Đại dịch Covid-19 không ngăn được sức bật, khả năng phát triển và tăng trưởng của kinh tế Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Bà Dorsati Madani, chuyên gia kinh tế cao cấp của Văn phòng Ngân hàng Thế giới (WB) tại Hà Nội nhận định, kinh tế Việt Nam sẽ có phục hồi sau khi lệnh giãn cách xã hội được dỡ bỏ.
Kinh tế Việt Nam có khả năng phát triển mạnh mẽ và tăng trưởng GDP cao trong tương lai

Kinh tế Việt Nam có khả năng phát triển mạnh mẽ và tăng trưởng GDP cao trong tương lai

Theo bà Madani, từ cuối quý III-2021 trở đi, nền kinh tế Việt Nam có thể sẽ phục hồi mạnh mẽ, giống như sự phục hồi sau khi lệnh giãn cách xã hội được áp đặt hồi tháng 4-2020 được dỡ bỏ, phần nào nhờ sự tăng trưởng vững chắc vào đầu năm nay. Chuyên gia kinh tế cao cấp của Văn phòng WB đánh giá, mặc dù Việt Nam gặp nhiều rủi ro về kinh tế do tác động của đại dịch Covid-19, song nền kinh tế nước này đã được chứng minh rất bền bỉ và năng động. Việt Nam là một trong số ít quốc gia trên thế giới tăng trưởng kinh tế dương trong năm 2020 trong khi tất cả các nước khác trong khu vực, ngoại trừ Trung Quốc, đều tăng trưởng kinh tế âm. Bà Dorsati Madani cũng bày tỏ hy vọng nền kinh tế Việt Nam có thể phục hồi trong tương lai một phần nhờ vào thị trường xuất khẩu chính của nước này, trong đó có Mỹ, Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU)... đều đang trên đà phục hồi.

Trước đó, ngày 24-8, WB nhận định nền kinh tế Việt Nam có phục hồi vào nửa sau năm 2021 hay không còn tùy thuộc vào kết quả kiểm soát đợt dịch Covid-19 bùng phát hiện nay. Theo WB, dù những rủi ro theo hướng suy giảm đã gia tăng, nhưng các yếu tố căn bản của nền kinh tế Việt Nam vẫn vững chắc và nền kinh tế có thể quay lại với tốc độ tăng trưởng GDP trước đại dịch ở mức từ 6,5 đến 7% từ năm 2022 trở đi. Hiện WB đang chờ số liệu trong tháng 9 của Tổng cục Thống kê Việt Nam (GSO) cũng như xem quyết định của Chính phủ Việt Nam liên quan tới mở cửa nền kinh tế, mới đưa ra điều chỉnh về dự báo về tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

Trong khi đó, Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam Tim Evans mới đây đã đưa ra một số nhận định về nền kinh tế Việt Nam và triển vọng tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Ông Evans nhấn mạnh “không quốc gia nào làm tốt hơn Việt Nam” khi gặp khó khăn và trở ngại. Theo ông Evans, là một ngân hàng đã đồng hành với Việt Nam trong suốt 151 năm qua, HSBC hiểu rõ Việt Nam luôn có cách vượt qua mọi khó khăn và trở ngại. Điều này đã được lịch sử kiểm nghiệm.

Ông Tim Evans dự báo với kịch bản tích cực nhất, tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2021 sẽ vào khoảng 5-5,5% và đạt 6,8% trong năm 2022. Ông Evans khẳng định: “Chúng tôi hoàn toàn tin tưởng vào khả năng đó và mặc dù Việt Nam đang phải trải qua một giai đoạn đầy thử thách, chúng tôi vẫn nhìn thấy viễn cảnh tích cực cho nền kinh tế này trong tương lai”. Ông Evans cho rằng: “Dù trong viễn cảnh nào, nền kinh tế cũng cần được mở cửa trở lại và triển khai một cách thận trọng, bài bản theo lộ trình. Tại nhiều thị trường khác, các hoạt động kinh tế có xu hướng phục hồi mạnh mẽ ngay thời điểm kinh tế mở cửa và chúng tôi kỳ vọng nhìn thấy điều tương tự ở Việt Nam”. Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam cũng tin rằng, ngay sau khi dịch bệnh lắng xuống, hoạt động tiêu dùng sẽ khôi phục rất mạnh mẽ.

Một chuyên gia kinh tế khác, Chủ tịch Quỹ đầu tư Vietnam Enterprise Investments Ltd (VEIL), Stanley Chou cũng nhận định dịch Covid-19 không thể ngăn được sức bật của nền kinh tế Việt Nam, do đó kinh tế Việt Nam có khả năng phát triển mạnh mẽ và tăng trưởng GDP cao trong tương lai. Theo ông Chou, kinh tế Việt Nam nửa đầu năm tăng trưởng 5,6% bất chấp các đợt lây nhiễm Covid-19 mới. Điều này cho thấy, khả năng phục hồi mạnh mẽ của Việt Nam và tạo nền tảng cho việc mở rộng tăng trưởng trong tương lai. Điều kiện hiện nay chắc chắn vẫn là thách thức đối với các doanh nghiệp, nhưng VEIL tin rằng, nền kinh tế Việt Nam sẽ mang lại cơ hội cho những ai có thể giao dịch thương mại và có tiềm năng phát triển mạnh mẽ sau khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát.