Đại biểu Quốc hội: Cần tránh việc lương tăng 1 đồng, giá tăng 2 đồng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Phát biểu thảo luận tại hội trường, Đại biểu Thái Thu Xương (đoàn Hậu Giang) đề xuất tăng lương cơ sở càng sớm càng tốt, đồng thời có biện pháp kiềm chế lạm phát, kiềm giá, tránh việc lương tăng 1 đồng, giá tăng 2 đồng …

Đại biểu Thái Thu Xương bày tỏ đồng tình với nội dung Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.

Song đại biểu cho rằng, do tình hình kinh tế, chính trị khu vực và thế giới có nhiều biến động phức tạp, khó lường, chuỗi cung ứng hàng hóa ở các thị trường xuất nhập khẩu của Việt Nam tiềm ẩn nhiều rủi ro do giá cả không ổn định, đã tác động mạnh đến đời sống, việc làm và thu nhập của người lao động, đặc biệt là các nhóm yếu thế, lao động nghèo, lao động nhập cư tại các đô thị, khu công nghiệp lớn.

Bên cạnh đó, tình hình nhiều cán bộ, công chức, viên chức bỏ việc, nguyên nhân chủ yếu là do ảnh hưởng của dịch Covid- 19, áp lực công việc quá cao, cường độ làm việc quá lớn, nhiều cán bộ phải làm việc hơn 10 tiếng/ ngày trong môi trường làm việc nguy hiểm, nguy cơ mắc bệnh cao, có thể nguy hiểm đến tính mạng.

Viên chức ngành giáo dục phải thay đổi phương thức, cách thức làm việc từ thực trực tiếp sang trực tuyến dẫn đến áp lực côgn việc quá lớn nhưng sự quan tâm đối với lực lượng lao động này chưa nhiều, chưa có chính sách đãi ngộ, hỗ trợ tương xứng đối với công sức của họ bỏ ra .

Theo đại biểu, từ đầu năm 2020 đến nay đã có trên 39.000 cán bộ công chức viên chức nghỉ việc, chủ yếu trong 2 lĩnh vực y tế và giáo dục.

Đại biểu Thái Thu Xương (đoàn Hậu Giang) phát biểu thảo luận

Đại biểu Thái Thu Xương (đoàn Hậu Giang) phát biểu thảo luận

Cùng với đó, đối với lực lượng công nhân lao động nhập cư làm việc trong các khu, cụm công nghiệp còn nhiều khó khăn trong việc tìm chỗ ở, chỗ học cho con do nhà ở xã hội chưa nhiều, chưa đáp ứng đủ nhu cầu của công nhân lao động; vấn đề nhà trẻ, mẫu giáo, các cơ sở giáo dục phổ thông tại các khu, cụm công nghiệp chưa phát triển nhiều, chưa đáp ứng đủ nhu cầu, nhất là thiếu điểm giữ trẻ cho các cháu từ 6 đến 18 tháng tuổi.

Sau đợt dịch Covid -19 vừa qua, nhiều gia đình công nhân, lao động nhập cư muốn cho con quay trở lại cùng sinh sống để tiện bề giáo dục, nuôi dưỡng, gắn kết tình cảm gia đình, giữ gìn truyền thống nhưng gặp nhiều khó khăn trong việc chuyển trường cho con do mỗi địa phương chọn một bộ sách giáo khoa khác nhau nên khi chuyển trường trẻ phải thay đổi thích nghi với sách mới.

"Gần đây khi lương tối thiểu vùng tăng thì giá lương thực thực phẩm, xăng dầu, sách giáo khoa tăng liên tục, trong khi lương cán bộ công chức không tăng, thấp hơn nhiều so với chỉ số trượt giá ảnh hưởng đến đời sống người dân, gây tâm lý lo âu" - Đại biểu Xương chia sẻ.

Từ thực tế trên, từ ý chí, nguyện vọng cử tri và cán bộ, công chức, viên chức, đại biểu đề nghị phải nhanh chóng có giải pháp căn cơ trong việc giải bài toán thiếu hụt nhân lực trong lĩnh vực y tế và giáo dục để đủ sức phục vụ nhân dân.

Theo Đại biểu Xương, cử tri và cán bộ công chức rất vui mừng khi Chính phủ trình Quốc hội tăng lương cơ sở. Do vậy, đại biểu đề xuất thời gian tăng lương cơ sở càng sớm càng tốt, từ 1-1-2023, đồng thời kiềm chế lạm phát, kiềm giá, tránh tình trạng lương chưa tăng thì giá đã tăng, lương tăng một đồng, giá tăng 2 đồng.

Bên cạnh đó, cần xem xét sửa đổi Nghị định 56/2011 NĐ-CP về phụ cấp ưu đãi nghề với cán bộ công chức tại cơ sở y tế công lập, nâng lương khởi điểm với bác sỹ mới ra trường; Nghiên cứu chọn sách giáo khoa phù hợp, tạo điều kiện cho học sinh khi chuyển trường do cha mẹ phải di cư trong quá trình mưu sinh…