Đại biểu "truy" Bộ trưởng Cao Đức Phát về tình trạng phá rừng, trồng cao su

ANTĐ - Đại biểu Quốc hội Trương Văn Vở  hai lần đứng lên đặt câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, xung quanh tình trạng phá rừng trồng cây cao su vượt quy hoạch.

Bộ trưởng không thể lặn lội tới từng cánh rừng, xem trong hay ngoài quy hoạch

Chiều nay (19-11), Quốc hội bước vào phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Vị trưởng ngành đầu tiên đăng đàn, là Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát trong phiên trả lời chất vấn, chiều 19-11

Đại biểu Trương Văn Vở (Đồng Nai) đặt câu hỏi "Vì sao đến nay chúng ta chậm trễ trong việc ngăn chặn tình trạng phá rừng trồng cây cao su, bao giờ xử lý được dứt điểm? Ngoài trách nhiệm địa phương thì trách nhiệm bộ trưởng tới đâu?"

Bộ trưởng Cao Đức Phát
trả lời: Những năm trước chúng ta có chủ trương cho dùng diện tích rừng nghèo kiệt (chỉ còn cây bụi, ít giá trị kinh tế) có điều kiện phù hợp để trồng cây cao su, tạo công ăn việc làm cho công nhân, chủ yếu ở các tỉnh Tây Nguyên và một ít diện tích tại Tây Bắc. Tuy nhiên quá trình thực hiện phát hiện có sơ hở, nên Bộ NN&PTNT kiến nghị Chính phủ, đã ban hành chỉ thị ngừng việc khai thác mở rộng, chỉ cho phép thực hiện nốt những dự án đã được quy hoạch, với tiêu chuẩn chặt chẽ, tuân thủ luật pháp, đồng thời dừng tất cả các dự án mở rộng diện tích khác. Chúng tôi có đồng trách nhiệm với chính quyền địa phương trong việc chưa kiểm tra sâu sát và đã đưa ra kiến nghị nói trên.

Chưa thỏa mãn với câu trả lời của vị "tư lệnh" ngành nông nghiệp, đại biểu Trương Văn Vở bấm nút, xin hỏi lần 2: Đề nghị bộ trưởng nói thêm để cử tri an tâm, nhất là cử tri vùng lũ do mất rừng gây ra. Hiện tình trạng sử dụng đất rừng vượt quy hoạch cần chấn chỉnh ra sao, từ nay có chấm dứt hay không? Xử lý phần hơn 100.000 ha cao su vượt quy hoạch, thì trách nhiệm thuộc về ai?

Bộ trưởng Cao Đức Phát thừa nhận, hiện nay toàn quốc có 910.000 ha cây cao su, vượt quá hơn 100.000 ha so với quy hoạch của Chính phủ. Tuy nhiên ông cho biết, con số này không hoàn toàn trồng trên đất rừng hay do phá rừng, mà nhiều diện tích được trồng trên đất nông, lâm nghiệp khác. Từ năm 2011 lại đây thì chỉ có 60.000 ha được trồng hợp pháp, và đến nay dừng không cho khai thác thêm nữa. Cũng có tình trạng 1 số nơi, bà con tự khai phá rừng, thì chính quyền địa phương phải siết chặt quản lý.

Về câu hỏi trách nhiệm, Bộ trưởng Cao Đức Phát nhìn nhận: Đương nhiên trách nhiệm quản lý toàn ngành thuộc về Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, tuy nhiên các đồng chí quản lý tại địa phương cũng phải chịu trách nhiệm liên đới, một mình bộ trưởng không thể lặn lội tới từng cách rừng để xem cánh rừng đó có hay không có trong quy hoạch.

Xin lỗi bà con Bắc Kạn vì cả tỉnh chỉ có 1 thanh tra

Các đại biểu
Trần Văn Minh (Quảng Ninh) và Huỳnh Minh Hoàng (Bạc Liêu) cùng đặt câu hỏi chất vấn liên quan đến quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, như tình trạng phân bón giả mua bán tràn lan trên thị trường, thuốc bảo quản thực vật quá hạn, độc; thuốc kích thích tăng trường không có trong danh mục....gây hoang mang trong dân. Tình trạng diễn ra đã lâu và ngày càng trở nghiêm trọng, đề nghị cho biết trách nhiệm của Bộ NN&PTNT cũng như giải pháp khắc phục thời gian tới?

Bộ trưởng Cao Đức Phát thừa nhận, qua kiểm tra thấy rằng trên thị trường đang lưu hành số lượng lớn phân bón, thuốc trừ sâu, thuốc thú y, thuốc chăn nuôi chất lượng kém, thậm chí có loại hàng giả ngoài danh mục. 

"Dù có nhiều nỗ lực của ngành, nhưng chưa được như mong đợi, ngành sẽ nỗ lực áp dụng các biện pháp để tình hình chuyển biến mạnh mẽ hơn như: Tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý luật pháp, xây dựng các tiêu chuẩn, chấn chỉnh bộ máy quản lý chất lượng vật tư, thanh kiểm tra trên phạm vi toàn quốc"- đến chỗ này, ông Phát ngưng lại một chút, rồi nói - "Một số tỉnh thanh tra nông nghiệp rất yếu, xin lỗi bà con ở Bắc Kạn, ở đây chỉ có 1 thanh tra, ở Bắc Giang có 2 người; còn trung bình mỗi tỉnh có 7-8 người... như vậy thời gian tới cần phải xây dựng đội ngũ thanh tra đủ mạnh".