọi là pháo hoa nổ, hoàn toàn nghiêm cấm và cấm tuyệt đối người dân sử dụng các loại pháo này. Đơn cử, Công an các địa phương đã bắt giữ nhiều vụ pháo nổ như dàn 24 quả và 36 quả loại nhập lậu phổ biến hiện nay là pháo nổ, nghiêm cấm, cá nhân, tổ chức sử dụng. Nếu sử dụng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Cá nhân nào được phép sử dụng pháo hoa?

Theo Nghị định 137, người dân sử dụng pháo hoa phải “có đầy đủ năng lực hành vi dân sự”, là người từ đủ 18 tuổi trở lên, không bị bệnh tâm thần, không bị Tòa án tuyên mất năng lực hành vi dân sự hoặc tuyên bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.

Trong quy định của Nghị định 137 thì chỉ tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng mới được kinh doanh pháo hoa. Như vậy, người dân chỉ được mua pháo hoa trong tổ chức doanh nghiệp của Bộ Quốc phòng bán ra và được sử dụng trong các ngày lễ, tết, sinh nhật, cưới hỏi hoặc các sự kiện văn hóa nghệ thuật.

Đại tá Vũ Minh Hùng cho hay, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội đang tham mưu cho Bộ Công an có văn bản chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tổ chức quán triệt triển khai Nghị định 137, đồng thời phổ biến quán triệt nội dung mới của Nghị định và tổ chức tuyên truyền cho nhân dân nhận thức rõ và thống nhất về các quy định của pháp luật liên quan đến quản lý pháo đặc biệt để cho người dân nhận thức rõ hiểu thế nào là pháo hoa? pháo hoa là loại pháo gì và được sử dụng như thế nào?

“Theo Nghị định 137, cơ quan có thẩm quyền đã xác định pháo hoa nổ nằm trong pháo nổ vì là một trong loại pháo mà theo quy định Luật Đầu tư, cũng như quy định của Bộ luật Hình sự là hàng cấm và nghiêm cấm tuyệt đối tổ chức, cá nhân sản xuất, chế tạo, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép pháo hoa nổ này. Đây là một trong những điểm rất chặt chẽ và đảm bảo phù hợp với Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017 và Luật Xử lý vi phạm hành chính nhằm quản lý chặt chẽ hoạt động sử dụng pháo hoa, pháo hoa nổ cũng như thực hiện công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm liên quan đến việc mua bán, vận chuyển, tàng trữ, chế tạo sử dụng trái phép pháo hoa nổ”, Đại tá Vũ Minh Hùng nêu rõ.