"Đại ca" cầm đầu băng nhóm "xin đểu" trở thành "thầy lang" bốc thuốc miễn phí

ANTĐ - Năm lần ba lượt vào tù vì tội cầm đầu băng cướp giật và hành hung người khác, Nguyễn Đình Hà trú tại phường 5, Quận 6 (TP. Hồ Chí Minh) hoàn lương thành một người bốc thuốc Bắc miễn phí cho những người dân nghèo, các phật tử trong chùa trên địa bàn thành phố. Hàng ngày, biết ngôi chùa nào có nhiều người bệnh đến nương nhờ, Hà lại lặn lội đến bốc thuốc miễn phí.

Những ngã rẽ sai

Từ những ngày còn đi học, Nguyễn Đình Hà đã là một học sinh tiêu biểu. Cuộc sống tuổi thơ của Hà cứ êm đềm trôi qua trong ngôi làng nghèo của xã Sơn Nguyên (huyện Sơn Hòa, Phú Yên) - nơi Hà đã sinh ra và lớn lên. Rồi cái ngày định mệnh cuối năm 1987 có lẽ mãi không quên được đối với Hà, đó là ngày bước chân anh bắt đầu trượt vào vòng tăm tối và tội lỗi. Hà kể: “Cũng vào dịp đầu xuân năm 1987, khi đó tôi có rất nhiều ước vọng, hoài bão. Nhưng ở vùng quê này nghèo khổ quá, Tết đến chẳng có gì ăn. Vài người bạn từ thành phố dẫn thêm một người đàn ông tên Trần Tùng về giới thiệu là ông chủ một doanh nghiệp ở Sài Gòn, sẽ giúp cho tôi đổi đời mà không cần học hành. Thế là đi, đi để mang khát vọng thoát cái cảnh nghèo chứ chẳng nghĩ suy gì nhiều”. 

Làm gì cũng chỉ để cốt kiếm cho nhanh được nhiều tiền, trong đầu gã trai đôi mươi chỉ nghĩ được đến đó. Với sự từng trải của một gã ma cô cộng với mồm miệng khéo léo, Trần Tùng đã nhanh chóng kéo Hà vào cái bẫy của mình. Ban đầu, Hà được cấp tiền cho chi tiêu thoải mái và tham ra một khóa đào tạo vệ sĩ để về làm cho quán bar trá hình của ông chủ. Mãi đến khi quán này bị đánh sập vì tổ chức đánh bạc và ma túy Hà mới vỡ lẽ. Trong thời gian ở đây, Hà đã hành hung  người thi hành công vụ và bị bắt đi cải tạo 2 năm. Vừa ra tù, Hà lại tiếp tục rẽ vào một con đường tối tăm khác là đi buôn lậu. Những chuyến hàng là đồ giả của Trung Quốc và cả ma túy được Hà cùng 4 tên đồng đảng (kết nối với nhau từ những ngày trong trại cải tạo) chuyển từ tận biên giới phía Bắc về TP Hồ Chí Minh tiêu thụ.

Bài học thực tiễn từ những thành phần du côn, băng đảng đã nhanh chóng biến Hà từ một gã trai quê hiền lành thành kẻ lưu manh. Năm 1993, cả nhóm của Hà bị tóm gọn ngay tại bến xe Miền Đông khi đang giao dịch một số lượng ma túy khá lớn. Tiếp tục nhập trại giam với bản án 7 năm tù giam. Năm 1999, ra tù, Hà được một người đồng hương tên Nam nhận vào làm phụ quán cho cửa hàng bán phở ở trung tâm quận 5. Tưởng cuộc sống sẽ giúp Hà thức tỉnh. Nhưng máu giang hồ chưa dứt nên một năm sau, y lại lao vào con đường tội lỗi. Các đối tượng xấu đến đòi tiền bảo kê quán phở nơi Hà đang yên ổn làm việc nên máu chiến của gã lại nổi lên. Hà kể: “Trong lòng cũng đang chùng chiềng lắm, chưa xác định được tư tưởng. Những người ở quê thì đều đã tuyên bố cắt đứt quan hệ tình thân nên tôi chỉ còn biết dựa dẫm vào những mối quan hệ sơ giao. Lần ấy, nhóm côn đồ vào đập phá quán phở và đòi nhiều khoản tiền phi lí nên tôi đã liều ăn thua với chúng. Từng lặn lộn và ở tù nhiều nên cả nhóm chúng đã nhanh chóng bị tôi hạ gục”. 

Sau khi bị hạ gục, nhóm du côn này liền tôn Hà lên làm đại ca. Đồng thời vẽ ra cho y cách chỉ việc ngồi không mà hưởng tiền, miễn khi nào các đàn em gặp rắc rối, Hà ra mặt dàn xếp là được. Ban đầu chỉ là hoạt động xin đểu các quán, nhà hàng bình thường. Nhưng dần dần băng của Hà tăng lên đến 15 tên, chuyên hoạt động cướp bóc trong các quận ở khắp TP. Hồ Chí Minh. Cuộc sống lang bạt chìm sâu trong mê muội và vũng bùn tội lỗi. Năm 2003, trong một cuộc ẩu đả và cướp bóc có tổ chức ở quận Tân Bình, Hà đã chỉ đạo đám đàn em của mình hành hung trọng thương nhiều người và cướp đi nhiều tài sản của một cửa hàng bách hóa tổng hợp. Bị truy nã toàn quốc, sau 6 tháng lẩn trốn, y mới thấu hiểu cái danh xưng “đại ca” kia chỉ là phù phiếm. Cuối cùng Hà cũng sa lưới và lĩnh án 6 năm tù giam, thụ án tại trạm giam Xuân Lộc (Đồng Nai). 

Biết thức tỉnh thì sẽ không có ngõ cụt

Suốt gần 20 năm lăn lộn trong chốn giang hồ, xưng hùng xưng bá, đánh người nhưng Hà cũng bị “dần” cho hàng chục trận đòn nhừ tử. Những ngày cuối năm, trời trở lạnh trong trại giam, cột sống của y nổi lên những cơn đau quằn quại. Có lần tưởng chừng không tài nào gượng dậy được. Y nhớ lại rằng; cứ mỗi khi trở trời hay thời tiết xấu những vết thương từ các trận ẩu đả lại tái phát, đau ê ẩm. Cũng may các cán bộ thương tình, biết đau thật nên đã bố trí cho làm những công việc nhẹ nhàng mỗi khi phát bệnh. “Mùa xuân năm 2007, tôi gần như phải nằm liệt, trại cho các phạm nhân nghỉ Tết vui chơi mấy ngày nhưng tôi không tài nào gượng dậy được. Ngồi một chỗ thì quá buồn nên tôi xin mượn các tài liệu báo chí ở phòng văn hóa của trại giam về đọc. Cũng vì buồn, cũng vì đau nên tôi đọc ngấu nghiến bất thứ gì y có được để cho nhanh qua ngày”, Hà tâm sự.

Không ngờ, trong một số cuốn tạp chí về thuốc và mục sức khỏe trong các tờ báo đã mở ra cho y ý nghĩ mới. Hà nói: “Tôi như người chết đuối vớ được cọc khi trên một trang báo có hướng dẫn cách điều trị cột sống bằng tập thể dục, lại có bài báo nói về công dụng của nhiều loại thảo dược mà ở quê nhà của tôi có rất nhiều. Nhiều vùng núi hoang vu mà thuở nhỏ tôi thường lui tới cũng mọc đầy rẫy. Tôi áp dụng ngay cách tập đó, không ngờ bệnh có giảm thật”. 

Những ngày sau đó, sau những giờ lao động, Hà tha thiết xin các cán bộ cho mượn tạp chí nói về thuốc bắc, thuốc nam về đọc. Niềm đam mê về thuốc bắc cũng bắt đầu trỗi dậy trong y từ đó. Nhiều lần được cán bộ tuyên truyền cộng với khát vọng vừa nhen nhóm về tương lai tươi sáng trong tâm thức Hà khiến cho y chợt nghiệm ra; nếu thức tỉnh thì không có con đường cụt. Hà giãi bày: “Khi đó tôi cũng không nghĩ lại thành người bốc thuốc như bây giờ đâu mà chỉ nghĩ đơn thuần sẽ về quê mang thuốc đi bán kiếm tiền thôi. Nhưng ngẫm đời cũng còn dài, phải kiếm một cách sống cho ý nghĩa nên tôi đã quyết tâm hoàn lương để học nghề bốc thuốc bắc. 

Thầm lặng giúp người gặp khó

Với quyết tâm mãnh liệt của một thân phận tội lỗi, năm 2009, Hà được đặc xá trước thời hạn. Để tránh dính vào sự dụ dỗ của các đối tượng xấu, Hà về hẳn vùng biên giới Tân Biên (Tây Ninh) làm nghề bốc vác. Nặng nhọc nhưng nhanh có tiền. Có được số tiền, Hà đăng kí một khóa học ngắn hạn về thuốc bắc ở quận 5, TP. Hồ Chí Minh. Sau khi có chứng chỉ nghề bốc thuốc bắc Hà về các ngọn núi ở quê hương của mình lấy thuốc mang vào Sài Gòn bán cho các cửa hàng, các trung tâm bào chế thuốc bắc lớn. Nhờ sự cần mẫn đó mà chẳng mấy chốc, Hà đã có số vốn kha khá trong tay. Về quê cũng chẳng có công việc gì tốt hơn nên anh quyết bám trụ ở thành phố, thuê một gác trọ nhỏ. Sau những chuyến đưa thuốc từ quê đi bán, lòng anh vẫn đầy những day dứt về quãng đời tội lỗi của mình. Nhớ lại trong một lần qua chùa Từ Nghiêm thấy rất nhiều người nghèo đến chùa xin được tá túc, nương nhờ vì bệnh tật. Hà liền nảy ra ý định chỉ bán thuốc đủ tiền mưu sinh còn lại anh tự bào chế cho những người nghèo mắc bệnh kia. Thấy anh có chứng chỉ đào tạo, thuốc lại chỉ phát không nên ai cũng hồ hởi dùng. Cứ mỗi trường hợp khỏi bệnh niềm vui trong anh lại như được nhân lên. Anh bảo: “Chùa Từ Nghiêm, chùa Bảo Ân, chùa Bửu Thọ… rất nhiều chùa không nhớ được. Cứ đâu có người bệnh nghèo mà có thể chữa được bằng thuốc bắc là tôi đến cho họ ngay. Nhiều người cố nài hỏi địa chỉ để còn đến trả ơn nhưng tôi không cho, mình giúp được chút ít thế nào có xá gì”. 

Để tiết kiệm tối đa và có nhiều thuốc hơn giúp đỡ người khác, Hà còn tự mày mò chế tác thủ công ra nhiều dụng cụ bào chế thuốc rất hiệu quả. Điều này giúp anh tiết kiệm một khoản tiền không nhỏ khi đi thuê các tiệm thuốc bào chế. Chỉ những bài thuốc khó, anh mới phải đi nhờ người làm. 

Giờ, bước sang tuổi ngũ tuần, gương mặt Hà hằn lên sự từng trải và nhiều biến cố, thăng trầm. Nhưng nụ cười hiền hậu rất may Hà vẫn luôn giữ được dẫu đã trải qua những ngày “máu lạnh” khi cầm đầu một băng cướp.