Đại dịch trở thành bệnh đặc hữu và năm 2022 kinh tế thế giới phục hồi

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Dù dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp trên toàn cầu, nhất là sự xuất hiện của các biến chủng mới nguy hiểm như Delta và mới đây là Omicron, song giới chuyên môn cho rằng đại dịch có thể chấm dứt vào năm tới 2022 khi trở thành một bệnh đặc hữu và điều này sẽ giúp cho kinh tế thế giới phục hồi hoàn toàn, cuộc sống trở lại trạng thái bình thường.
JPMorgan đánh giá đại dịch Covid-19 sẽ chấm dứt và nền kinh tế toàn cầu phục hồi trong năm 2022

JPMorgan đánh giá đại dịch Covid-19 sẽ chấm dứt và nền kinh tế toàn cầu phục hồi trong năm 2022

Tỷ phú Bill Gates dự đoán: Đại dịch sẽ trở thành bệnh đặc hữu

Trong thông báo gửi cho khách hàng mới đây, Trưởng nhóm chiến lược gia thị trường toàn cầu của JPMorgan là Marko Kolanovic đã bày tỏ sự lạc quan vào nền kinh tế toàn cầu trong năm 2022. Vị chuyên gia hàng đầu của ngân hàng lớn nhất nước Mỹ này tin tưởng: “Dự báo của chúng tôi là 2022 sẽ là năm phục hồi toàn cầu hoàn toàn, đại dịch chấm dứt và mọi thứ quay về bình thường như trước khi đại dịch Covid-19 xuất hiện”.

Dự báo về triển vọng kinh tế toàn cầu năm 2022 được cho là một đánh giá lạc quan trong bối cảnh đại dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp sau sự xuất hiện của biến chủng Omicron của virus SARS-CoV-2. Cũng có những nhận định, dự báo bi quan hơn về nền kinh tế thế giới năm tới. Dự báo và đánh giá khác nhau, nhưng nhìn chung đều có chung nhận định rằng, triển vọng kinh tế toàn cầu năm 2022 sẽ phụ thuộc lớn vào tình hình, diễn biến của đại dịch Covid-19.

Trong khi đó, bên cạnh những e ngại và lo lắng về dịch bệnh Covid-19 trong năm tới, cũng có những thông tin, nhìn nhận cho rằng có thể nó sẽ trở thành một bệnh đặc hữu, như cúm mùa và đại dịch sẽ chấm dứt trong năm 2022. Theo các nhà khoa học, dịch bệnh Covid-19 sẽ không còn là đại dịch nữa khi các ca bệnh nằm trong tầm kiểm soát và các bệnh viện không còn quá tải bệnh nhân.

Thực tế thời gian qua cho thấy, ngay cả khi số ca mắc bệnh đang tăng đột biến ở những quốc gia đã dỡ bỏ các hạn chế về đại dịch song vaccine phòng Covid-19 đã giúp ngăn ngừa số ca bệnh nặng phải nhập viện cũng như số trường hợp tử vong. Giới chuyên gia hy vọng rằng, các quốc gia đầu tiên đẩy lùi đại dịch Covid-19 sẽ là những nơi có sự kết hợp giữa tỷ lệ tiêm chủng cao và khả năng miễn dịch tự nhiên từ những người từng mắc bệnh, chẳng hạn như Mỹ, Anh, Bồ Đào Nha hay Ấn Độ...

Trên trang blog cá nhân, tỷ phú Bill Gates dự đoán rằng, “giai đoạn cấp tính” của đại dịch Covid-19 sẽ kết thúc vào năm 2022. Nhà sáng lập Microsoft cho rằng, với tốc độ phát hiện biến thể mới như hiện nay cùng với việc phát triển vaccine và thuốc điều trị, đại dịch Covid-19 sẽ trở thành một bệnh đặc hữu vào năm 2022. Cho rằng sự xuất hiện của biến thể Omicron là “đáng lo ngại”, nhưng vị tỷ phú này cũng cũng cho biết, các nhà khoa học, trong đó có cả các nhóm nghiên cứu với sự tài trợ của quỹ Bill & Melinda Gates Foundation, đang nỗ lực giải mã Omicron và dự kiến sẽ sớm có thêm nhiều thông tin về biến chủng này.

Tiến sĩ Stephen Parodi, chuyên gia đảm trách về bệnh truyền nhiễm thuộc Viện nghiên cứu y tế Kaiser Permanente (Mỹ) cho rằng, có thể giải quyết dịch bệnh Covid-19 khi nó trở thành bệnh đặc hữu giống như đã từng xử lý với bệnh cúm mùa, một số trường hợp có thể bùng phát trong mùa đông, vì thế cần sẵn sàng chuẩn bị nguồn lực để xử lý tình huống đó. Theo Tiến sĩ Stephen Parodi, cần xác định rõ khả năng công suất giường của đơn vị hồi sức tích cực (ICU), chuỗi cung ứng dịch vụ chăm sóc cho bệnh nhân, dự trù thuốc và nhiều hoạt động khác để có thể đạt được mục tiêu kiểm soát thành công đại dịch Covid-19.

Cùng hợp tác vì sự phục hồi kinh tế

Ngân hàng JPMorgan cho rằng, vaccine phòng Covid-19 và các phương pháp điều trị mới sẽ giúp dập dần đại dịch và dẫn đến sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ theo chu kỳ, hoạt động di chuyển sôi động trở lại và sự giải phóng nhu cầu bị dồn nén của người tiêu dùng. Điều này sẽ được thể hiện bởi sự trở lại của hoạt động đi lại và tiêu dùng, chi tiêu kinh doanh.

Tuy lạc quan về triển vọng phục hồi kinh tế toàn cầu trong năm tới trong bối cảnh kiểm soát hiệu quả đại dịch Covid-19, song JPMorgan cảnh báo vẫn còn nhiều thách thức phía trước, trong đó có việc các ngân hàng trung ương trên toàn cầu rút chính sách kích thích, thắt chặt chính sách tiền tệ. Nhiều rủi ro khác được JPMorgan liệt kê gồm căng thẳng địa chính trị tại châu Âu và châu Á, bất ổn về lạm phát, cuộc khủng hoảng năng lượng tiềm tàng, giá dầu tăng cao…

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng chia sẻ nhận định về sự phục hồi của nền kinh tế thế giới sau đại dịch Covid-19, nhưng có đánh giá thận trọng hơn trước những diễn biến phức tạp mới của dịch bệnh. Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva trong phát biểu tại đối thoại bàn tròn “1+6” lần thứ 6 với những người đứng đầu các tổ chức kinh tế quốc tế lớn ngày 6-12 vừa qua đã kêu gọi hợp tác toàn cầu để kiểm soát đại dịch Covid-19 và hỗ trợ phục hồi kinh tế trong bối cảnh biến thể mới Omicron của virus SARS-CoV-2 được đánh giá là có khả năng dễ lây lan đã lan rộng hàng chục quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Định chế tài chính hàng đầu thế giới này cho rằng, nền kinh tế toàn cầu tiếp tục phục hồi, nhưng phải đối mặt với nhiều rủi ro, trong đó có diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 trong bối cảnh nhiều biến thể mới xuất hiện và nguy cơ lạm phát gia tăng. Để giải quyết những thách thức trên, theo người đứng đầu IMF, các nước cần thực thi hành động chính sách khẩn cấp để kiểm soát đại dịch, hạn chế tác động tiêu cực và chuyển đổi nền kinh tế toàn cầu.

Bên cạnh đó, Tổng Giám đốc IMF nhấn mạnh tới 4 lĩnh vực hợp tác toàn cầu, gồm khẩn trương hành động để đạt mục tiêu của IMF về tỷ lệ bao phủ tiêm chủng 40% dân số ở mỗi quốc gia vào cuối năm nay và 70% dân số vào giữa năm 2022; hợp tác để giảm căng thẳng thương mại và củng cố hệ thống thương mại đa phương; đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang trung hòa carbon và hỗ trợ các nỗ lực thích ứng với khí hậu; hỗ trợ quá trình phục hồi của các nền kinh tế đang phát triển.

Là một diễn đàn hợp tác kinh tế lớn bậc nhất thế giới, các nhà lãnh đạo thành viên APEC tại Hội nghị cấp cao hồi tháng 11 vừa qua đã khẳng định quyết tâm sử dụng tất cả các công cụ kinh tế vĩ mô hiện có để giải quyết các hậu quả bất lợi của đại dịch Covid-19, duy trì sự phục hồi kinh tế, đồng thời duy trì tính bền vững tài khóa dài hạn. Các nhà lãnh đạo APEC cam kết thúc đẩy sản xuất và cung cấp vaccine phòng Covid-19 thông qua chuyển giao công nghệ; tăng cường hợp tác trong việc xét nghiệm Covid-19 và hộ chiếu vaccine khi mở cửa trở lại biên giới quốc gia và việc đi lại của người dân giữa các nước tăng lên.