Đại dịch Covid-19 làm đảo lộn trật tự bầu cử Tổng thống Mỹ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

ANTD.VN - Lợi ích kinh tế sát sườn hay ưu tiên chăm sóc y tế đang trở nên đặc biệt quan trọng giữa lúc dịch bệnh hoành hành, sự lựa chọn của cử tri Mỹ sẽ quyết định ai là Tổng thống tiếp theo của họ.

Bầu cử mùa Covid-19

Cuộc bầu cử năm 2020 diễn ra khi nước Mỹ đang ở trong hoàn cảnh rất đặc biệt, có lẽ chưa từng có. Đó là một cuộc khủng hoảng đa chiều, bắt nguồn từ dịch bệnh Covid-19. Đại dịch và đại phong tỏa gây ra khủng hoảng về y tế, dẫn đến khủng hoảng kinh tế và xã hội. Ngoài ra, còn có những khủng hoảng vốn có trong lòng nước Mỹ, bao gồm vấn đề phân hóa chính trị và phân biệt chủng tộc.

Cử tri Mỹ trước bầu cử thường coi trọng vấn đề kinh tế. Ứng viên nào có thể mang lại lợi ích kinh tế, phúc lợi xã hội và công ăn việc làm sẽ có cơ hội lớn hơn. Nhưng đại dịch đã làm đảo lộn tất cả. Nhìn lại những thăm dò dư luận từ khi quá trình tranh cử bắt đầu từ nửa sau của năm 2019, rõ ràng các kết quả kinh tế cộng thêm những câu chuyện dân túy như nhập cư, làm cho Mỹ vĩ đại trở lại, chính sách đối ngoại... dường như đương kim Tổng thống Donald Trump chiếm ưu thế. Nhưng từ khi có đại dịch, nhất là từ tháng 3-2020, mọi thứ đảo chiều, dần nghiêng về cựu Phó Tổng thống Joe Biden. Các thăm dò dư luận sau đó cho thấy ông Joe Biden dẫn liên tục, khoảng cách dẫn khoảng 10 điểm (52% - 42%, 53% - 43%). Kể cả ở những bang mà cử tri Mỹ còn do dự, ông Joe Biden cũng đang dẫn trước.

Ngày 3-11-2020, cử tri Mỹ trên toàn quốc sẽ tham gia bỏ phiếu bầu bộ máy lãnh đạo đất nước. Cụ thể trong cuộc tổng tuyển cử này, cử tri Mỹ sẽ bầu Tổng thống và Phó Tổng thống, toàn bộ 435 ghế tại Hạ viện, 35/100 ghế tại Thượng viện, 11 vị trí Thống đốc bang cùng khoảng 5.000 ghế trong các cơ quan lập pháp cấp bang trên toàn quốc.

Trước “giờ G”, các kết quả thăm dò đều cho thấy một chiều hướng chung là thế trận đang nghiêng về cựu Phó Tổng thống Joe Biden và kịch bản ông Donald Trump có thể phải rời khỏi Nhà Trắng. Thế nhưng, sẽ rất liều lĩnh khi dự đoán thắng - thua trong “trận chung kết” diễn ra ngày 3-11 bởi ông Donald Trump có thể “lật ngược thế cờ” bất cứ lúc nào, tương tự như những gì ông đã làm được cách đây 4 năm. Lợi ích kinh tế sát sườn hay ưu tiên chăm sóc y tế đang trở nên đặc biệt quan trọng giữa lúc dịch bệnh hoành hành, sự lựa chọn của cử tri Mỹ sẽ quyết định ai là Tổng thống tiếp theo của họ.

Cử tri bỏ phiếu sớm đông kỷ lục

Một điểm đáng chú ý của cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020 là số cử tri đi bỏ phiếu sớm đông kỷ lục. Tính đến ngày 2-11, đã có hơn 90 triệu cử tri Mỹ đã hoàn thành nghĩa vụ công dân trước ngày bầu cử. Con số này tương đương 66% tổng số phiếu bầu của cuộc bầu cử năm 2016, cũng là mức cao kỷ lục trong hơn 1 thế kỷ qua.

Những cử tri Mỹ bỏ phiếu sớm đa phần là những người e ngại với đại dịch Covid-19, tránh nhiễm virus Corona tại các trạm bỏ phiếu đông người vào ngày bầu cử (3-11). Năm nay, tỉ lệ người bỏ phiếu qua bưu điện cũng rất cao, gây ra nhiều khó khăn cho giới chức phụ trách bầu cử do chưa quen phải xử lý số lượng lớn phiếu bầu qua bưu điện, và cũng không có sẵn các hệ thống để hoàn thành việc kiểm phiếu ngay trong đêm bầu cử.

Theo thông lệ, phần lớn các bang sẽ bắt đầu kiểm phiếu sớm nhất là từ buổi sáng ngày bầu cử, hoặc đợi tới sau khi các điểm bỏ phiếu đóng cửa mới bắt đầu công việc này. Tuy nhiên, năm nay, do đại dịch Covid-19, một số bang đã thay đổi quy định, cho phép quy trình xử lý diễn ra sớm hơn để có thể xử lý khối lượng lớn các lá phiếu vắng mặt trong mùa bầu cử năm nay. Có 6 bang sẽ phải xác nhận kết quả bầu cử trong vòng 1 tuần kể từ ngày bầu cử, 26 bang và Washington D.C. có thời hạn chót là từ ngày 10 đến 30-11; 14 bang có thời hạn chót là tháng 12, và 4 bang không quy định về thời hạn chót trong luật của bang mình. Ngày cuối cùng để các bang giải quyết mọi tranh cãi liên quan đến kết quả bầu cử là ngày 8-12.

Không chỉ nước Mỹ mà cả thế giới đang hồi hộp dõi theo với sự quan tâm sâu sắc kết quả cuộc bầu cử Tổng thống năm 2020. Bởi việc đương kim Tổng thống Donald Trump sẽ trụ lại Nhà Trắng thêm một nhiệm kỳ hay cựu Phó Tổng thống Joe Biden trở lại đây với vai trò chủ nhân chứ không phải “phó tướng” dưới thời Tổng thống Barack Obama được cho rằng sẽ tác động lớn tới nhiều chính sách đối nội và đối ngoại của nước Mỹ trong 4 năm tới.

Cuộc đua tốn kém nhất lịch sử nước Mỹ

Trung tâm Phản ứng chính trị Mỹ (CRP) vừa công bố báo cáo cho thấy tổng chi tiêu cho cuộc bầu cử năm nay ở Mỹ sẽ đạt gần 14 tỷ USD, vượt xa số tiền đã được chi trong 2 kỳ bầu cử trước cộng lại. Theo ước tính từ CRP, chiến dịch tranh cử của ứng viên Đảng Dân chủ Joe Biden và Tổng thống Donald Trump được dự đoán có chi phí lên tới khoảng 6,6 tỷ USD, trong khi các khoản tiền đổ vào cuộc đua giành ghế trong Quốc hội sẽ lên tới 7,2 tỷ USD. Các Đảng viên Dân chủ là những người chi tiêu nhiều nhất, ở mức 6,9 tỷ USD so với con số 3,8 tỷ USD của các ứng cử viên và nhóm Đảng Cộng hòa.

Sheila Krumholz - Giám đốc điều hành CRP cho biết: “Các nhà tài trợ đã rót số tiền kỷ lục vào cuộc bầu cử giữa kỳ hồi năm 2018 và năm 2020 dường như là sự tiếp nối của xu hướng đó, nhưng được tăng cường hơn”. Trong khi đó, ứng cử viên Tổng thống của Đảng Dân chủ Biden đang hướng tới việc trở thành ứng cử viên đầu tiên trong lịch sử huy động được 1 tỷ USD từ các nhà tài trợ, sau khi chiến dịch tranh cử của ông đã mang về con số kỷ lục 938 triệu USD tính đến ngày 14-10. Để so sánh, Tổng thống đương nhiệm Donald Trump đã huy động được 596 triệu USD. Giám đốc Krumholz nói: “10 năm trước, một chiến dịch tranh cử trị giá hàng tỷ USD là rất khó tưởng tượng”.