Đại ca giang hồ từng có hàng trăm đàn em và hành trình trở về nẻo thiện

ANTĐ - Tụ tập băng đảng tung hoành khắp Nam Bắc. Mới chỉ 20 tuổi, gã được tôn làm đại ca trong giới giang hồ với số lượng đàn em lên đến gần trăm người. Kể từ đó cuộc sống của gã luôn gắn liền với những cuộc thư hùng đâm thuê chém mướn giữa các bang hội trên địa bàn TP Đà Nẵng. Chưa thỏa mãn, gã còn tụ tập đàn em thân tín hết ra Bắc rồi lại vào Nam với tham vọng hùng bá thiên hạ. Nhưng rồi cũng đến một ngày kẻ giang hồ dọc ngang trời đất ấy cũng đã phải rũ bỏ quá khứ, làm lại cuộc đời.

Theo chân giang hồ

Nguyễn Văn Lợi sinh ra trong một gia đình không đến nỗi nghèo khó, là anh cả trong gia đình có 9 anh, chị em cha mẹ lại là công nhân viên Nhà nước nên anh cũng được cha mẹ cho ăn học đàng hoàng. Đến năm học lớp 8, sự ra đi đột ngột của người mẹ khiến cho gia đình anh có một sự xáo trộn khá lớn. Cha anh vì quá thương nhớ vợ nên sinh ra rượu chè. Chán nản, Lợi quyết định bỏ học, lang thang khắp nơi bán xổ số và bốc vác thuê cho tiểu thương ở các chợ.

Bước vào chặng đường mưu sinh khi tuổi còn quá nhỏ, Lợi không thể tránh khỏi những cám dỗ và sự xô đẩy của cuộc sống. Khu vực các chợ ở Đà Nẵng mà Lợi làm bốc vác không chỉ nổi tiếng với nhiều loại hàng hóa từ các nơi đổ về mà nơi này còn là điểm quy tụ của các đại ca giang hồ. Có sẵn trong người máu “yêng hùng” và bản tính lỳ lợm, Lợi theo chân các đại ca lao vào những cuộc đấu đá tranh giành lãnh địa. Lợi ngày càng dính sâu vào con đường tội lỗi khi luôn là kẻ cầm đầu trong các cuộc đấu đá, chém giết.

Đến năm 20 tuổi, Lợi đã được các đàn em suy tôn làm đại ca với gần trăm đệ tử rải rác khắp nơi. Có thanh thế, Lợi bắt đầu hành trình khai phá những vùng đất mới. “Đội quân” của Lợi chọn đất Bắc làm điểm đến đầu tiên, sau đó tiếp tục vào Tây Nguyên rồi lại Nam tiến làm cửu vạn và đòi nợ thuê. Trong một lần hỗn chiến với đại ca của một băng đảng khác trên địa bàn, Lợi đã chém trọng thương đối thủ và vụ này Lợi phải lĩnh án tù 5 năm ở trại giam Bình Điền (Thừa Thiên-Huế).

Suốt thời gian ở trong tù, đối diện với bốn bức tường kín mít, Lợi mới có thời gian để suy nghĩ về những lỗi lầm trong quá khứ. Là một tay giang hồ có tiếng, Lợi phải đối diện với mức cải tạo nặng nề nhất, nhưng Lợi luôn cố gắng làm việc hết sức mình để nhận được sự khoan hồng của pháp luật. Từ mức nặng nhất, dần dần Lợi được chuyển xuống những mức cải tạo nhẹ hơn.

Lợi chia sẻ về những ngày trong trại giam: “Những ngày tôi ở trong tù là khoảng thời gian tôi suy nghĩ nhiều nhất. Nghĩ về khoảng thời gian trước đây tôi cảm thấy thật uổng phí. Cứ mỗi lần cha tôi và các em vào thăm rồi khuyên bảo tôi gắng cải tạo tốt là trong lòng tôi lại trỗi dậy một sự ân hận rất lớn. Nhìn người cha già đã từng hy vọng vào tôi giờ lại phải nhìn thằng con như thế này tôi lại cảm thấy ứa nước mắt. Tôi thầm hứa với lòng mình sẽ cố gắng cải tạo tốt và sẽ làm lại cuộc đời sau ngày được trở về!”.

Và rồi, những cố gắng của Lợi cũng được ghi nhận, Lợi được mãn hạn tù trước thời hạn hơn 1 năm. Ngày trở về, bố và các em của anh đã đứng chờ sẵn anh ở cổng. Lợi cảm thấy ân hận vô cùng khi nhìn thấy hình ảnh cha anh già và tiều tụy đi rất nhiều, anh ôm lấy cha và nói: “Con hứa với bố sẽ không đi lại con đường cũ nữa, con muốn làm lại cuộc đời!”. Lúc đó hai cha con anh chỉ biết ôm chầm lấy nhau mà khóc. 

Ngày trở về, tái hòa  nhập với cộng đồng lại không hề dễ dàng đối với Lợi. Phần vì tự ti, mặc cảm với quá khứ tội lỗi, phần vì sợ ánh mắt kỳ thị của bà con lối xóm. Anh rất sợ cái cảm giác đi đâu anh cũng nghe mọi người tránh xa rồi bàn tán rằng thằng đó mới đi tù về đấy. Nghĩ nhiều nhưng anh không vì thế mà chán nản, mình đã lãng phí quá nhiều thời gian nên bây giờ phải quyết tâm làm lại cuộc đời. Trong khi đó, các “chiến hữu” vẫn thường xuyên lui tới rủ anh quay lại con đường cũ. Anh nhất quyết từ chối. “Vì tôi không muốn quay lại con đường cũ nữa nên mỗi khi bạn hữu trước đây gọi tôi đều lấy lý do bận việc. Họ còn bảo tôi khinh thường họ nhưng tôi cũng mặc kệ. Tôi đã quyết tâm làm gì rồi thì tôi sẽ làm cho bằng được!”.

 

Từ hai bàn tay trắng, cùng với những nỗi mặc cảm đeo bám nhưng Lợi không nề hà làm đủ mọi nghề để kiếm sống. Từ bốc vác hàng cho tới chạy xe thồ, miễn sao những đồng tiền kiếm được từ mồ hôi nước mắt là tiền sạch. Hồi ấy, phong trào chơi chim cảnh ở Đà Nẵng rất phát triển, anh nghĩ đến việc làm lồng chim để bán chắc chắn sẽ có hiệu quả. Rồi anh quyết định viết đơn xin hỗ trợ vốn từ “Quỹ hoàn lương” được vài triệu đồng về nhà sắm máy móc, khoan đục phục vụ cho công việc. Sau 3 tháng tự mày mò và học hỏi, cuối cùng anh cũng đã thành công với những sản phẩm đâu tiên và được thị trường đón nhận.

Sức mạnh của tình yêu 

Có những thành công bước đầu, Lợi ngày đêm say mê lao vào công việc. Để bán được sản phẩm, anh đã đi khắp nơi tìm hiểu thị trường và sáng tạo ra những sản phẩm mẫu mã mới. Càng ngày, có nhiều người tìm đến anh để đặt hàng hơn. Cuộc sống của Lợi dần đi vào ổn định và đã bớt đi những ánh mắt xa lạ đối với anh.

Hành trình trở về nẻo thiện của Lợi không thể không kể đến sự giúp đỡ động viên của người vợ hiền. Hồi đó, những lúc rảnh rỗi anh cũng có đi làm phụ thêm ở quán cơm để kiếm thêm thu nhập. Những khi không có khách, anh thường ôm cây đàn ra đánh cho khuây khỏa. Rồi cô gái Võ Thị Hương Thủy (SN 1975) mê tiếng đàn của anh lúc nào không hay. Nhận ra ánh mắt cảm tình của cô gái, Lợi bắt chuyện làm quen, và cũng không hề giấu giếm quá khứ tội lỗi, thậm chí còn cho cô gái ấy biết tường tận một thời đại ca giang hồ của mình. Thật ngạc nhiên khi Thủy không hề e ngại mà ngày càng gần gũi, động viên giúp đỡ anh nhiều hơn. Khi kể về người vợ mình, Lợi luôn dành cho cô một sự tôn trọng và tình cảm đặc biệt. Chính chị là nguồn động viên, cổ cũ cho anh trên hành trình hướng thiện.

Và rồi, Thủy ngỏ ý muốn đưa Lợi về giới thiệu với gia đình cô. Cảm thấy quá bất ngờ vả lại biết quá khứ của mình như vậy, Lợi hiểu rằng  gia đình Thủy không thể chấp nhận một người như anh. Nhưng Thủy đã động viên để anh vững vàng hơn. Thật bất ngờ, khi biết về quá khứ của Lợi, gia đình và họ hàng Thủy cũng hiểu được tình cảm của hai người và vun vén cho họ.

“Tôi còn nhớ như in lời mẹ Thủy nói với tôi ngày hôm đó: Ở đời ai cũng không tránh khỏi một lần lầm lỡ, nhưng quan trọng là người đó phải biết rũ bỏ quá khứ và vun đắp cho tương lai!”. Như được tiếp thêm sức mạnh từ tình người bao dung, Lợi càng quyết tâm làm việc hơn. Nhưng công việc của anh không phải lúc nào cũng “thuận buồm xuôi gió”.

Phong trào làm lồng chim phát triển rầm rộ hơn. Mặt hàng của anh bị cạnh tranh gay gắt. So với những người khác thì vốn của anh không đáng kể bởi vậy việc mở rộng sản xuất để tăng sức cạnh tranh đối với anh lúc ấy không hề dễ dàng. Những lúc đó, anh chán nản và muốn bỏ đi tất cả nhưng Thủy luôn ở bên động viên khích lệ anh. Chị còn đưa ra những ý kiến sáng tạo khá độc đáo khiến cho những sản phẩm của anh làm ra luôn được người tiêu dùng ưa thích và tìm đến đặt hàng. 

Năm 2004, đám cưới của Lợi với Thủy được tổ chức dưới sự chứng kiến của hai bên gia đình và bạn bè. Đến nay, 2 người đã có 2 đứa con trai ngoan hiền. Hiện vợ anh đã mở được một quán tạp hóa nhỏ ở gần chợ. Còn anh ngoài nghề làm lồng chim thì anh còn được giới thiệu vào đội dân phòng của phường Hải Châu 2. Anh cũng nhận được nhiều Bằng khen của phường, quận và thành phố với tư cách là một trong những đội viên dân phòng xuất sắc nhất thành phố Đà Nẵng.

Anh còn tạo điều kiện giúp đỡ cho những người từng có quá khứ lầm lỡ như mình có công ăn việc làm ổn định, kiếm tiền từ chính sức lao động của mình. Điển hình như Nguyễn Bá Khánh từng chìm trong nghiện ngập hay Phan Thành Chung (TP Hội An, Quảng Nam) một thời lang thang kiếm sống. Đó là 2 trong số rất nhiều những đối tượng được anh cảm hóa và dạy nghề để trở thành những người có ích cho xã hội. Anh bảo chính nhờ tình yêu, tình người bao dung độ lượng mà con đường trở về với cộng đồng của anh bớt chông gai hơn. Anh cũng mong mọi người đừng có những cái nhìn ác cảm với những người đã một thời lầm lỗi, để họ có cơ hội trở về với cuộc đời.